24/11/2006 16:54 GMT+7

Khu di tích Cổ Loa bị xâm phạm: Chỉ đạo đã rõ, còn lại là thực hiện

 Theo Văn hóa
 Theo Văn hóa

Thời gian gần đây cơ quan Bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền sở tại xử lý nghiêm và dứt điểm tình trạng vi phạm khu di tích đặc biệt quốc gia Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội). Nhưng, nhìn chung đến thời điểm này mọi việc không được mấy biến chuyển tích cực.

Vào những tháng đầu năm 2006, sau khi dư luận báo chí phản ánh tình trạng vi phạm hầu hết các vòng thành như nhà dân xây dựng sát chân thành, cấp sổ đỏ trong di tích, thậm chí trụ sở UBND xã cũng được dựng ngay trong khu vực bảo vệ di tích khiến khu di tích Cổ Loa bị ảnh hưởng không nhỏ, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan và UBND huyện Đông Anh kiểm tra và xử lý nghiêm.

Những tưởng sau đó, tình trạng vi phạm di tích Cổ Loa sẽ được các cơ quan chức năng và chính quyền vào cuộc giải quyết với thái độ kiên quyết theo đúng quy định Luật Di sản văn hoá, nhằm trả lại một phần nguyên trạng cho di tích, song qua khảo sát vẫn là "đâu vẫn hoàn đấy".

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều 20-11, một quan chức huyện Đông Anh cho biết rằng, chính quyền xã thông báo, hầu hết những vi phạm di tích Cổ Loa đều do "lịch sử để lại" còn những vi phạm trong những năm gần đây đều không phát hiện?!

Trong khi đó, theo một báo cáo của cơ quan chức năng, chiều dài của các vòng thành Cổ Loa chỉ còn 11,8km so với 15,8km trước đây. Hiện có gần 400 hộ dân sinh sống sát chân thành hoặc trên mặt thành, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố của một số hộ dân dọc con đường nhựa tại khu vực chợ Sa đi vào trở nên nghiêm trọng và ngày càng gia tăng, nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời triệt để, đã vô tình khuyến khích các hộ dân làm theo.

Mới đây Bộ Văn hóa - Thông tin đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội , trong đó cũng cho biết khu di tích Cổ Loa đang bị lấn chiếm, vi phạm nghiêm trọng và công tác xử lý này còn rất chậm.

Tại một cuộc họp gần đây, UBND huyện Đông Anh đã chỉ nêu "lướt qua" tình trạng vi phạm khu di tích Cổ Loa như sau: trên địa bàn xã Cổ Loa, từ những năm 1990, UBND xã Cổ Loa có ký hợp đồng giao cho một số hộ gia đình trong xã trồng cây trên một số đoạn Thành ngoài.

Trong quá trình chăm sóc cây có một số hộ gia đình làm lều lán tạm, UBND huyện đã chỉ đạo phá dỡ. Tháng 3-2006, tại xóm Mít có bốn hộ xây dựng công trình trên vòng Thành nội, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức cưỡng chế. Trên địa bàn xã Việt Hùng, tháng 6-2004 có 15 hộ thôn Gia Lương, Gia Lộc tự ý xây dựng công trình trên vòng Thành ngoại (không phải đất thổ cư).

UBND huyện đã chỉ đạo thanh tra xây dựng cùng UBND xã Việt Hùng cưỡng chế dỡ bỏ. Cuối cùng, UBND huyện Đông Anh cho biết, hiện nay tình trạng xây dựng các công trình của nhân dân tại khu vực thành Cổ Loa không theo một trật tự kiến trúc nhất định dẫn tới mất cảnh quan môi trường di tích, đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm ban hành văn bản quy định về sử dụng đất đai và trật tự xây dựng tại khu vực này.

Mới đây, trong một báo cáo về công tác quản lý, đầu tư tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích Cổ Loa..., Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã không để cập đến tình trạng vi phạm tại khu di tích này mà chỉ "đề nghị thành phố chỉ đạo UBND huyện Đông Anh làm công tác chống vi phạm di tích".

Vẫn biết rằng, từ năm 2000 đến nay, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại đã tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều di tích thành phần thuộc khu di tích Cổ Loa như đình, chùa Mạch Tràng, đình Ngự Triều Di Quy, Am Mỵ Châu, đền An Dương Vương...; và hiện nay UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương cho Dự án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Cổ Loa trình Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên những vi phạm tại khu di tích này nếu không được chính quyền sở tại và cơ quan chức năng có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm thì giá trị của di tích Cổ Loa sẽ bị mai một.

Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản gửi Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành Cổ, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, trong đó nhấn mạnh: "Giao UBND huyện Đông Anh chủ trì phối hợp với Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-thành Cổ, Sở Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, tổ chức tuyên truyền rộng rãi thông qua các hệ thống thông tin đại chúng và vận động nhân dân có trách nhiệm bảo vệ khu di tích thành Cổ Loa và có biện pháp bảo vệ, xử lý nghiêm cấm hộ lấn chiếm, vi phạm tại khu di tích".

Với Chỉ đạo Của UBND thành phố rằng phải "xử lý nghiêm vi phạm tại khu di tích Cổ Loa", hy vọng trong thời gian tới nơi đây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả.

"Tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cử đoàn thanh tra gồm đại diện chính quyền, các cơ quan chức năng và một số chuyên gia về kiểm tra tại chỗ và đề xuất giải pháp cụ thể để chấm dứt ngay việc xâm hại di tích thành Cổ Loa, phá bỏ những kiến trúc xây dựng trái với Luật Di sản văn hoá, hủy bỏ việc cấp sổ đỏ - quyền sử dụng đất trái với Luật pháp trong khu vực bảo vệ di tích cấp quốc gia..." (Trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

 Theo Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên