05/06/2017 11:47 GMT+7

Khủng bố làm nóng Đối thoại Shangri-La

QUỲNH TRUNG (Từ Singapore)
QUỲNH TRUNG (Từ Singapore)

TTO - Những sự kiện mới liên quan đếm khủng bố ở Anh và Philippines đã khiến Đối thoại an ninh Shangri-La diễn ra tại Singapore lần thứ 16 phải chuyển chủ đề.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh trò chuyện với một đại biểu Nhật Bản sau khi phát biểu tại phiên thảo luận “Tìm kiếm lập trường chung cho an ninh khu vực” ở Đối thoại Shangri-La sáng 4-6 - Ảnh: Q.TRUNG
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (phải) trò chuyện với một đại biểu Nhật Bản sau khi phát biểu tại phiên thảo luận “Tìm kiếm lập trường chung cho an ninh khu vực” ở Đối thoại Shangri-La sáng 4-6 - Ảnh: Q.TRUNG

“Mối đe dọa khủng bố trong khu vực đã trở thành mức báo động khẩn cấp chưa từng có tiền lệ trong khu vực của chúng ta

Tướng Ryamizard Ryacudu (Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia)

Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố bỗng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong ngày bế mạc (4-6) Đối thoại Shangri-La lần 16 tại Singapore.

Không hẹn mà gặp, các quan chức quốc phòng cấp cao của các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Philippines, Indonesia và chủ nhà Singapore đều nhắc nhiều đến vấn đề thúc đẩy hợp tác khu vực để chống lại mối đe dọa ngày càng lớn của những phần tử khủng bố cực đoan.

Khối Đông Nam Á lo sợ 

“Ngay cả khi đối thoại này kết thúc, các cuộc khủng bố vẫn đang diễn ra ở Marawi và London. Những cuộc tấn công dã man ở Anh mới xảy ra hôm qua và các nước châu Âu trước đó, ngay cả khi thủ phạm tấn công là các cá nhân hay các nhóm nhỏ, là một lời nhắc nhở công dân của chúng ta có thể gặp nguy hại như thế nào” - Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen “cập nhật” trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận toàn thể thứ 5 chủ đề “Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực”.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Singapore, ít nhất 31 nhóm trong khu vực khẳng định có liên hệ với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giữa các nhóm này ngày càng có sự liên hệ chặt chẽ.

“Các đường biên giới và những cánh rừng rậm sẽ tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng cũng như là những nơi ẩn nấp an toàn cho các trại huấn luyện khủng bố. Nếu những nhóm này bám chặt trong khu vực của chúng ta, sẽ có nhiều vụ tấn công hơn” - Bộ trưởng Ng cảnh báo.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Tìm kiếm lập trường chung cho an ninh khu vực” diễn ra trước đó, các quan chức quốc phòng Indonesia và Philippines cũng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa khủng bố đang lan rộng, nhất là các phần tử Hồi giáo có liên hệ với IS có thể sử dụng đảo Mindanao ở miền nam Philippines làm cứ địa, qua đó đe dọa khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, tướng Ryamizard Ryacudu, cho biết ông vừa mới được thông báo vào tối 3-6 rằng có 1.200 chiến binh IS, bao gồm 40 chiến binh đến từ Indonesia, đang hoạt động ở Philippines.

“Chúng ta phải tìm ra những biện pháp nhưng phải thận trọng bởi chúng là những cỗ máy giết người. Mục tiêu của chúng là sát hại những người khác, do đó chúng ta phải đạt được nhận thức chung và nhất trí về các biện pháp chống lại các tay súng nước ngoài này” - Bộ trưởng Ryacudu nói. 

Ông cũng kêu gọi sự hợp tác quy mô lớn trong khu vực nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, trong đó có sáng kiến tuần tra chống cướp biển của Indonesia, Malaysia và Philippines vào tháng 8-2016 bằng cách bổ sung Singapore và Thái Lan.

Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng Philippines Ricardo A David Jr. cho biết con số 1.200 chiến binh nước ngoài mà Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tiết lộ là “mới mẻ” đối với ông, vì theo ông nắm được chỉ có từ 250-400 tay súng hoặc ít hơn!

Không thể xem nhẹ vấn đề Biển Đông

Đối thoại Shangri-La năm nay có một điểm nhấn đặc biệt so với nhiều năm trước khi Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh được mời làm diễn giả chính của phiên toàn thể thứ tư chủ đề “Tìm kiếm lập trường chung cho an ninh khu vực” cùng với bộ trưởng quốc phòng Indonesia và Thứ trưởng Philippines Ricardo A David Jr., người thay mặt Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hủy tham gia vào giờ chót vì tình hình chiến sự ở thành phố Marawi.

Ông Lê Lương Minh cho biết bất chấp những nỗ lực của ASEAN duy trì các phương thức ngoại giao hòa bình và ổn định khu vực, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục đặt ra các nguy cơ và đe dọa sự tăng trưởng, thịnh vượng của khu vực.

Theo ông Minh, những căng thẳng trên Biển Đông, đến từ các tranh chấp chủ quyền đang diễn ra, có tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định khu vực, nhấn mạnh rằng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của Biển Đông đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực.

“Quyền tự do hàng hải, hàng không của mỗi quốc gia ở Biển Đông chỉ có thể được duy trì thông qua một môi trường an ninh thân thiện, hòa bình và hòa hợp” - ông Lê Lương Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lê Lương Minh kêu gọi sự chú ý về vấn đề mới: sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc (thế giới) trong khu vực Đông Nam Á, nếu không được quản lý tốt sẽ có tác động không nhỏ đến hòa bình và ổn định của khu vực.

QUỲNH TRUNG (Từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên