07/08/2018 13:47 GMT+7

Khu đất gần 4.500 mét vuông bỗng dưng 'biến mất'

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Khu đất có diện tích gần 4.500m2 đã được Nhà nước duyệt làm cơ sở giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa (CPH) bỗng dưng “không cánh mà bay”, sau CPH đã chuyển vào tay người khác.

Khu đất gần 4.500 mét vuông bỗng dưng biến mất - Ảnh 1.

Khu đất 14 Phú Châu (phường Tam Phú, Q.Thủ Đức) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mọi chuyện chỉ vỡ lở sau khi các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua đấu giá cổ phần công ty xong mới biết "hàng" mua rồi không giống với những gì chào bán.

Bỗng dưng "biến mất"

Tọa lạc trên con đường khá yên tĩnh, Trường trung cấp Bến Thành (14 Phú Châu, phường Tam Phú, Q.Thủ Đức) những ngày đầu tháng 8-2018 treo bảng tuyển sinh cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cho năm học 2018-2019. 

Với diện tích lên đến gần 4.500m2, khu đất rộng trên đang được sử dụng làm nơi giảng dạy, bãi đậu xe... 

Ít ai ngờ rằng đơn vị đích thực được quản lý, sử dụng khu đất này là Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (trước đó là Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định - DMGĐ).

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, khu đất rộng gần 4.500m2 nói trên được UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu nhà nước cho DMGĐ vào tháng 7-2007. 

Tháng 10-2015, UBND TP.HCM ký quyết định giao tài sản cố định (là tài sản vật kiến trúc trên đất) cho DMGĐ để thực hiện CPH, với yêu cầu rất rõ: phải quản lý sử dụng đúng mục đích, phải ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...

DMGĐ chính thức CPH doanh nghiệp ngày 31-12-2015 (khu đất nói trên là một phần trong giá trị hạch toán doanh nghiệp khi CPH). 

Sau khi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 3-2016, cổ đông nhà nước chỉ còn giữ 49% vốn điều lệ tại DMGĐ, do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) làm đại diện phần vốn. 51% còn lại được bán cho cổ đông bên ngoài.

Đến tháng 8-2016, khi lãnh đạo mới của DMGĐ bắt tay vận hành doanh nghiệp, khi kiểm tra lại "tài sản" thực, họ bỗng phát hiện tài sản trên đất tại số 14 Phú Châu, vốn thuộc quyền sở hữu của CP DMGĐ do các cổ đông của doanh nghiệp này mua đấu giá công khai, lại đang thuộc... 

Công ty cổ phần Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Gia Định (GDH) quản lý sử dụng và không chịu giao trả lại với lý do "đây là tài sản của Công ty GDH...".

GDH ở đâu ra?

Theo tài liệu mà Tuổi Trẻ thu thập được, tháng 12-2008, tức 6 năm trước khi DMGĐ tiến hành CPH, ông Hà Viết Thanh - chủ tịch HĐQT DMGĐ thời kỳ này - đã ký nghị quyết thực hiện việc góp vốn đầu tư để thành lập trường trung cấp kỹ thuật, với vốn điều lệ là 36,88 tỉ đồng, trong đó DMGĐ góp 17,4 tỉ đồng (chiếm 47,28% vốn điều lệ) bằng giá trị lợi thế vị trí tại 14 Phú Châu, được quy đổi thành tiền là 16,68 tỉ đồng cùng vốn đối ứng là 720 triệu đồng. 

Phần vốn còn lại, tương ứng 19,4 tỉ đồng, huy động từ các nhà đầu tư khác.

Ngày 27-4-2009, HĐQT DMGĐ ra nghị quyết thay đổi hình thức tổ chức trường trung cấp thành Công ty cổ phần Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Gia Định, với vốn điều lệ như cũ, phần vốn góp của DMGĐ như cũ, chỉ khác là trong nghị quyết không nói giá trị góp vốn 47,28% vốn điều lệ là góp bằng gì. 

Đại diện pháp luật của GDH tại thời điểm này là ông Lương Quang Ngọc, còn ông Hà Viết Thanh giữ vai trò chủ tịch HĐQT DMGĐ.

Tuy nhiên, trong khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì ngày 5-5-2009, DMGĐ đã bàn giao cho ông Lương Quang Ngọc hiện trạng mặt bằng 14 Phú Châu gồm: khu đất 4.484m2, 11 khối nhà, đồng hồ nước, đồng hồ điện...

Ngày 18-5-2009, GDH được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sau đó GDH cũng nộp đơn xin UBND TP thành lập Trường trung cấp Bến Thành tại địa chỉ nói trên. 

Bảy tháng sau đó, UBND TP có quyết định cho phép thành lập Trường trung cấp Bến Thành.

Sai quy định nhưng vẫn "la làng"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có thẩm quyền (Bộ KH-ĐT), chuyên thẩm tra các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nhà nước, cho biết theo quy định của Luật doanh nghiệp, tài sản góp vốn được quy định rất rõ là tiền VN, ngoại tệ tự do chuyển đổi, giá trị quyền sử dụng đất... hoàn toàn không có quy định góp vốn bằng giá trị lợi thế vị trí địa lý.

"Thời điểm Công ty DMGĐ là doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý sử dụng khu đất, công ty này vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên giá trị quyền sử dụng đất vẫn thuộc Nhà nước. 

Vì vậy, chắc chắn DMGĐ không được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập GDH, kể cả việc góp vốn bằng giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất 14 Phú Châu" - vị cán bộ này khẳng định.

Còn theo một lãnh đạo trong Ban chỉ đạo công tác CPH của TP.HCM, DMGĐ chỉ được lập trường cho chính DMGĐ khi UBND TP có quyết định cho tạm tiếp tục quản lý để đầu tư xây dựng cải tạo thành Trung tâm đào tạo chuyên sâu ngành dệt may. 

Việc Công ty DMGĐ ở thời điểm chưa CPH nhưng lại thực hiện việc liên doanh, liên kết, chuyển giao khu đất cho đơn vị khác quản lý sử dụng là chưa phù hợp với quy định...

Khu đất gần 4.500 mét vuông bỗng dưng biến mất - Ảnh 2.

Qúa trình "hô biến" khu đất 4.500m2 - Dữ liệu T.V.N.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không những "phớt lờ" việc trả lại mặt bằng cho Công ty DMGĐ, từ năm 2015, ông Lương Quang Ngọc - hiệu trưởng Trường trung cấp Bến Thành - liên tục có nhiều văn bản gửi UBND TP và Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) để... "xin thuê trực tiếp mặt bằng" 14 Phú Châu với lý do "Công ty TNHH MTV DMGĐ đã góp vốn bằng giá trị lợi thế vị trí quyền sử dụng đất (để thành lập Công ty GDH). 

Các cổ đông đã coi đây là tài sản của trường và nhà trường được phép quản lý, sử dụng (không sở hữu), nhà trường đã đầu tư sửa chữa và đang đào tạo tại mặt bằng 14 Phú Châu" (!?).

Không những vậy, Công ty GDH còn cho rằng "UBND TP và các cơ quan nhà nước có liên quan đã nhiều lần trực tiếp và gián tiếp công nhận việc góp vốn của DMGĐ để thành lập GDH cả về mặt pháp lý lẫn thực tế...".

Càng ly kỳ hơn, theo tài liệu về giá trị doanh nghiệp được công bố công khai khi bán đấu giá vào năm 2014, giá trị tài sản trên khu đất 14 Phú Châu đã không còn được ghi là vốn góp của DMGĐ vào GDH. Nó cũng không được ghi là tài sản DMGĐ cho Công ty GDH thuê.

"Với các yếu tố này, tôi cho rằng việc lãnh đạo DMGĐ giai đoạn từ 2007 cho đến trước khi công ty được CPH đã bàn giao tài sản trên đất và mặt bằng cho Công ty GDH là không đúng quy định. Điều này không những gây thiệt hại cho Nhà nước mà cho cả các cổ đông DMGĐ sau khi đã CPH nữa" - vị lãnh đạo trong Ban chỉ đạo công tác CPH của TP.HCM bày tỏ quan điểm.

Chưa góp đủ vốn

Tại báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán của Công ty GDH mà Tuổi Trẻ thu thập được, vốn góp phần chủ sở hữu của GDH chỉ được ghi nhận gần 8,7 tỉ đồng, chiếm khoảng 24% so với vốn điều lệ đã đăng ký.

"Tức là các cổ đông Công ty GDH chưa góp đủ vốn điều lệ. Mà theo quy định của Luật doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ một số trường hợp khác, nhưng GDH đã không rơi vào các trường hợp loại trừ này" - vị cán bộ có thẩm quyền chuyên thẩm tra các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nhà nước cho biết.

Không được quyền...

Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cũng vừa có văn bản báo cáo UBND TP về vụ việc trên và cho rằng tại thời điểm Công ty DMGĐ là DNNN được giao quản lý sử dụng khu đất, công ty chưa thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giá trị quyền sử dụng đất thuộc về Nhà nước nên công ty không được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập GDH, kể cả việc góp vốn bằng giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất 14 Phú Châu vì "giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất là yếu tố cấu thành của giá trị quyền sử dụng đất thuộc về Nhà nước".

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, việc Công ty DMGĐ đã thực hiện việc liên doanh liên kết, chuyển giao khu đất cho đơn vị khác sử dụng là chưa phù hợp với quy định.

Sở này kiến nghị cần giao Thanh tra TP tổ chức thanh tra, đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...

huỳnh thanh điền 4(read-only)

Ông Huỳnh Thanh Điền (giảng viên khoa quản trị luật ĐH Nguyễn Tất Thành):

Làm rõ việc định giá tài sản khi cổ phần hóa

Không thể phủ nhận giá trị lớn nhất của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi tiến hành CPH chính là quỹ đất.

Đã đến lúc phải làm thật rõ, xác định thật kỹ giá trị đích thực của DNNN khi CPH là nhà đầu tư nhìn vào năng lực sản xuất, tiềm lực tài chính, hệ thống quản trị hay chỉ là quỹ đất "béo bở" mà DNNN đang khai thác, sử dụng.

Trường hợp nhà đầu tư chịu mua cổ phần từ việc CPH của DNNN vì thấy cùng định hướng, mục tiêu sản xuất về ngành hàng tiềm năng mà họ đeo đuổi, nhưng chỉ được nhận lại những thông tin kém minh bạch, nhiều hạng mục quan trọng bị bỏ ngoài sổ sách khi tiếp nhận sau CPH thì cơ quan thanh tra cũng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý các khuất tất (nếu có) này.

Trách nhiệm của tổ chức định giá doanh nghiệp cho cả quá trình CPH cũng cần được xem xét, bởi nhà đầu tư khi quyết định trở thành cổ đông ở bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cũng chỉ được tiếp cận hồ sơ, tài liệu theo đúng như những gì đơn vị tiến hành cổ phần công bố.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên