Sáng 16-5, ông Quản Minh Cường, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đã tổ chức giám sát dự án khu dân cư đô thị Dầu Giây.
Tránh để xảy ra tình trạng lãng phí đất đai
Ông Cường cho rằng dự án này thực hiện nhiều năm nhưng có nhiều vướng mắc trong cấp sổ cho dân, xảy ra khiếu nại.
Do vậy, các sở ngành liên quan phải trả lời trước dư luận, người dân về dự án có tuân thủ đúng pháp luật không; giao đất công làm dự án có đúng không. Mục đích cuộc giám sát là tháo gỡ cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua lô nền ở dự án…
"Từ dự án này để đoàn Quốc hội đánh giá lại 1.600 dự án trên địa bàn vướng mắc do đâu, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí đất đai", ông Cường nói.
UBND huyện Thống Nhất cho hay dự án khu dân cư A1-C1 (đô thị Dầu Giây) được UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH đầu tư Phú Việt Tín đầu tư với tổng diện tích hơn 93 ha.
Dự án đến nay đã qua 11 năm nhưng mới cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 53ha, phần còn lại công ty chưa triển khai thực hiện, do chưa được UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Điều này dẫn đến vướng mắc các thủ tục như đầu tư hạ tầng các giai đoạn 4, 5, 6 không thực hiện được nên không thể bàn giao quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội lại cho địa phương, để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, không đầu tư được khu xử lý nước thải của khu dân cư theo quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội như trung tâm thương mại.
Mặt khác, tiến độ dự án chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Thống Nhất, làm mất mỹ quan, bộ mặt đô thị, người dân không thể xây dựng nhà cửa, kinh doanh, buôn bán (mặc dù đã đóng 95% giá đất cho nhà đầu tư).
"Dân bức xúc do công ty chưa xử lý hệ thống nước thải của các khu dân cư trong dự án", ông Mai Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cho biết.
Cần giải thích với dân để dân không khiếu kiện
Giải thích thêm với đoàn giám sát, ông Đặng Minh Đức, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nói: "Giao đất cho nhà đầu tư và họ đã đóng tiền rồi. Sở cũng đã cấp hơn 1.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh có ý kiến yêu cầu làm rõ đất ở dự án này có phải đấu giá không".
Ông Đức giải thích trước đây Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến kết luận đất của Tổng công ty Cao su thì họ được tự đầu tư, góp vốn. Do đó, Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp vốn với Công ty Phú Việt Tín để làm dự án này.
"Thời điểm giao đất áp dụng Luật Đất đai 2003. Việc này sở cũng đã có văn bản trả lời nên không lấn cấn quay trở lại đặt vấn đề đấu giá hay không đấu giá", ông Đức nói.
Ông Quản Minh Cường, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói: "Giao đất, thu thuế chủ đầu tư rồi quay lại hỏi có đấu giá không chẳng khác nào bày ăn xong rồi hỏi giấy an toàn vệ sinh thực phẩm ở đâu. Hỏi vậy thì 10 năm nữa giải quyết không xong".
Ông Cường yêu cầu nếu đủ cơ sở pháp lý, rõ ràng thì phải trả lời dứt khoát dù là đất công nhưng không phải là trường hợp đấu giá.
"Không vướng thì khẩn trương gia hạn dự án, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cứ tồn tại kéo dài việc xử lý dự án này thì dân còn khiếu kiện nhiều. Dân kiện vì không hiểu đúng bản chất và không được giải thích cặn kẽ.
Vì vậy, tôi đề nghị UBND huyện dứt khoát họp dân phân tích, giải thích để dân không khiếu kiện nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để làm rõ thêm tính pháp lý của dự án nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân", ông Cường cho hay.
Đối với dự án thoát nước thải, ông Cường cũng yêu cầu các sở ngành phối hợp với địa phương, chủ đầu tư khẩn trương thi công hệ thống xử lý nước thải, không để xảy ra ô nhiễm môi trường…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận