Các cơ sở sản xuất xả khói gây ô nhiễm môi trường ở Q.12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mặc dù chính quyền các nơi đã có chính sách dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, mất an toàn ra khỏi khu dân cư, nhưng đến nay số lượng các cơ sở còn rất nhiều. Vậy cần giải quyết các cơ sở sản xuất này như thế nào để người dân có đời sống an lành? Tuổi Trẻ đăng tải một số ý kiến của cơ quan quản lý, chuyên gia, người dân và mong nhận thêm trao đổi của bạn đọc về vấn đề này.
GS.TS NGUYỄN TRỌNG HÒA (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Quy hoạch chức năng cho từng khu vực
Thực tế một thời gian dài chính quyền nhiều địa phương không quản lý được, cộng với chính sách khuyến khích phát triển các loại hình sản xuất dẫn đến việc bùng nổ các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn giữa khu dân cư. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư.
Đã đến lúc TP.HCM cần quản lý có bài bản, phân chia cụ thể chức năng sử dụng cho các khu vực. Trong TP phải có những khu để ở và những khu để sản xuất kinh doanh. Việc cấp phép xây dựng công trình cũng như bố trí các hoạt động phải đúng chức năng sử dụng của khu vực đó.
Khu vực để ở nhất quyết không cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất. Đối với những cơ sở sản xuất đã tồn tại lâu nay trong khu vực để ở sẽ phải dời đi.
TS NGUYỄN XUÂN THỦY (chuyên gia đô thị):
Các nước có mức báo động đỏ, xanh
Với những ngành nghề đặc biệt như mua, kinh doanh phế liệu, ngành nghề sản xuất tại các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao cần phải có cơ chế quản lý riêng, không thể để tự do như vừa qua.
Những cơ sở mua phế liệu lớn phải có giấy phép của cấp có thẩm quyền và được giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Từ những vụ việc như trên, các cơ quan quản lý liên quan phải có trách nhiệm. Đặc biệt, dứt khoát những cơ sở mua phế liệu đó phải được quy hoạch cụ thể và không được nằm trong khu đô thị, khu đông dân cư.
Có thể phân loại các phế liệu, nếu mức độ ảnh hưởng, an toàn đến đời sống, sức khỏe người dân ít thì cho tồn tại ở địa phương, nhưng phế liệu gây mất an toàn, nguy cơ ô nhiễm cao như vật liệu nổ thì phải giám sát kỹ.
Kinh nghiệm trên thế giới đối với ngành nghề này có báo động đỏ, xanh. Do đây là ngành nghề đặc thù nên cần liên kết phối hợp giữa ngành thương binh - xã hội, công an và địa phương. Những ngành nghề liên quan an ninh phải quản lý chặt chẽ.
Th.S LÂM THỊ ÁNH QUYÊN (ĐH Mở TP.HCM):
Cần chính sách hỗ trợ dời cơ sở
Những cơ sở sản xuất lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư phải mạnh tay bắt buộc dời. Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất ở vị trí mới, các chính sách thuế cho những năm đầu để khuyến khích doanh nghiệp dời đi.
Còn với những cơ sở quy mô sản xuất hộ gia đình, nên bắt buộc thay đổi công nghệ để đạt chuẩn về tiếng ồn, khói bụi, độ rung... Cần có chính sách ổn định, thay vì dời thì đầu tư vào công nghệ để phát triển các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.
Vấn đề là phải hỗ trợ bằng chính sách vay vốn để các cơ sở này có thể thay đổi công nghệ.
Nếu chọn giữa dời và thay đổi công nghệ, việc thay đổi công nghệ chắc chắn hơn.
Ông NGUYỄN VĂN HỒNG (phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, TP.HCM):
Năm 2020 dời các cơ sở vào khu công nghiệp
Huyện đang thực hiện kế hoạch dời các cơ sở kinh doanh không phù hợp quy hoạch vào các khu công nghiệp. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Chẳng hạn chỉ riêng các cơ sở mua, tái chế phế liệu thì trên địa bàn huyện có 550 cơ sở. Qua kiểm tra có 344 cơ sở không phép, đã xử lý đóng cửa 338, chỉ còn 6 cơ sở hoạt động. Chúng tôi làm kiên trì trong khoảng một năm với sự phối hợp của Mặt trận, đoàn thể địa phương.
Các cơ sở còn lại có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư cấp, nên đang kiểm tra để xử lý. Đồng thời cũng vận động để họ dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Bà NGUYỄN THỊ LAN THẢO (người dân khu phố 4, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM):
Đừng để người dân khổ sở
Báo chí liên tục phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm khói bụi kéo dài của các cơ sở sản xuất ở hẻm 13 Nguyễn Văn Quá, khu phố 4, P.Đông Hưng Thuận (Q.12). Các chủ sản xuất xây dựng nhà xưởng nhuộm vải, lúc đầu chỉ một vài cơ sở, lâu ngày thì hàng chục cơ sở mọc lên. Cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn.
Một năm nay, các cơ sở nhuộm vải dời đi, người dân mới thở phào thoát cảnh khói bụi bủa vây. Cuộc sống người dân trong lành, bình yên trở lại. Qua việc này, tôi thấy chính quyền đừng để người dân trong các khu dân cư phải sống trong cảnh khổ sở, hoang mang cho sức khỏe của mình vì các cơ sở sản xuất.
Thiếu tướng ĐẶNG NGỌC NGHĨA (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội):
Phải có cam kết không mua vật liệu nổ
Thực tế từ trước đến nay có hàng trăm vụ buôn bán vật liệu nổ là đầu đạn, bom núp bóng mua bán phế liệu đã bị bắt giữ, thu hồi. Nếu không tích cực kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ, giáo dục các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu thì những tai nạn thương tâm sẽ còn xảy ra. Và rất nhiều người dân mất mạng oan chỉ vì kho mua phế liệu thường nằm ngay trong khu dân cư.
Để ngăn chặn việc tàng trữ vật liệu nổ từ những hộ kinh doanh phế liệu, cơ quan chức năng là công an, chính quyền địa phương phải buộc các chủ hộ kinh doanh phế liệu có cam kết tuyệt đối không được mua vật liệu nổ. Đồng thời, cơ quan chức năng và chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh phế liệu.
Ông VŨ QUANG CÁC (vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ KH-ĐT):
Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư
Hiện nay, khu vực nông thôn hoặc thậm chí ngay trong khu đô thị vẫn có nhiều nơi tổ chức sản xuất. Đó là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển khi mà trước đây các gia đình, làng nghề sản xuất với quy mô nhỏ nên chưa gây ra những ảnh hưởng, chưa tác động nhiều đến môi trường sống.
Tuy nhiên, đến khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của chính các hộ dân xung quanh và các hộ gia đình, ảnh hưởng đến môi trường.
Song rõ ràng dù yêu cầu phát triển nhưng điều chỉnh quy hoạch nông thôn, đô thị lại không theo kịp, không tổ chức quy hoạch khu dịch vụ làng nghề, dẫn tới tình trạng người dân sử dụng chính mảnh đất, nhà mình để sản xuất. Vì vậy gây nên những hệ lụy rất lớn như vụ nổ tại Bắc Ninh là minh chứng.
VN có hơn 60 - 70% dân số sống ở nông thôn nhưng quy hoạch chưa được chú trọng, quá trình chuyển đổi từ nông thôn hay khu vực ven đô thị cũng chưa được chú ý, quản lý của địa phương chưa theo kịp.
Yêu cầu đặt ra cần phải có thay đổi quan điểm trong việc phát triển đối với khu vực nông thôn có làng nghề, ngành nghề nguy hiểm trên cơ sở quy hoạch khu đời sống người dân, khu vực sản xuất, dịch vụ làng nghề riêng.
Xu hướng hiện nay là thu hút nhiều nhà đầu tư, khu công nghiệp đi theo mô hình đưa cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ về gần khu vực nông thôn, ven đô thị để thu hút lực lượng lao động.
Có nghĩa là hình thành khu vực dịch vụ làng nghề để giúp người dân "ly nông mà không ly hương", nên cần điều chỉnh các chính sách thu hút nhà đầu tư hạ tầng xây dựng khu dịch vụ làng nghề là rất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận