22/09/2013 00:01 GMT+7

Khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima sẽ thành điểm du lịch?

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin dịch vụ - Mặc dù đất đai, nguồn nước và vùng biển xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) đang bị nhiễm phóng xạ, Nhật Bản vẫn soạn thảo một kế hoạch để biến khu vực này trở thành một điểm du lịch trong tương lai.

Một nhóm nghiên cứu bao gồm các học giả, nhà khoa học và các kiến trúc sư đang liên kết làm việc với nhau để cùng đưa ra một kế hoạch xây dựng một cộng đồng mới – có thể sẽ được đặt tên là Làng Fukushima (Fukushima Gate Village) nằm cách khoảng 25 dặm (khoảng 40km) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima - tàn tích của vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử cách đây 2 năm.

Những nhà nghiên cứu hy vọng ngôi làng mới này sẽ góp phần nhắc nhở thế hệ tương lai nhớ về thảm họa kép hồi tháng 3-2011 khi nhà máy hạt nhân bị tàn phá bởi một trận động đất cường độ 8,9° richter và trận đại sóng thần.

Thêm vào đó, ngôi làng này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện đời sống, cung cấp việc làm cho người dân địa phương. Nhiều người trong số họ hiện tại vẫn chưa thể trở về nhà lâu hơn vài giờ do mức độ cao của phóng xạ.

Khách du lịch sẽ được bố trí ở trong những khách sạn được thiết kế đặc biệt để bảo vệ họ khỏi những ảnh hưởng của chất phóng xạ vẫn còn tồn tại ở khu vực này. Ngôi làng này sẽ có những nhà hàng, shop lưu niệm cũng như bảo tàng dành riêng để trưng bày tư liệu, hiện vật ghi lại hậu quả, tác động, ảnh hưởng của thảm họa tới người dân địa phương.

Ci5R8Pah.jpg

Các chuyên gia tin rằng có thể sẽ mất đến ba thập kỷ cho công việc ngừng hoạt động bốn lò phản ứng hạt nhân, cũng như khử độc tại những vạt rừng lớn phía đông bắc Nhật Bản.

Các cơ sở nghiên cứu cũng sẽ được thiết lập để xem xét các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo. Theo kế hoạch này, du khách sẽ có cơ hội tham quan bên trong khu vực nhà máy điện hạt nhân. Họ sẽ được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay và đeo mặt nạ phòng độc để tham quan và chụp ảnh các tòa nhà lò phản ứng bị vỡ và chứng kiến các công nhân vẫn đang cố gắng giải quyết những sự cố còn lại để làm cho các lò phản ứng hạt nhân trở nên an toàn.

Nhóm nghiên cứu đề xuất dự án này cho biết, họ hy vọng ngôi làng sẽ hoạt động như một nơi để mọi người tưởng nhớ đến những nạn nhân của thảm họa cũng như sẽ trở thành một di tích lịch sử nổi tiếng.

Mục đích của ý tưởng này là để Fukushima có thể đạt tới một trạng thái tương tự như thành phố Hiroshima và Nagasaki trong lòng những người dân Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu cho biết họ có ý tưởng này từ sự tăng trưởng của loại hình du lịch được gọi là “dark tourism” (tạm dịch là du lịch tưởng nhớ) như sự phát triển của khu Ground Zero ở New York – nơi tưởng nhớ những nạn nhân của vụ khủng bố tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới 11-9-2001, khu trại tập trung ở Auschwitz (Ba Lan) hay "cánh đồng chết" ở Campuchia.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá nặng nề trong thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 11-3-2011. Chỉ vài ngày sau thảm họa kép, các vụ nổ khí hydro tại lò phản ứng số 1 và số 3 khiến nước Nhật đã đau thương lại càng khó khăn hơn trước việc rò rỉ phóng xạ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Rò rỉ phóng xạ đã khiến hơn 80.000 người sống gần nhà máy điện hạt nhân phải sơ tán. Sau đó, các nhà khoa học đã tìm thấy phóng xạ trong thức ăn như cá, rau và nước. Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã phải nâng mức cảnh báo phóng xạ nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima lên mức ba sau những cảnh báo rò rỉ phóng xạ ngày một phức tạp trong khu vực này.

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên