Người dân được tiêm vắc xin COVID-19 Sinovac ở Montevideo, Uruguay ngày 1-3-2021 - Ảnh: Xinhua
"Thông điệp đọng lại chính là: Nếu bạn đã tiêm vắc xin, bạn sẽ được bảo vệ.
Bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue ở New York (Mỹ), kết luận trên báo New York Times.
Đang xuất hiện thông tin về trường hợp đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều nhưng vẫn nhiễm bệnh. Các nhà khoa học gọi đó là các "ca nhiễm đột phá" vì virus đã chọc thủng hàng rào bảo vệ mà vắc xin mang lại.
Hiểu sai: vắc xin có hiệu quả 100%
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, 46 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã báo cáo tổng cộng 10.262 "ca nhiễm đột phá" từ ngày 1-1 tới 30-4-2021.
Việc xuất hiện ca nhiễm đột phá không đồng nghĩa vắc xin COVID-19 có vấn đề. "Vấn đề không phải là vắc xin, mà do sự hiểu sai của công chúng và các chính khách về những gì vắc xin có thể làm và không thể làm được" - giáo sư Nikolai Petrovsky đến từ Đại học Flinders (Úc) đánh giá.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, lưu ý không nên nhìn vào "các ca nhiễm đột phá" để nói rằng vắc xin không hiệu quả. "Thành công của vắc xin dựa trên việc ngăn ngừa bệnh" - ông Fauci chỉ ra.
Ông Thiệu Nhất Minh - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - đánh giá việc ghi nhận các "ca nhiễm đột phá" là bình thường vì không có vắc xin nào hiệu quả 100% trong ngăn ngừa nhiễm virus.
Ông Thiệu dẫn lại dữ liệu cuộc thử nghiệm vắc xin bất hoạt CoronaVac của Hãng Sinovac với hơn 10 triệu người ở Chile.
Kết quả cho thấy trong số những người đã tiêm vắc xin đầy đủ, hiệu quả của vắc xin này là 65% đối với việc phòng ngừa COVID-19 nói chung hoặc bệnh nhẹ, 87,5% trong ngăn ngừa bệnh nặng, 90,3% trong ngăn ngừa các ca nhiễm phải vào phòng chăm sóc tích cực (ICU) trong bệnh viện và 86,3% trong ngăn ngừa ca tử vong liên quan COVID-19.
Trong khi đó, ông Dương Hiểu Minh - chủ tịch Công ty Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một đơn vị của Sinopharm - nói rằng không có vắc xin COVID-19 nào trên thế giới có thể đảm bảo hiệu quả 100% trong ngăn ngừa nhiễm virus.
Hiệu quả của các vắc xin bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn hiệu quả ngăn ngừa tử vong và tình trạng bệnh nặng.
Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp (nguồn: New York Times) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Hiểu đúng: tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ
Mặc dù xuất hiện các "ca nhiễm đột phá" trên thế giới song giới chuyên gia nhận định vắc xin COVID-19 có tác dụng.
Đài CNN ngày 1-8 dẫn dữ liệu mới nhất từ CDC của Mỹ cho biết 99,99% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều không nằm trong các trường hợp "nhiễm đột phá dẫn tới bị nhập viện hay tử vong".
Cụ thể, CDC Mỹ đã ghi nhận 6.587 "ca nhiễm đột phá" nghiêm trọng tính tới ngày 26-7, gồm 6.239 ca nhập viện với 1.263 người tử vong.
Vào thời điểm đó, hơn 163 triệu người Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều. Do đó, chưa tới 0,004% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều trở thành "ca nhiễm đột phá bị nhập viện", và chưa tới 0,001% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều trở thành "ca nhiễm đột phá bị tử vong". Hầu hết "ca nhiễm đột phá" nghiêm trọng này (khoảng 74%) là các trường hợp từ 65 tuổi trở lên.
Theo CNN, dữ liệu của CDC Mỹ càng nêu bật những gì mà các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đã nhấn mạnh nhiều tháng qua: vắc xin rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca trở nặng và ca tử vong do COVID-19.
"Rất ít hoặc không có triệu chứng", nhờ đâu?
Sự xuất hiện của biến thể lây nhiễm cao như Delta, số "ca nhiễm đột phá" có thể sẽ tăng lên nhưng vắc xin vẫn là vũ khí quan trọng và đáng tin lúc này.
Bác sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh không có vắc xin nào hiệu quả 100%, nhưng phần lớn người đã tiêm đủ vắc xin bị "nhiễm đột phá" do biến thể Delta đều có "rất ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận