Một quán thông báo tạm nghỉ để sửa chữa sau khi bị tạt sơn “khủng bố” - Ảnh: MINH HÒA
Đi tìm vây bắt và xử lý nhóm đối tượng gây rối, 'khủng bố' bằng chất bẩn vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Thêm nỗi bất an
Chiều muộn ngày 2-8, một nhóm thanh niên 6 người bịt mặt, đi xe tháo biển số đến đòi nợ tại quán cà phê Bằng Hữu (Lâm Đồng). Không tìm thấy người cần đòi nợ, chúng ngang nhiên phá quán và nhà của chị H., rồi vung dao rựa chém chị gãy xương cùi chỏ, đứt gân cánh tay phải. Đây là một trong nhiều vụ côn đồ lộng hành uy hiếp cuộc sống bình yên và đe dọa tính mạng của người dân.
Dư luận bức xúc trước thông tin quán Phở Hòa Pasteur (TP.HCM) bị "khủng bố" tạt sơn, mắm tôm nhiều lần trước khi chủ cơ sở cầu cứu khắp nơi. Không phải đến bây giờ mà từ rất lâu dư luận đã bất an về hiệu quả của việc trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen, vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Tín dụng đen với mức lãi suất "khủng", cái bẫy nợ nần chờ người sa chân! Đáng sợ hơn khi gia đình, người thân của những người mắc nợ cũng trở thành đối tượng bị "khủng bố" để đòi nợ. Một người cha phải viết đơn từ con để tránh bị "khủng bố" nợ thay con, một cô giáo đã phải viết đơn xin xã hội đen cho đi dạy để nuôi mẹ già và con nhỏ vì người thân trót mang nợ... Những lát cắt rất đau giữa thực tế không hiếm cảnh đòi nợ gây hoang mang, bất an xã hội.
Khi bị uy hiếp, người dân tìm đến chính quyền để cầu cứu. Khá nhiều vụ việc vẫn "giậm chân tại chỗ" bởi được cho là mâu thuẫn cá nhân, không gây hậu quả nặng nề. Một xã hội thượng tôn pháp luật không chấp nhận kiểu đòi nợ "khủng bố", côn đồ như thế!
Pháp luật cấm cho vay nặng lãi nhưng thực tế kiểu cho vay "cắt cổ", lãi suất cao gấp hàng chục lần mức quy định vẫn tồn tại, đòi nợ thuê mang tính chất "giang hồ" vẫn đang diễn ra, biến tướng muôn hình. Và những lời mời gọi hấp dẫn, thể thức vay đơn giản, dễ dàng, nhiều cách thức vay trực tuyến đang kéo không ít người vào vòng xoáy nợ nần. Và sau đó, có những gia đình không thể sống yên dưới ánh sáng của pháp luật, có những khu dân cư hoảng hốt vì "bom bẩn".
Cần giải pháp từ gốc
"Khủng bố" bằng chất bẩn giờ diễn ra ở rất nhiều nơi. Gần nhà tôi (Q.9, TP.HCM), nhà của tổ trưởng dân phố cũng bị tạt sơn ở cánh cổng nhiều lần. Con trai chủ nhà nợ tiền, anh này lánh mặt ít khi về nhà và từ đó gia đình sống không yên.
Những vụ "khủng bố" tạt chất bẩn vào nhà người dân ngày càng nhiều nhưng chưa phát hiện thủ phạm và cũng hiếm trường hợp bị xử lý hình sự. Có một thực tế là người dân ngại trình báo, sợ bị trả thù.
Những trường hợp không chịu đựng nổi phải cầu cứu cơ quan chức năng lại thường không đủ chứng cứ. Hành động công khai bỏ cả côn trùng (gián) vào tô phở của thực khách tại quán Phở Hòa chính là đỉnh điểm của sự thách thức luật pháp.
"Bảo vệ, giữ nguyên hiện trường và trình báo cơ quan chức năng" đương nhiên cần thiết. Đây là một yêu cầu của quy trình tiếp nhận, lập hồ sơ, xử lý vụ việc về an ninh trật tự. Thế nhưng hầu hết các trường hợp này, dấu vết để lại chỉ là sơn dầu, mắm tôm... những thứ đều có thể mua, tìm thấy ở bất cứ đâu và tất nhiên sẽ luôn giống nhau.
Giải pháp gắn camera quan sát được khuyến khích nhưng đã có không ít vụ kẻ "khủng bố" mặc áo khoác, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và lấy vải che ống kính trước khi ra tay. Đi tìm thủ phạm và xử lý từng vụ là giải pháp ít hiệu quả và cũng là giải pháp từ ngọn, không thấm vào đâu so với thực tế đòi nợ kiểu "khủng bố" ở nhiều nơi.
Giải pháp từ gốc là gì? Người dân luôn mong cơ quan chức năng địa phương sốt sắng vào cuộc, điều tra hành vi này. Thậm chí cần khởi tố (khi có đủ chứng cứ) để răn đe. Nhưng giải pháp từ gốc phải từ câu chuyện tín dụng đen và lãi suất "cắt cổ", người vay mất khả năng chi trả.
Chuyện tồn tại nhiều năm và ngày càng táo tợn đã không phải là chuyện của gia đình nào mà là an ninh trật tự xã hội. Xã hội có luật pháp sao cứ tồn tại chuyện một người mắc nợ, bạn bè, người thân họ chịu "khủng bố", đe dọa, bị tra tấn hằng đêm qua điện thoại? Xã hội trật tự sao những vụ tạt ném chất bẩn ngày càng nhiều? Những hành vi này không dừng ở mức "khủng bố" cá nhân mà là sự thách thức công quyền, pháp luật, gây bất an xã hội.
Hành vi này sẽ còn tiếp tục gây nên sự bất an cho xã hội nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều tỉnh thành đã truy quét nhiều nhóm cho vay lãi suất cao nhưng vẫn chưa đủ để giữ yên trật tự xã hội. Cần nhiều giải pháp mạnh hơn nữa để siết tín dụng đen, hi vọng mới giảm những vụ đòi nợ kiểu "khủng bố" hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận