21/03/2014 09:33 GMT+7

Không yên tâm với dự án bôxit

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Ông Hồ Uy Liêm, nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), có ý kiến như vậy chiều 20-3 về đề xuất một số ưu đãi cho dự án bôxit trong khi dự án này được cho là sẽ lỗ đến năm 2020. Ông Hồ Uy Liêm nói:

iNc1rUwC.jpgPhóng to
Xe chở alumin từ tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) đi cảng Gò Dầu (Đồng Nai) - Ảnh: Mai Vinh
5UAsCnyW.jpg
Ông Hồ Uy Liêm - Ảnh: V.V.Thành
- Tôi có đọc báo Tuổi Trẻ về ý kiến của TS Nguyễn Văn Ban (nguyên trưởng ban bôxit - nhôm thuộc Tổng công ty Khoáng sản VN), trước đó là của TS Nguyễn Thành Sơn (trưởng ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng) nói về việc Bộ Công thương đề xuất nhiều ưu đãi cho hai dự án bôxit. Tôi nghĩ rằng đây là các nhà chuyên môn, ý kiến của họ như vậy đủ rõ ràng.

Về phần mình, khi còn công tác ở Vusta, tôi tham gia nhóm nghiên cứu, phản biện về dự án này và nhiều lần trình bày ý kiến trước các nhà lãnh đạo cũng như trên báo chí. Cho đến nay, qua thời gian với các diễn biến liên quan đến dự án khai thác, chế biến bôxit ở Tây nguyên, càng củng cố trong tôi rằng dự báo của các nhà khoa học thuộc Vusta lúc trước về dự án này là khá phù hợp với thực tế.

* Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể?

- Dựa trên số liệu Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) cung cấp và giá thị trường thế giới cuối năm 2009, các nhà khoa học lúc bấy giờ tính ra mức lỗ có thể lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Số liệu mới nhất trong năm 2014 do chính TKV cung cấp cũng xác nhận điều này. Đáng tiếc là ý kiến của chúng tôi lúc bấy giờ không được lắng nghe.

Tất nhiên, đối với một dự án thì nhiều người cho rằng hiệu quả kinh tế phải tính cả vòng đời, chứ không nên chỉ tính lỗ trong mấy năm đầu. Nhưng với việc đội mức tổng đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng, việc vay vốn và lãi suất, việc thay đổi phương án vận chuyển, đặc biệt là chưa ai có thể khẳng định thị trường nguyên liệu thế giới sau năm 2015, xa hơn nữa là sau năm 2020 sẽ như thế nào. Liệu chúng ta có thể yên tâm? Cá nhân tôi thì thấy rất khó.

* Vậy ông nghĩ sao về đề xuất ưu đãi cho dự án bôxit?

"Với một vấn đề quan trọng như khai thác bôxit ở Tây nguyên thì tất cả khả năng đều phải được đặt ra, từ đó có sự đầu tư cho việc bảo vệ môi trường sinh thái ở mức cao nhất"

- Nếu cho rằng bôxit không phải là khoáng sản độc hại thì chúng ta nghĩ sao về thảm họa vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary. Chính vì vậy, các mức phí, thuế... đối với bôxit phải áp dụng đúng như với bôxit chứ không nên có cách áp dụng nào khác.

Chủ trương của Nhà nước ta là phát triển bền vững, không khai thác tài nguyên khoáng sản bằng mọi giá.

Nếu thấy loại khoáng sản nào đó hiện nay khai thác chưa hiệu quả, chưa đóng góp được nhiều vào ngân sách thì nên cân nhắc kỹ.

Người dân đóng phí, thuế để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông cho các dự án kinh tế hoạt động, nay đến lượt các dự án lại muốn giảm phần đóng góp của mình thì nghe không thuận tai lắm. Vấn đề vận chuyển alumin đến cảng biển đòi hỏi phải làm đường sá có khả năng chịu tải lớn, việc làm đường phục vụ dự án lẽ ra doanh nghiệp có trách nhiệm, nhưng ở đây doanh nghiệp lại đề nghị Nhà nước đầu tư, rồi còn đòi ưu đãi đủ thứ thì không thể chấp nhận được.

* Ông có nghĩ rằng hồ chứa bùn đỏ được đầu tư an toàn quá mức sẽ lãng phí?

- An toàn cho con người và môi trường thì sao lại quá mức, phải làm tối đa chứ. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm cho các nước phát triển với cơ sở hạ tầng hiện đại, vững chắc cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn như bão tuyết vừa qua ở Mỹ với nhiệt độ xuống thấp kỷ lục mà không ai dự báo được. Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chúng ta không thể chủ quan. Tất nhiên không ai muốn điều gì đó không hay xảy ra, nhưng với một vấn đề quan trọng như khai thác bôxit ở Tây nguyên thì tất cả khả năng đều phải được đặt ra, từ đó có sự đầu tư cho việc bảo vệ môi trường sinh thái ở mức cao nhất.

Tôi muốn đặt câu hỏi với TKV rằng lấy tiêu chuẩn nào để TKV cho rằng đã đầu tư quá mức cần thiết? Ở đây, các cơ quan của Quốc hội nên lắng nghe ý kiến khách quan và độc lập của giới khoa học để có thêm cơ sở cho hoạt động giám sát của mình.

Chưa đền bù cho nhà đầu tư cảng Kê Gà

Trong tháng 2-2014, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý dừng đầu tư cảng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) theo kiến nghị của Bộ Công thương. Như vậy sau bảy năm, dự án đầu tư cảng biển của VN đã khép lại, nhưng vẫn bỏ ngỏ con đường vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống Bình Thuận.

Thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng

Ngược thời gian vào đầu những năm 2000, hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã xây dựng nhiều khu du lịch, resort tại vùng ven biển Tân Thành (Hàm Thuận Nam) để hưởng ứng sự kêu gọi đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên đến cuối năm 2007, như “từ trên trời rơi xuống”, Bộ Giao thông vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển. Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận sốt sắng thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà vào tháng 4-2008. Mục đích xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống.

Đầu năm 2009, Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận mời chủ đầu tư các dự án du lịch bị ảnh hưởng đến để tiếp tục thông báo về dự án xây dựng cảng Kê Gà. Theo kế hoạch mà Tổng công ty Khoáng sản VN (Vinacomin) hứa hẹn rằng việc khởi công sẽ tiến hành “hoành tráng” vào tháng 8-2009, nhưng từ đó đến đầu năm 2013 mọi chuyện “án binh bất động”.

Trước thực trạng trên, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận ngày 18-2-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.

Hiện nay, hội đồng đánh giá thiệt hại của tỉnh Bình Thuận đang kiểm kê tài sản thiệt hại của 12 dự án du lịch. Nhiều chủ dự án du lịch cũng bày tỏ mong muốn nhận lại dự án để tiếp tục làm du lịch, xây dựng lại vùng bờ biển Kê Gà. Phía tỉnh Bình Thuận cho biết việc đền bù thiệt hại cho các dự án du lịch do Vinacomin chịu trách nhiệm. Còn chủ các dự án du lịch ước tính số tiền thiệt hại của họ khoảng 1.000 tỉ đồng.

Bỏ ngỏ đường vận chuyển bôxit

Trong một động thái mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định về việc chuyển tuyến đường Lương Sơn - Đại Ninh (huyện Bắc Bình) thành quốc lộ 28B. Quốc lộ 28B có tổng chiều dài toàn tuyến là 69km nằm trên địa bàn hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.

Theo một số chuyên gia trong ngành giao thông vận tải tại Bình Thuận, quốc lộ 28B ngoài việc sử dụng phục vụ cho khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình (huyện Bắc Bình), còn có thể làm phương án chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống Bình Thuận, sau đó theo quốc lộ 1 đi ra cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, đang trong quá trình tính toán đầu tư thành cảng tổng hợp).

Tuy nhiên trước đó vào năm 2012, Tổng cục Đường bộ và Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bình Thuận cho biết phương án vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống cảng Vĩnh Tân đi qua tỉnh Bình Thuận bắt đầu từ La Dạ (đường tỉnh 714, huyện Hàm Thuận Bắc) đến quốc lộ 28 đi vào đường tỉnh 711 (huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình) ra quốc lộ 1, tiếp đó đi thêm khoảng 85km trên quốc lộ 1 để đến cảng Vĩnh Tân. Tổng chiều dài của đoạn đường đi qua Bình Thuận là hơn 140km với kinh phí đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng. Đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra để chọn tuyến đường vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống Bình Thuận.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên