Đoàn thanh tra phát hiện việc thanh toán vượt khối lượng ở dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng - Ảnh: H.Khá |
Các sai phạm từ san lấp mặt bằng đến chất lượng thi công trải thảm nhựa
Được kỳ vọng sẽ là “thung lũng Silicon” ở miền Trung, dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng (rộng 1.129ha, ở huyện Hòa Vang) có tổng số vốn đầu tư được phê duyệt 8.800 tỉ đồng, trong đó một phần từ nguồn vốn mục tiêu của Chính phủ.
Thanh toán vượt khối lượng
Chưa có hướng xử lý Tại buổi làm việc với PV Tuổi Trẻ ngày 17-10, ông Thái Bá Cảnh - phó trưởng Ban QLDA Khu công nghệ cao Đà Nẵng - cho biết hiện vẫn chưa có hướng xử lý khắc phục số diện tích bêtông nhựa hơn 14.500m2 đã trải thảm lớp 1 nhưng không đạt chất lượng trước đó. Chính ông Cảnh cũng thừa nhận năng lực điều hành của cán bộ dự án còn yếu. “Ngay như tôi không có bằng quản lý dự án nhưng TP vẫn giao cho tôi làm dự án này” - ông Cảnh nói. |
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng (gọi tắt là Ban QLDA), gói san lấp nền giai đoạn 1 trị giá 156 tỉ đồng, Công ty cổ phần Trung Nam là đơn vị trúng thầu phần san lấp.
Tính đến thời điểm này, số tiền đã trả cho nhà thầu lên đến hơn 137 tỉ đồng.
Tuy nhiên qua kiểm tra trong 17 đợt thanh toán trước đó, tổ kiểm tra tài chính do ông Phan Tấn Tuyền (chánh Thanh tra TP Đà Nẵng) làm tổ trưởng đã không chấp nhận khoản thanh toán khối lượng đất đào hơn 783.312m3 (tương ứng 12,5 tỉ đồng) với lý do không có khối lượng để thanh toán.
Cụ thể, trong hồ sơ thanh toán đợt 13 được Ban QLDA nghiệm thu tháng 8-2013, khối lượng đào đắp tại ba lô (323, 324 và 325) hơn 658.573m3.
Tuy nhiên cuối tháng 7-2014, tức một năm sau, khi đo đạc lại khối lượng thực tế thì Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết việc san lấp chỉ mới tiến hành được hơn 541.400m3. Và hiện việc san lấp này vẫn chưa hoàn thiện.
Theo Viện Quy hoạch xây dựng, Ban QLDA đã nghiệm thu thanh toán vượt khối lượng đất đắp tại ba lô này là 117.149m3, tương ứng số tiền 3,5 tỉ đồng.
Việc thanh toán vượt khối lượng không chỉ ở gói thầu san lấp mặt bằng mà còn diễn ra tại gói thầu thi công xây dựng trục đường 51m (trục đường chính dẫn vào Khu công nghệ cao do Công ty cổ phần Trung Nam thi công trị giá 107 tỉ đồng).
Theo báo cáo của đại diện tổ giám sát thuộc Ban QLDA, đến đầu tháng 8-2014 diện tích thảm bêtông nhựa đo được tại hiện trường là 14.543m2, nhưng trên sổ sách nghiệm thu từ tháng 12-2013 Ban QLDA đã thanh toán cho nhà thầu hơn 21.000m2 bêtông nhựa.
Như vậy nếu tính khối lượng đã thi công vào thời điểm báo cáo thì khối lượng thanh toán khống là hơn 6.632m2 (tương ứng 1,92 tỉ đồng).
Chất lượng có vấn đề
Cũng theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành do Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương ký gửi thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ngoài việc một số gói thầu bị thanh toán vượt khối lượng, chất lượng trải thảm nhựa trên trục đường 51m cũng có vấn đề.
Theo đó, chất lượng thi công nền đường bằng đất đồi, móng cấp phối đá dăm và đặc biệt là hơn 14.500m2 bêtông nhựa đã trải thảm lớp 1 được đoàn kết luận không đảm bảo yêu cầu theo hồ sơ thiết kế.
Cụ thể, theo báo cáo Sở Xây dựng gửi UBND TP Đà Nẵng, phần bêtông nhựa lớp 1 dày 7cm không có hồ sơ công tác rải thử, không có nhật ký từng chuyến xe chở bêtông nhựa ghi rõ nhiệt độ hỗn hợp, khối lượng, chất lượng, không có kiểm tra trong khi rải và lu lèn bêtông nhựa...
Ngoài ra, chất lượng ống bêtông ly tâm đúc sẵn dành làm hệ thống thoát nước ngầm ở dự án cũng không đảm bảo yêu cầu.
Để “chữa cháy”, nhà thầu đã cho đào toàn bộ các ống cống bêtông (đã chôn ngang trục đường 51m), rồi đổ một lớp bêtông gia cố lên trên nhằm giảm áp lực từ mặt đường xuống gây vỡ cống.
Ngay sau khi phát hiện chất lượng công trình có vấn đề, ông Văn Hữu Chiến - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất ngay hướng xử lý, đặc biệt là phần đường đã trải thảm nhựa.
Xin cơ chế đặc thù TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi các bộ Kế hoạch - đầu tư, Khoa học - công nghệ và Tài chính về việc đề nghị ban hành cơ chế, chính sách đặc thù huy động vốn đầu tư xây dựng và chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Theo đó, TP Đà Nẵng đề xuất bố trí nguồn vốn xây dựng hằng năm tối thiểu 300-400 tỉ đồng. Trong trường hợp ngân sách trung ương không đáp ứng được thì cho phép Đà Nẵng được vay vốn với lãi suất 3-5% từ Ngân hàng Phát triển VN để đầu tư phát triển hạ tầng. Đà Nẵng cũng xin được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ODA, kể cả vay ưu đãi và không hoàn lại để đầu tư xây dựng hạ tầng. Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 8.800 tỉ đồng, trong đó vốn mục tiêu của trung ương là 3.100 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên theo TP Đà Nẵng, đến nay sau hơn ba năm triển khai, Chính phủ mới bố trí được 477 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận