16/06/2022 10:41 GMT+7

Khu kinh tế Vân Phong ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược làm sân golf, sân bay

N.AN
N.AN

TTO - Ngày 16-6, đa số ý kiến đại biểu đã nhất trí thông qua nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Khu kinh tế Vân Phong ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược làm sân golf, sân bay - Ảnh 1.

Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, với 95,78%, Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, đặc biệt là các chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch.

Tiếp thu, giải trình về quản lý đất đai, ông Nguyễn Phú Cường, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho hay việc thí điểm sẽ chỉ giới hạn khi thực hiện các bước điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất đối với các dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, trình tự, thủ tục sau khi lựa chọn nhà đầu tư, ra thông báo thu hồi đất vẫn phải tuân thủ các bước và đúng quy định của Luật đất đai.

Dự thảo nghị quyết được trình thông qua cũng nêu rõ, việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với việc thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, HĐND tỉnh sẽ quyết định với dự án có quy mô từ 300ha trở lên, thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, thực hiện ban hành danh mục dự án đầu tư công ở địa bàn.

Đối với việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong, các danh mục ngành nghề được ưu tiên thu hút đầu tư là trung tâm R&D, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển; trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn từ 12.000 tỉ đồng trở lên; khu đô thị có quy mô từ 300ha trở lên.

Ngoài ra, nghị quyết cũng ưu tiên thu hút đầu tư kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf với quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỉ đồng trở lên. Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, sân bay, bến cảng, khu phi thuế quan…

Trước đó, một số ý kiến đề nghị quy định nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng cả hai điều kiện là có tổng tài sản 25.000 tỉ đồng trở lên và vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng. Do đó, cơ quan Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên dự thảo, yêu cầu với nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện trên, khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính; khu đô thị với quy mô từ 300ha trở lên.

Đối với cam kết nhà đầu tư chiến lược, cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đối với Khu kinh tế Vân Phong đã có các chính sách ưu đãi như các khu kinh tế khác. Do vậy, dự thảo chỉ quy định những chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tốt, có kinh nghiệm để triển khai các dự án lớn mang tính động lực, vừa phù hợp và hài hòa khu khác.

Đơn cử, các ưu đãi như được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần đảm bảo các nghĩa vụ như thực hiện dự án; ứng trước kinh phí cho Nhà nước để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ứng trước 200 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư công; giải ngân không quá 5 năm.

Về những lo ngại về việc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, nghị quyết được thông qua đã bổ sung thêm trách nhiệm như chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thẩm định, tác động môi trường và gửi quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đến UBND tỉnh để theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về môi trường.

Vốn 10.000 tỉ đồng mới là nhà đầu tư chiến lược ở Vân Phong, liệu có Vốn 10.000 tỉ đồng mới là nhà đầu tư chiến lược ở Vân Phong, liệu có 'đếm trên đầu ngón tay'?

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề cần có cơ chế thu hút đầu tư đủ mạnh nhưng tiêu chí cần phù hợp, khả thi cao để thu hút nhà đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên