02/12/2018 08:55 GMT+7

Không xử được nhà thuốc 'chui' vì 'lờn thuốc'

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Nhiều nhà thuốc vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa có giấy phép, trong khi cơ quan quản lý cho biết không đủ nhân lực để nắm hết các nhà thuốc trên địa bàn, chưa kể các biện pháp chế tài không nghiêm nên các nhà thuốc “lờn thuốc”.

Không xử được nhà thuốc chui vì lờn thuốc - Ảnh 1.

Nhà thuốc trái phép trên đường Linh Đông, Q.Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chỉ cần thuê được mặt bằng, "nhà thuốc" có thể trưng sản phẩm ra bán mà chẳng cần niêm yết giấy phép của nhà thuốc, thậm chí những "nhà thuốc" vốn là địa chỉ bán thực phẩm chức năng, những tủ thuốc di động "tối đem ra, sáng cất vào" vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Bán thuốc trước, xin phép sau!

Một sáng cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi đến nhà thuốc tây TA 2 (quốc lộ 13, khu phố 6, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Bên ngoài bảng hiệu nhà thuốc ghi chuyên bán sỉ và lẻ thuốc nội ngoại nhập đạt chuẩn GPP, thậm chí còn treo cả bảng ghi điểm bán thuốc bình ổn.

Từ ngoài nhìn vào nhà thuốc này rộng chưa tới 10m2. Một người đàn ông chừng hơn 30 tuổi mặc đồ ở nhà đang ôm con nhỏ nằm trên võng, khi biết có người đến mua thuốc kháng sinh A..., anh ta liền đứng dậy bán thuốc.

Sau khi hỏi chuyện, người đàn ông này cho biết nhà thuốc TA 2 chưa có giấy phép hoạt động và hiện đang nhờ một "cò" xin giấy phép ở Sở Y tế. "Sao chưa có giấy phép mà đã bán thuốc? Anh có biết điều này là vi phạm pháp luật không?", người đàn ông này trả lời "có biết" nhưng thực tế là vẫn bán thuốc.

Cách đó không xa, nhà thuốc HN dù chưa có giấy phép hoạt động vẫn treo biển nhà thuốc và vô tư bán thuốc. Người bán thuốc của tiệm thuốc này là một phụ nữ mặc đồ ở nhà, cũng vừa trông con vừa bán thuốc.

Tại nhà thuốc HM (đường 36, khu phố 8, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức), khi được hỏi chuyện, anh M. kể anh mới sang lại nhà thuốc này được vài ngày. Nhà thuốc này chưa có giấy phép hoạt động nên anh đang nhờ "dịch vụ" làm giấy tờ.

Trước đây nhà thuốc này chỉ có giấy phép bán thực phẩm chức năng nhưng vẫn vô tư bán thuốc. Cũng giống như hai nhà thuốc trước đó, anh M. cũng mặc đồ bình thường khi bán thuốc.

"Tủ thuốc di động" không phép

Khi chúng tôi phản ánh về tình trạng nhiều nhà thuốc tại Q.Thủ Đức không có giấy phép nhưng vẫn công khai hoạt động, ông Nguyễn Văn Khuôn - trưởng phòng Y tế Q.Thủ Đức - giải thích việc cấp phép hoạt động của nhà thuốc do Sở Y tế TP.HCM cấp.

Mỗi quý Sở Y tế mới chuyển danh sách các nhà thuốc được cấp phép đủ điều kiện hoạt động cho Phòng Y tế của quận. Phòng Y tế quận sẽ chỉ biết các nhà thuốc không phép qua kiểm tra địa bàn, hoặc kết hợp cùng với các phường đi kiểm tra, chỉ đạo cho các phường kiểm tra.

Theo ông Khuôn, Phòng Y tế Q.Thủ Đức đang quản lý khoảng 270 nhà thuốc, mỗi phường quản lý 25-30 nhà thuốc. Ngoài việc quản lý hành nghề y dược tư nhân, phòng còn quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số, phòng chống dịch... và tham mưu các công tác khác.

Nhân lực của phòng y tế cũng hạn chế khi chỉ có một trưởng phòng và thêm một người quản lý hành nghề y dược tư nhân.

"Cái khó khăn nhất hiện nay của phòng y tế là không có biện pháp chế tài hữu hiệu. Pháp luật chưa có khung nào để bắt cơ sở đóng cửa. Cơ sở có đóng cửa hay không thì không có biện pháp chế tài", ông Khuôn nói.

Cũng theo ông Khuôn, ngoài những nhà thuốc hoạt động không phép, trên địa bàn còn có mô hình "tủ thuốc di động" đang phát triển. Người bán thuốc không trưng biển bán thuốc. Tối tối khi công nhân về mới mang tủ thuốc ra bán, khi ngủ thì kéo vô. Còn có một số nơi chỉ đăng ký bán thực phẩm chức năng, nhưng bên trong bán thuốc tây.

Phòng Y tế quận đang kết hợp với ban quản lý thị trường xử lý kiểm tra các cơ sở thực phẩm chức năng nhưng vẫn bán thuốc tây, chỉ phòng y tế xử phạt họ không sợ vì mức phạt cao nhất là 7,5 triệu đồng với những nhà thuốc không có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, cũng không có điều khoản nào quy định đóng cửa cũng như tịch thu thuốc.

"Q.Thủ Đức đang rà soát ở tất cả các phường xem có bao nhiêu cơ sở có 'tủ thuốc di động', sau đó sẽ lên kế hoạch đi kiểm tra vào ban đêm, hoặc thứ bảy, chủ nhật", ông Khuôn cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi vì sao những nhà thuốc này hoạt động nhiều tháng mà vẫn không được phát hiện, ông Khuôn cho rằng "cũng khó nói lắm vì không phải anh em lúc nào cũng đi kiểm tra được", đồng thời cam kết sẽ quản lý địa bàn chặt thông qua cảnh sát khu vực, hoặc từng khu phố báo cáo.

Buộc các nhà thuốc không phép ngưng hoạt động

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Phòng Y tế Q.Thủ Đức cho biết trong 3 cơ sở báo Tuổi Trẻ phản ánh, Phòng đã đi kiểm tra 2 nhà thuốc, còn một nhà thuốc tiếp tục sẽ đi kiểm tra trong thời gian tới.

Theo Phòng Y tế Q.Thủ Đức, cả hai nhà thuốc TA 2 và HN đều chưa có giấy phép. Sau khi kiểm tra, Phòng đã yêu cầu nhà thuốc ngưng hoạt động và mời về Phòng để xử lý nhưng cả hai nhà thuốc này đều chưa đến.

Theo vị cán bộ này, ngoài xử phạt hành chính, các nhà thuốc nêu trên sẽ bị ngưng hoạt động đến khi nào được Sở Y tế cấp giấy phép.

Nhà thuốc, công ty dược cũng kêu trời vì... nghị định

TTO - Không chỉ bệnh nhân, ngay cả nhà thuốc bệnh viện và các công ty dược cũng đang 'kêu trời' vì những quy định kỳ lạ trong Nghị định 54 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật dược sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 1-2018).

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên