02/09/2019 13:26 GMT+7

Khu vườn đặc biệt ở Ba Đình

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Người kỹ sư tóc bạc rưng rưng ngắm những đại thụ xòe tán bên đường Hùng Vương gần lăng Bác. Hàng cây vút xanh trên bầu trời Ba Đình như che mát cho giấc ngủ của Người.

Khu vườn đặc biệt ở Ba Đình - Ảnh 1.

Lăng Bác rợp bóng xanh mát - Ảnh: NAM TRẦN

Lần giở danh sách đội kỹ sư đặc biệt được chọn trồng cây khi xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi gặp ông Bùi Công Bội. Đã ngoài tuổi 80, tóc ông Bội bạc trắng, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh cùng bao kỷ niệm không thể nào quên...

Vườn cây dân tộc

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi! Bộ Chính trị quyết định giữ lại di hài Bác và xây dựng lăng ngay tại quảng trường Ba Đình. Công việc gấp rút nhưng yêu cầu của Bộ Chính trị giao là khi lăng được xây dựng xong thì việc trồng cây xanh cũng hoàn thành cơ bản.

Mọi việc được tiến hành song song và khẩn cấp. Khi ấy, Tổng cục Lâm nghiệp đã chọn 100 kỹ sư lâm nghiệp giỏi nhất đảm nhiệm việc trồng và chăm sóc cây xanh ở lăng Bác.

Nhiều năm làm kỹ sư lâm nghiệp, chính ông Bội cũng bất ngờ khi hàng trăm loại cây sống ở điều kiện thổ nhưỡng khí hậu đặc trưng khác nhau lại khoe sắc tươi thắm ở Ba Đình.

Khi ấy, người dân Tây Bắc gửi đến cây hoa ban miền núi, người Hà Giang gửi cây chè shan tuyết, Phú Thọ gửi cây chò, Thanh Hóa gửi cây tre... Nhưng khó nhất phải kể đến những cây trồng mang đặc trưng của miền Nam.

Đầu những năm 1970, chiến tranh ác liệt, rất khó để mang cây từ miền Nam ra. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm về miền Nam ruột thịt. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng được chính tay Bác chăm sóc vô cùng cẩn thận.

Bác ra đi, Bộ Chính trị yêu cầu quanh lăng Người phải có cây trồng mang đặc trưng của miền Nam, tình đồng bào miền Nam.

Ngược dòng thời gian, ông Bội nhớ lúc ấy cả tổ kỹ sư bàn bạc rất nhiều lần. Hàng cây đại diện cho những người lính đồng thời phải là cây trồng đặc trưng của miền Nam.

Ban chỉ đạo quyết định chọn những cây họ dầu, thân thẳng đứng, độ "thóp ngọn" lớn (ngọn cây vuốt lên cao như mũi giáo). Họ quyết định chọn cây sao đen để trồng hai bên đường Hùng Vương.

Loại cây này được trồng nhiều ở Sài Gòn. Thân cây thẳng, không sợ gãy, đổ, lại là cây đặc trưng của miền Nam ruột thịt. Chính loại cây này người Pháp từng trồng ở Hà Nội, hiện vẫn còn hai hàng cây trên phố Lò Đúc.

Hồi ấy chiến tranh đang ác liệt, không thể mang giống cây sao đen từ miền Nam ra Bắc được. Một nhóm kỹ sư được giao nhiệm vụ tìm cách gây giống ngay từ những cây sao đen đã được trồng trên phố Lò Đúc.

Cây ở đây rất lớn, xanh tốt, đến mùa ra nhiều hoa nhưng không đậu quả. Nhiệm vụ khó khăn. Các nhóm kỹ sư lại họp, tìm cho được cây trồng của miền Nam đáp ứng đủ yêu cầu thẳng, độ thóp ngọn lớn.

Khu vườn đặc biệt ở Ba Đình - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu đội kỹ sư lâm nghiệp trồng cây ở lăng Bác - Ảnh: VŨ TUẤN chụp lại

Cây chò đất Tổ Phú Thọ

Ông Bội vẫn nhớ đang hồi lúng túng thì một kỹ sư người miền Trung (ông Bội không nhớ tên) nghĩ đến cây chò chỉ. Loại cây này mọc rất nhiều trong rừng từ miền Trung, suốt dải Trường Sơn đến tận vùng miền Đông Nam Bộ. Chò chỉ cũng có nhiều trong rừng Cúc Phương, ở đền Hùng, vùng đồi đất trung du Phú Thọ...

Ngay lập tức, một tổ công tác đặc biệt được cử đi Phú Thọ, lùng khắp các cánh rừng vùng Cầu Hai, Chân Mộng, Phù Ninh...

Các cây chò chỉ khi ấy được đưa về to bằng bắp chân, cao hơn 2m. Dân công cùng kỹ sư lâm nghiệp tỉ mỉ đào từng gốc, chuyển từ rừng ra ôtô. Gốc cây được đào rộng ra cả sải tay, bọc kỹ bằng tre, nứa, bên ngoài là khung sắt, có gắn khuyên sắt để cần cẩu móc vào chuyển cây.

Mỗi chiếc xe tải Gaz của Liên Xô lúc bấy giờ chỉ chở 1 cây để đảm bảo cây không bị ảnh hưởng. Đoàn xe có cảnh sát dẫn đường, rước cây về lăng. Cây về đến nơi, tổ công tác tiếp tục quay lại Phú Thọ tìm thêm cây, vì yêu cầu cây chò chỉ phải được chọn giống từ đất Tổ đền Hùng.

Lần giở lại những tấm ảnh đen trắng chụp ngày tháng khó quên, ông Bội trầm giọng: "Khó nhất là làm sao để cây sống. Cây chò ở vùng đất dốc, không ưa nước. Đưa về Ba Đình, cây chỉ có một khoảnh cỡ một sải tay. Xung quanh là bêtông của đường điện ngầm, đường nước, đường cáp thông tin...

Đại thụ về đất thủ đô

Họp bàn cách trồng cây, ông Bội phát biểu, đề nghị mở rộng khoảnh đất để cây có thêm không gian đâm rễ, tạo tán, nhưng không được chấp nhận. Bản vẽ kỹ thuật đã lên rồi. Phần xây dựng khác đã được làm xong. Chỗ trồng cây chỉ lệch một chút là động đến bêtông.

Khoảng 2 năm đầu tiên, các kỹ sư lâm nghiệp như ông Bội gần như túc trực 24/24 giờ để chăm cây. Có những hôm trời nắng gắt, ông Bội đang ăn dở bát cơm cũng buông đũa, ra lo lắng nhìn trời.

Có tối mưa tầm tã, ông khoác áo mưa đi coi gốc cây có bị úng không. Nhưng ông vừa đến nơi đã thấy nhiều người khác cũng khoác áo mưa soi đèn xem cây.

Theo thời gian, nhiều cây không thích ứng được môi trường mới. Cây nào rụng lá, cuống ủng... khó sống sót, tổ kỹ sư lại đề xuất đi tìm cây mới thay thế cho kịp. Nửa đêm đang ngủ, điện thoại trong phòng trực reo, họ lại tất tả chạy ra công trường để hạ cây và trồng ngay lúc mát mẻ để cây sống tốt nhất.

Mỗi người được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc một vài cây. Những chiếc lá rụng cũng được họ giữ lại, cẩn thận mang về phòng thí nghiệm để soi dưới kính xem có nấm, bệnh gì không.

Người Hà Nội khi ấy nhận ra kỹ sư lâm nghiệp vì chuyên mặc quần bạc gối. Bởi anh em thường tỉ mẩn bò, quỳ dưới gốc cây, lật từng mẩu đất, từng khe vỏ cây để ước chừng độ ẩm, nấm hay sâu bệnh...

Khi xây dựng lăng, cũng như khắp cả nước, đồng bào miền núi Tây Bắc mong muốn được gửi cây hoa ban trắng về dâng Người. Đoàn khảo sát của Tổng cục Lâm nghiệp được cử lên các tỉnh Sơn La, Lai Châu để tìm giống cây hoa rừng thơm quý này. Đồng bào Tây Bắc nhiệt tình giúp đỡ vào rừng đào gốc, chặt tre đan sọt bọc cây, rồi cùng nhau gánh ra khỏi rừng.

Sau chiến cuộc, đất nước thống nhất, hòa bình, lăng Bác được bổ sung nhiều cây xanh, hoa thơm. Hàng chò chỉ cũng có thêm những cây dầu rái được chuyển từ miền Nam ra. Hàng chò, dầu rái hơn 40 năm tuổi đã cao lớn sừng sững hai bên đường Hùng Vương.

Rồi trong vườn lăng có thêm cây sứ đỏ, dầu nước của đất Sài Gòn, cây me của Đồng Nai, nguyệt quế của Bến Tre, cà phê của Đắk Lắk, phượng vĩ Hải Phòng, tre xanh Thanh Hóa, Lạng Sơn...

Con dân nước Việt thăm thủ đô, viếng lăng Bác, cũng có cảm giác đầm ấm như đang ở giữa Tổ quốc thu nhỏ. Những thân cây cao vút, những tán xanh mát rượi cùng hương hoa thơm dịu quanh năm như tấm lòng đồng bào khắp Bắc, Trung, Nam hội tụ về đất Ba Đình...

Đồng bào vẫn đang ở bên Bác mỗi ngày

"Lần nào ra thủ đô Hà Nội, tôi cũng viếng lăng Bác và dành nhiều thời gian tản bộ, nghỉ ngơi dưới các tán xanh mát rượi. Khung cảnh thật nhẹ nhàng, thanh khiết khiến lòng tôi ấm áp, thanh thản và thêm trân quý cuộc sống hòa bình hôm nay.

Các con tôi cũng rất thích được viếng lăng Bác và dạo chơi, đọc sách dưới khu vườn xanh mát này. Hồi nhỏ, các cháu cứ hỏi tôi: "Mẹ ơi, cây nào Bác Hồ trồng vậy mẹ?".

Tôi phải tìm hiểu tỉ mỉ để dạy các con. Sau này thì chúng đã biết nhiều cây được trồng sau khi Bác đi xa. Đó là tấm lòng đồng bào các nơi hướng về Bác, như đồng bào vẫn đang ở bên Bác mỗi ngày" - chị Nguyễn Thị Tình, giáo viên ở TP.HCM.

Q.M.

Cây bụt mọc ở ao cá Bác Hồ

cay but

Rễ cây bụt mọc trồi lên bên ao cá Bác Hồ - Ảnh: V.T.

Bên cạnh ao cá Bác Hồ có một loài cây rất đặc biệt: cây bụt mọc. Đây là một loài cây sống ở vùng ngập nước châu Mỹ. Vì sống ở vùng ngập nước, rễ cây trồi lên trên mặt nước để hấp thu dưỡng khí. Những chiếc rễ này có hình dáng giống như hình tượng ông Bụt ngồi trầm ngâm bên mặt nước. Bác gọi là cây bụt mọc.

Theo ông Bùi Công Bội, khoảng năm 1965, những cây bụt mọc trong vườn Bác bị nấm ăn rỗng thân cây. Một vài người cảnh vệ đề xuất chặt cây để tránh nguy hiểm. Bác không đồng ý.

Sau đó, Bác cho lấy lá cây lim đen giã nhỏ nhét đầy phần rỗng do nấm ăn, rồi lấy vôi trộn với lá bời lời, mật mía lấp kín miệng lỗ. Bài thuốc chữa nấm cho cây này Bác đã học được của những người dân châu Mỹ từ khi Người bôn ba tìm đường cứu nước.

Nửa cuối những năm 1970, cây bụt mọc tiếp tục bị rỗng ruột và gãy một phần. Đất nước thống nhất, các kỹ sư lâm nghiệp đã có thuốc đặc trị để trừ nấm. Để giữ lại hình dáng cho cây, họ dùng bêtông đổ vào phần rỗng để làm khung xương cho cây.

Vườn hoa 79 mùa xuân

Theo thiết kế, cây xanh bên lăng Bác phải đảm bảo yêu cầu mang đủ đặc trưng từng vùng, miền. Trước cửa lăng nổi bật hai cây đại cổ thụ. Một loại cây có sức sống bền bỉ hàng trăm năm, biểu tượng của sự thiêng liêng, thanh khiết và trường tồn vĩnh cửu.

Hai cây này do các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng khi khánh thành lăng Bác. Cây có dáng xum xuê xanh đẹp, hoa trắng thơm ngát từ ngay cửa lăng dẫn vào nơi Bác an nghỉ.

Riêng những hàng tre dẻo dai hai bên lăng được lấy giống từ Thanh Hóa, biểu tượng cho sự cần cù, chịu khó, kiên cường của người Việt.

Hai bên lăng - phía khu vực đại lộ Hùng Vương là hàng chò chỉ, dầu rái vừa đại diện cho tình cảm, cốt cách con người miền Nam, vừa mang biểu trưng của hình ảnh những người lính đứng nghiêm trang canh gác giấc ngủ bình yên của Người.

Đặc biệt, 79 thảm cỏ ở quảng trường Ba Đình tượng trưng cho 79 mùa xuân cuộc đời Bác. Đối diện lăng, trên đại lộ Bắc Sơn là vườn hoa hồng, hoa đào.

Vườn hồng có đủ loại ở các địa phương cả nước từ hoa hồng cổ Tây Bắc, hoa hồng Đà Lạt rực rỡ cho đến những hồng quế dân dã đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Còn vườn hoa đối diện cửa lăng là hình ảnh của những bông hoa việc tốt của đồng bào cả nước dâng lên Người.

Chuyện chưa kể về bản Di chúc và những kỷ vật đặc biệt của Bác Hồ Chuyện chưa kể về bản Di chúc và những kỷ vật đặc biệt của Bác Hồ

TTO - 50 năm Bác để lại cho đời những lời minh triết trong bản Di chúc cũng là 50 năm bao thế hệ người Việt nối tiếp nhau đón nhận và lan tỏa những yêu thương vô vàn Người để lại cho đời.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên