TTCT - Cả thế giới mấy tuần qua có lẽ đầy tiếng ho sù sụ hay sụt sịt của người chẳng may nhiễm phải một trong ba virus rút gây bệnh đường hô hấp: virus SARS-CoV-2, virus cúm quen thuộc và virus rút hợp bào hô hấp (RSV). Trang Vox ngày 27-10 có bài viết "Tại sao tất cả những người bạn biết đều đang bị bệnh", nói chuyện nước Mỹ, song bạn đọc ở Việt Nam có lẽ cũng có trải nghiệm tương tự. Dường như mọi người quanh ta đều đang phải vật lộn với các cơn ho, hắt hơi, sổ mũi, hoặc các triệu chứng nặng hơn.Vì sao tam "vi" cùng nổi dậy?Hoạt động của ba loại virus, như nhận định của Aubree Gordon, phó giáo sư về dịch tễ học của Đại học Y tế cộng đồng Michigan, với tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 4-11 là "như đang trong một cuộc đua xem ai gây bệnh nhiều hơn".COVID-19 vẫn chưa kết thúc, vậy vì sao hai năm trước không có "song vi" kia cùng hoành hành với virus corona? Các bác sĩ cho rằng việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và các biện pháp phòng bệnh như khẩu trang, nước rửa tay trong dịch COVID-19 đã tác động luôn đến hoạt động của các virus hô hấp khác.Còn hiện nay, các virus đang được "thiên thời" vì ít ai còn phòng thủ kỹ càng như xưa. Các nghiên cứu về những đại dịch trước đây cho thấy sự lây lan của một số virus có thể ức chế hay tăng cường sự lây lan của các virus khác trong một khoảng thời gian, ngay cả khi không có biện pháp phòng ngừa kiểm soát chặt chẽ nào.Và cũng vì ít phơi nhiễm với virus cúm và RSV trong các năm trước mà miễn dịch của chúng ta với hai con virus này đã yếu đi, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi. Thực tế cho thấy trong số các bệnh nhi năm nay, nhiều trẻ bị bệnh nặng hơn so với các bệnh nhi của giai đoạn trước đại dịch, có thể vì các em có ít miễn dịch chống lại RSV.Ảnh: ShutterstockRSV: không chừa già trẻ lớn béNếu các ca nhiễm COVID-19, cúm và RSV đồng thời đạt đỉnh, nó có thể gây thêm áp lực cho các hệ thống y tế. Đây là điều Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lo ngại. Cơ quan này đã khuyến cáo các cơ sở y tế động viên bệnh nhân tiêm vaccine cúm và vaccine COVID-19, đề nghị các bác sĩ chẩn đoán chính xác loại virus để quản lý bệnh và có phương pháp điều trị càng sớm càng tốt, theo WSJ.Như vậy chỉ có RSV là người dân chưa thể tìm đến biện pháp phòng vệ bằng vaccine. Bị nhiễm RSV nhẹ thì triệu chứng chỉ như cảm lạnh nhưng nặng có thể dẫn đến viêm phổi nặng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và người lớn. Các bác sĩ nhi rất ngán RSV vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn cầu, đặc biệt với trẻ sinh non. RSV cũng là nguy cơ đặc biệt với phụ nữ mang thai, trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch và người trên 65 tuổi.Trẻ bị nhiễm trùng kéo dài do virus RSV có thể bị tổn thương phổi và về sau, những đứa trẻ này cũng dễ bị viêm phổi hơn. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm virus RSV nhiều lần trong đời, nhưng kháng thể có được từ những lần nhiễm bệnh đó giúp cơ thể không bị bệnh nặng. Gần đây, các bác sĩ đã bắt đầu xét nghiệm virus RSV ở người lớn, họ nhận ra virus này hoạt động theo đợt, lúc mạnh lúc yếu, trong một số năm, tỉ lệ nhiễm virus RSV cao ngang với virus cúm.Bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, nói với The New York Times rằng RSV chưa từng biến mất, "chỉ là chúng ta không quan tâm đủ nhiều do chưa có cách chẩn đoán chính xác với virus này như với virus SARS-CoV-2 hay bệnh cúm". Còn Keith Klugman, người đứng đầu chương trình viêm phổi của Quỹ Bill & Melinda Gates, nhấn mạnh nếu được chăm sóc y tế đầy đủ, có thiết bị hỗ trợ thở, oxy, trẻ nhiễm virus RSV có thể vượt qua nhưng nếu thiếu những điều này, virus có thể đoạt mạng".Trên toàn cầu, ước tính RSV khiến 120.000 trẻ sơ sinh và 55.000 người lớn tử vong hằng năm, đa số ở các nước nghèo, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet tháng 1-2022.Ảnh: Getty ImagesĐi tìm khắc tinhHiện chưa có vaccine và phương pháp điều trị đặc hiệu với RSV, song thực tế này có thể thay đổi và bức tranh bệnh hô hấp mùa đông có thể sẽ khác. Sau nhiều thập niên nghiên cứu, hơn 30 lựa chọn phòng ngừa RSV đang được triển khai, 9 trong số đó đang ở những giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.Ngày 1-11, Pfizer cho biết vaccine phòng vi rút RSV do công ty phát triển giúp giảm nguy cơ nhập viện ở trẻ sơ sinh (dưới 90 ngày tuổi) đến 82%, hiệu quả bảo vệ khỏi bị nhập viện với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 69%. Pfizer có kế hoạch sẽ đăng ký và xin phê duyệt vaccine này với cơ quan chức năng trước cuối năm nay.Hồi tháng 10, Hãng dược GSK cũng công bố báo cáo cho thấy vaccine chống virus RSV do họ phát triển có hiệu quả chống lại nguy cơ bệnh tiến triển nặng ở người trên 60 tuổi là 83%. Hiện vaccine này được các cơ quan chức năng ở châu Âu và Nhật Bản kiểm định. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ xem xét các dữ liệu về hiệu quả và an toàn của vaccine này vào cuối năm nay.Trong thử nghiệm của mình, vaccine của GSK có hiệu quả khoảng 94% trong ngăn ngừa các ca bệnh nặng ở người từ 70-79 tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Bác sĩ Phil Dormitzer, trưởng nhóm phát triển vaccine tại GSK, cuối cùng đã có thể lạc quan là họ "đang có một loại vaccine có thể là giải pháp để ngăn ngừa các ca bệnh hô hấp nghiêm trọng do vi rút RSV gây ra ở người lớn tuổi".Còn với trẻ sơ sinh, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, khó khăn với các nhà khoa học là không có đủ thời gian để vaccine tạo khả năng miễn dịch đầy đủ ở trẻ. Giải pháp khắc phục là dùng một loại kháng thể đơn dòng - một phiên bản được tạo ra trong phòng thí nghiệm để hóa giải virus ở trẻ. Một trong những kháng thể đơn dòng đã có mặt trên thị trường là Synagis, được phê duyệt năm 1998. Kháng thể này sẽ được tiêm mỗi tháng một lần cho trẻ sinh non (chào đời trước 32 tuần tuổi) hoặc cho trẻ có bệnh lý tim, phổi. Trong thử nghiệm, Synagis có thể giảm tỉ lệ nhập viện do RSV đến 55% nhưng nó ít được sử dụng vì khá đắt.Ngày 4-11, Liên minh châu Âu đã phê duyệt liệu pháp kháng thể đơn dòng dự phòng nhiễm RSV cho trẻ sơ sinh do AstraZeneca và Sanofi hợp tác sản xuất. Nirsevimab là phương pháp điều trị đầu tiên để ngăn ngừa RSV gây bệnh nặng ở tất cả các bệnh nhi. Nó hoạt động tương tự như vaccine, bảo vệ bệnh nhân chống lại RSV bằng mũi tiêm duy nhất bằng cách trực tiếp hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh. Thuốc không có tác dụng kích hoạt các kháng thể của hệ miễn dịch như vắc xin. Loại thuốc này sẽ được đưa ra thị trường dưới tên gọi "Beyfortus" và phổ biến từ năm 2023.Một biện pháp khác có thể bảo vệ trẻ sơ sinh là tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai. Nghiên cứu cho thấy kháng thể từ mẹ có thể truyền qua nhau thai cho bào thai, bảo vệ em bé trong vài tháng sau sinh. Pfizer đang thử nghiệm vaccine này. Sau 18 tháng thử nghiệm ở 18 quốc gia và nhiều mùa cúm do RSV ở cả Bắc và Nam bán cầu, bác sĩ Klugman của Quỹ Gates cho biết vaccine này rất có tiềm năng. Ông hy vọng vaccine sẽ sớm được triển khai và sẵn sàng ở các nước nghèo vào năm 2024.Một số công ty cũng đang thử nghiệm cho tiêm đồng thời vaccine RSV và vaccine cúm, đến nay sự kết hợp này là khả thi. Nhiều công ty khác tìm cách kéo dài thời gian bảo vệ của vaccine trước virus. Phụ nữ mang thai và các bà mẹ có con mới sinh sẽ ủng hộ vaccine này.---Nước Mỹ hồi hộp lo lắng trước một mùa đông phải đối mặt với cả ba virus đường hô hấp một lúc. Lời khuyên của giới chuyên gia lúc này, theo WSJ, vẫn không có gì khác ngoài chích ngừa cúm hằng năm, tiêm mũi tăng cường với vaccine COVID-19, rửa tay kỹ lưỡng, ở nhà khi bị bệnh và cân nhắc đeo khẩu trang. Tất nhiên các khuyến cáo này không chỉ cho mỗi người ở Mỹ.■Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Coleen Cunningham, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Nhi quận Cam và trưởng khoa nhi tại Đại học California, Irvine, đang phát triển loại vaccine nhỏ mũi chứa một phiên bản yếu của virus dành cho trẻ em từ 6-24 tháng tuổi. Vaccine sẽ kích hoạt các kháng thể trong mũi, nơi virus xâm nhập, thay vì máu và do đó có thể ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu đang tìm một tỉ lệ cân bằng hoàn hảo, trong đó virus phải đủ yếu để tạo ra các triệu chứng nhưng đủ mạnh để tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Cho đến nay, theo bác sĩ Cunningham, kết quả rất hứa hẹn. Tags: Vi rút SAR-CoV-2Ho đường hô hấpVi rút gây bệnh đường hô hấpRSVVirus hợp bào hô hấpCúmVirusBệnh đường hô hấp
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.