Khu chứng tích Lao Thừa Phủ chính thức đón du khách tham quan từ ngày 22-12
Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thủy Sư (nơi ở của đơn vị Thủy binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nhà giam và cái tên lao Thừa Phủ ra đời từ đó.
Ban đầu lao Thừa Phủ có quy mô khá nhỏ. Về sau thực dân Pháp rồi Mỹ tiếp tục mở rộng dần, xây dựng thêm nhiều dãy nhà giam khác nhau cùng hệ thống hàng rào bảo vệ và chòi canh nhằm ngăn chặn ý định vượt ngục của tù nhân.
Cựu binh cách mạng thăm nơi giam giữ mình tại Khu chứng tích Lao Thừa Phủ
Cách mạng tháng Tám thành công ở Thừa Thiên - Huế, lao Thừa Phủ bị đập phá, chỉ giữ lại một số buồng giam để giam các thành phần phản cách mạng thân Nhật. Sau khi chiếm lại Huế, quân Pháp đã xây dựng lại hệ thống nhà lao này.
Đến năm 1954, chính quyền Ngô Đình Cẩn ở Huế đã cải tạo, xây mới nhà biệt giam, hầm tối, chuồng cọp để làm nơi giam giữ những đảng viên Cộng sản và những người yêu nước.
Bà Võ Thị Bưởi, một cựu tù nhân tại lao Thừa Phủ, nhớ lại bà bị lính Mỹ bắt khi đang trên đường làm nhiệm vụ giao liên vào năm 1968. Khi đó bà Bưởi mới 15 tuổi và bị giam cầm ở đây trong 2 năm.
"Nhiều phong trào đấu tranh chống lại Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nổ ra trong nhà lao này. Để đàn áp, ngoài tra tấn đánh đập thì quản giáo nhà lao còn có nhiều chiêu trò như không cấp nước sinh hoạt cho tù nhân..." - bà Bưởi kể.
Nhà lao lớn ở Khu chứng tích Lao Thừa Phủ được làm nơi trưng bày ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án bảo tồn, tôn tạo khu chứng tích lao Thừa Phủ đã bảo tồn nguyên trạng các hạng mục còn giữ lại như tháp canh, nhà 2 tầng được xây dưới thời chính quyền Sài Gòn (nơi trưng bày bổ sung chứng tích lao Thừa Phủ); lô cốt, hệ thống tường rào cũ, phục hồi nguyên trạng nhà giam đồng chí Tố Hữu và cổng lao Thừa Phủ; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ…
Tổng kinh phí bảo tồn khoảng 2,3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận