‘Bó tay’ với hộ dân ở TP.HCM nuôi 79 con chó: có thể đo tiếng chó sủa để xác định độ ồn
Trả lời Tuổi Trẻ, UBND quận 4 cho biết sau khi liên tục nhận được phản ảnh của người dân về việc nuôi chó trong không gian hẹp, xả chất thải ô nhiễm môi trường, quận đã có nhiều lần nhắc nhở hộ bà N.T.M.T. (chủ căn nhà 190 Hoàng Diệu, quận 4) chấp hành việc đảm bảo vệ sinh và giảm đàn.
Tuy nhiên, bà T. không chấp hành, vẫn nuôi chó với số lượng lớn (kiểm tra cuối tháng 6 là 79 con, một số con đang bị bệnh).
Chưa có quy định cụ thể mật độ, số lượng nuôi
Do chưa có luật định cụ thể để xử lý vụ việc nên hiện quận 4 tiếp tục chỉ đạo phường và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, vận động hộ bà T. giảm đàn chó. Đồng thời chờ sự phản hồi kiến nghị của các bộ, ngành có thẩm quyền hỗ trợ cách xử lý phù hợp, nhanh chóng bổ sung các yêu cầu, quy định để quận 4 có hướng giải quyết căn cơ.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nói luật định về nuôi thú cảnh ở hộ gia đình tại các khu dân cư, đặc biệt là trong nội thành, cùng các quy định liên quan vẫn còn chung chung.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề mật độ và số lượng vật nuôi được cho phép ở đô thị, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng. Do đó, Chi cục Thú y TP.HCM đã có công văn gửi lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo về vụ việc này. Đồng thời, chi cục cũng tham mưu dự thảo về thông tư điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan về số lượng chăn nuôi thú cưng ở đô thị.
Ngoài việc kiểm tra nước thải xả ra cống của hộ dân trên thì cơ quan thẩm quyền có thể tổ chức đo tiếng ồn (do đàn chó sủa mỗi ngày) để xem điều này ảnh hưởng như thế nào đối với người dân sống xung quanh. Còn vấn đề về mùi hôi thì hiện tại cũng chưa có quy chuẩn cụ thể để so sánh.
Trong khi chờ đợi các bộ ngành có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định cụ thể, địa phương có thể tiếp tục vận động hộ dân trên giảm hoặc di dời đàn chó. Nếu có bằng chứng hộ dân đó thả rông chó ra ngoài để phóng uế bừa bãi, có hành vi chống đối... thì địa phương có thể xử lý kiên quyết hơn, đề nghị công an vào cuộc.
Luật sư: địa phương vẫn có thể xử lý
Luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết hiện nay chưa thể xử lý triệt để vấn đề trên do chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về việc nuôi thú cưng (chó) trong khu dân cư. Một số luật liên quan như Luật Chăn nuôi 2018, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã ban hành được một thời gian và chưa dự liệu được những vấn đề phát sinh hiện nay.
Đơn cử như câu chuyện ở quận 4 hay những năm gần đây, các vấn đề tương tự xuất hiện ở nhiều nơi do kinh tế phát triển, nhu cầu tinh thần (nhu cầu nuôi thú cưng) ngày càng tăng. Thị trường chăm sóc và buôn bán thú nuôi phát triển không ngừng, nhưng các quy định pháp luật chưa theo kịp. Do đó đã dẫn đến việc khi gặp vấn đề bất cập thì cơ quan thẩm quyền còn lúng túng trong cách giải quyết.
Tuy nhiên theo luật sư Hà Hải, địa phương không thể lấy lý do là chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp thẩm quyền mà để chuyện này tiếp tục xảy ra, gây ảnh hưởng tới người dân.
Luật sư Hải cho biết: "Quận 4 hoàn toàn có thể vận dụng các quy định pháp luật có liên quan. Phường có thể vận động hộ dân này chuyển đi và yêu cầu hộ dân này nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh. Nếu hộ này làm không được thì phường nên gửi văn bản lên cấp thẩm quyền để phối hợp xử lý.
Cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét các quy định Luật Chăn nuôi 2018 để "xác định" trường hợp này là chăn nuôi hay nuôi thú cưng (do nuôi 79 con chó chứ không phải 1-2 con).
Đồng thời, xem xét các vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh, ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt, điều kiện vệ sinh thú y, thực hiện tiêm phòng bắt buộc... để xử phạt, cưỡng chế".
Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật
Theo luật sư Hà Hải, cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung vào Luật Chăn nuôi và các quy định về việc nuôi thú cưng trong khu dân cư và chung cư, các hình thức xử phạt hành chính, vấn đề an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các quy định về việc nuôi nhốt thú cưng như thế nào, có đảm bảo vệ sinh môi trường hay không cũng cần được bổ sung. Chúng ta phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của người nuôi, ví dụ như phải dọn vệ sinh chất thải, dắt chó đi dạo phải rọ mõm...
Đồng thời nên quy định thế nào là nuôi thú cưng, số lượng bao nhiêu thì không xem là nuôi thú cưng. Cần phải sửa đổi bổ sung thêm các hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính, các hình thức phạt bổ sung sao cho đủ sức răn đe. Một khi hoàn thiện về các quy định sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận