Những băn khoăn của các nhà khoa học có xu hướng càng tăng hơn trước tình hình mới: biến đổi khí hậu làm dâng cao mực nước biển…
Phóng to |
Mô phỏng dự án sau khi lấn biển |
Rừng ngập mặn bị ảnh hưởng
Giáo sư Lê Huy Bá, viện trưởng viện Quản lý khoa học công nghệ và quản lý môi trường trực thuộc đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, theo giải pháp kỹ thuật để tránh sự bồi tích của phù sa sông Sài Gòn thì phải xây dựng hai bờ kè dẫn luồng chảy của sông Sài Gòn ra 2 - 3km xa về phía biển. Thế nhưng, những tính toán về thủy lực, dòng chảy, độ ô nhiễm chưa đưa ra được những con số thuyết phục.
Từ xưa đến nay độ mặn của khu vực rừng ngập mặn đã ổn định, khi đưa dòng chảy ra xa độ mặn hoàn toàn có thể sẽ giảm xuống và chỉ cần có sự thay đổi ở mức 2% độ mặn là rừng ngập mặn sẽ chết.
Tác động của sự dâng cao mực nước biển đối với công trình cũng là một vấn đề. Theo một “kịch bản tối thiểu” đã được các nhà khoa học đưa ra thì đến năm 2020, mực nước biển sẽ dâng lên ít nhất 10cm, lúc đó khu vực duyên hải của Việt Nam sẽ mất đi 16% diện tích đất. Một “kịch bản tối đa” được cảnh báo là đến năm 2050, mực nước biển sẽ dâng đến một mét, dìm 46% khu vực duyên hải Việt Nam xuống nước biển.
Giáo sư Đoàn Cảnh, nghiên cứu viên cao cấp thuộc viện Sinh học nhiệt đới, cần lưu ý các tác động “cộng hưởng” theo tính toán, công trình có mức tác động không quá lớn đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Thế nhưng, việc không có sự đánh giá tác động môi trường tổng hợp khiến chúng ta không thể biết được đâu là giới hạn của việc đưa xuống bao nhiêu dự án mà vẫn giữ được rừng Cần Giờ. Các dự án nối tiếp như dự án phát triển đô thị thị trấn Cần Giờ, dự án xây dựng cảng biển… chắc chắn sẽ “cộng hưởng” tác động môi trường.
Còn vấn đề làm đường rộng sáu làn xe xuyên Cần Giờ không đơn thuần là việc mất đi diện tích đất lớn để làm đường, tầm mức ảnh hưởng của con đường sẽ là 100m sâu thêm mỗi bên đường do hiệu ứng đường biên”. Những tính toán về tác động dòng chảy, tác động môi trường, sự bồi lắng, theo ông, cần được tính toán lại khi có thêm việc mở luồng Soài Rạp, xây dựng cảng Cái Mép, Phú Mỹ…
Phải tiên liệu việc chỉnh sửa dòng chảy sông
Tiến sĩ Trương Đình Hiển, phòng thủy hải văn công trình (phân viện Vật lý tại TP.HCM), cho rằng biển Cần Giờ chịu tác động trực tiếp từ hệ thống cửa sông và sóng biển. Như vậy, khi lấn biển, đồng nghĩa là dùng một hệ thống nào đó để chỉnh sửa dòng chảy của hệ thống sông cũng như tác động của sóng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra? Khi đánh giá đề án này, liệu chúng ta đã hiểu đúng quy luật tác động của môi trường và đề xuất các giải pháp khắc phục ở vùng biển này hay chưa? Nguồn cát để phủ lên mặt biển lấy ở đâu? Nếu lấy trong hệ thống sông sẽ là một điều hết sức nguy hiểm cho cả con sông Sài Gòn vì để bù lại sự thiếu hụt cát ở vùng hạ lưu, buộc phải bào mòn cát từ thượng lưu đem về. Còn nếu lấy ở vùng khác cũng sẽ xảy ra quá trình bù đắp tương tự. Cần có những kịch bản để tiên liệu và có giải pháp khắc phục”.
Bên cạnh đó, việc cải tạo bờ biển Cần Giờ sẽ làm thay đổi tác động của sóng biển theo quy luật tự nhiên hàng triệu năm nay. Một điều chắc chắn, sóng biển không tải vào vùng này sẽ chuyển sang những vùng khác, lúc đó chưa biết mức độ tác động của nó như thế nào. Để thực hiện một dự án lớn như đề án này, cần có những khảo sát và nghiên cứu hết sức nghiêm túc. Có thể bây giờ chưa thấy gì, nhưng 5, 10 năm sau sẽ thấy thiên nhiên nổi giận như thế nào.
Lo ngại tự phát
Giáo sư Ngô Kế Sương thuộc liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM lại lưu ý đến sự phát triển tự phát. “Là một nhà sinh học, tôi đang lo lắng hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Trước hết, liệu các cơ quan chức năng có kiểm soát được tốc độ phát triển của vùng Cần Giờ hay không? Nếu dự án lấn biển hoàn thành, chắc chắc sẽ có nhiều khu đô thị vệ tinh tự phát mọc lên. Lúc đó ai sẽ điều tiết tốc độ phát triển của cả cụm đô thị này? Địa phương có thực sự quản lý được không hay là để mạnh ai nấy làm, chưa kể những quan hệ dây mơ rễ má mà làm lơ?
Bao nhiêu bài học về phát triển tự phát còn đó. Chính vì sự phát triển này (mà tôi tin là phát triển tự phát) sẽ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là “lá phổi xanh của TP.HCM”. Sự phát triển chưa tính toán kỹ luỡng sẽ tác hại đến môi trường. Không phải bây giờ trả giá mà là vài chục năm sau”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận