01/01/2018 07:54 GMT+7

Không tuyển sinh được, trường nghề sẽ bị giải thể

ĐỨC BÌNH - NGỌC HÀ
ĐỨC BÌNH - NGỌC HÀ

TTO - Bộ Lao động - thương binh và xã hội chọn giáo dục nghề nghiệp là một trong những đột phá của năm 2018.

Sinh viên khoa điện - điện tử hệ cao đẳng nghề một trường cao đẳng tại TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sinh viên khoa điện - điện tử hệ cao đẳng nghề một trường cao đẳng tại TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói:

- Tổ chức ILO trong chương trình việc làm bền vững đã khuyến cáo “Tất cả thanh niên nên được trang bị kỹ năng nghề nghiệp tốt để có việc làm tốt trong tương lai”.

Nghị quyết ĐH XII của Đảng tiếp tục đặt ba khâu đột phá chiến lược: xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống hạ tầng; tập trung phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH xác định việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực - nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - là nhiệm vụ trọng tâm.

Đây là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa mang tính chiến lược. Đó cũng là giải pháp căn cơ để nâng cao năng suất lao động, khắc phục già hóa dân số, đồng thời giải quyết những vấn đề có tính chất nóng bỏng của xã hội là thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là đối với giới trẻ.

Quyết liệt sáp nhập, giải thể

* Chọn giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực đột phá, bộ sẽ đặt trọng tâm ưu tiên vào việc gì để giải quyết những bất cập còn ngổn ngang trong lĩnh vực này?

- Năm 2018, bộ sẽ tập trung cao độ vào việc sắp xếp, rà soát quy hoạch mạng lưới theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Với những nghề, những địa bàn, những trường có chất lượng sẽ duy trì, phát triển.

Ngược lại những trường, trung tâm hoạt động không hiệu quả sẽ kiên quyết sắp xếp lại theo hướng các cơ sở này phải sáp nhập hoặc thậm chí giải thể.

* Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương sắp xếp lại mạng lưới, nhất là việc sáp nhập, giải thể những trường không đảm bảo yêu cầu?

- Thực hiện nghị quyết trung ương 6, bộ sẽ thực hiện sắp xếp các trường trung cấp vào trường cao đẳng. Trước hết là những trường trung cấp có trên 50% số ngành, nghề đào tạo trùng với ngành nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn cấp tỉnh, những trường không đủ điều kiện hoạt động tối thiểu theo quy định...

Về cơ bản, các tỉnh thành, nhất là các tỉnh vùng miền núi, sẽ thu gọn đầu mối, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng.

Về lâu dài, sẽ quy hoạch tiến tới mỗi tỉnh này sẽ chỉ còn lại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô lớn. Một trường cao đẳng có thể có nhiều trường trung cấp, nhiều trung tâm vệ tinh bên trong, đào tạo cả ba trình độ: từ cao đẳng, trung cấp đến sơ cấp.

Riêng với những trường cao đẳng, trung cấp hoạt động không hiệu quả, ba năm liên tiếp tính từ năm 2017 trở về trước tuyển sinh không đạt 50% chỉ tiêu sẽ bị giải thể.

Ngoài ra, tất cả các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề sẽ được sáp nhập thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.

* Việc sử dụng những biện pháp mạnh này sẽ triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống hay vẫn có sự cân nhắc phù hợp với những ngành đặc thù vốn rất cần Nhà nước hỗ trợ, thưa ông?

- Tất nhiên với sự sắp xếp này, Nhà nước sẽ dành tập trung đầu tư một số trường chất lượng cao và trường dành cho các nhóm đối tượng đặc thù.

“Cái yếu của lao động Việt Nam là thực hành và các kỹ năng mềm. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp cần phải giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng rèn luyện kỹ năng. Cần khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình đào tạo như góp ý xây dựng giáo trình, tham gia giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, đến tuyển chọn sinh viên sau tốt nghiệp"

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đẩy mạnh tự chủ

* Được biết, bộ đang đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng nhiều trường lo ngại nếu bị dồn vào thực hiện tự chủ sẽ bị cắt đầu tư và sẽ không thể thích ứng?

- Trong chiến lược đổi mới giáo dục nghề nghiệp, bộ xác định có ba nội dung trọng tâm là chuẩn hóa (đầu ra, đội ngũ...), tăng cường phối hợp nhà trường - doanh nghiệp và đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường.

Thực hiện tự chủ, các trường sẽ được chủ động quyết về bộ máy, lựa chọn giáo viên, giáo trình, chủ động liên kết đào tạo... Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là khoán trắng hay cào bằng. Trường ở đô thị sôi động, có khả năng thu hút học sinh sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn so với trường đóng ở địa bàn khó khăn.

Rồi với các ngành đặc thù như dạy múa, piano, có khi 2-3 trò/thầy hoặc một thầy - một trò thì làm sao đòi hỏi tự chủ ngay được mà Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, đầu tư. Các ngành như hát chèo, tuồng... muốn duy trì truyền thống, Nhà nước cũng phải đầu tư.

Đây là xu hướng cần thực hiện quyết liệt nhưng phải có lộ trình, không phải hôm nay nói tự chủ là ngày mai các trường phải tự lo tất cả. Tùy từng điều kiện cụ thể, có trường tự chủ toàn phần, có trường tự chủ từng phần.

Các em học sinh lớp 9 tìm hiểu ngành nghề tại một trường trung cấp TP.HCM - Ảnh: QUANG PHƯƠNG
Các em học sinh lớp 9 tìm hiểu ngành nghề tại một trường trung cấp TP.HCM - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

* Nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi con số hàng trăm nghìn sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm. Ông lý giải ra sao về con số không vui này?

- Sở dĩ có con số hơn 200.000 cử nhân tốt nghiệp rồi thất nghiệp và thiếu việc làm là vì chúng ta không có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, không dự báo được nhu cầu của thị trường lao động.

Ví dụ nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã xác định sau năm 2020, giáo viên từ bậc mầm non cũng phải đạt trình độ đại học. Đáng lẽ phải dừng đào tạo cao đẳng, trung cấp sư phạm thì các trường vẫn tuyển sinh bình thường.

Chính phủ đã nhận ra điều này. Trong kỳ họp tháng 11 vừa qua, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện chiến lược phát triển và sử dụng nhân lực Việt Nam đến năm 2025.

Phải xác định rõ cần bao nhiêu nhân lực cho ngành sư phạm, ngành y... rồi trong công nghiệp nặng cần bao nhiêu kỹ sư, nguồn cung cho xuất khẩu lao động thế nào.

Để làm được việc này, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận trước Chính phủ nhiệm vụ đánh giá nhu cầu việc làm của người lao động, đặc biệt với học sinh, sinh viên, dự báo cung - cầu thị trường để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, định hướng về việc làm.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT), nhà nước nên cổ phần hóa hoặc khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Phần đào tạo quốc doanh chỉ nên dành cho những vùng sâu, vùng xa, còn các nơi khác để cho tư nhân làm. Cải cách như vậy mới phù hợp với xu thế quốc tế.

Ví dụ như ở Mỹ, năm 2012, trong số 524 tỉ USD dành cho giáo dục nghề nghiệp thì có đến gần 444 tỉ USD (chiếm gần 85%) dành cho đào tạo nghề ở doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Đức Vinh (hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội) cho rằng Bộ LĐ-TB&XH đặt ra mục tiêu 2018 là năm đột phá của giáo dục nghề nghiệp là rất trúng với đòi hỏi về nguồn nhân lực của nền kinh tế hiện nay. 

Giải pháp quan trọng bây giờ là phải tăng cường sự kết nối chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, kể cả đầu ra và trong quá trình đào tạo. Xu hướng đào tạo nghề tất yếu là phải tăng cường thực hành, giảm lý thuyết. Theo tôi, với đào tạo nghề, thực hành phải chiếm 70% trở lên. 

Trường nghề được thuê hiệu trưởng

* Chủ trương của bộ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được thuê hiệu trưởng đang được dư luận quan tâm. Nhưng nhiều người lo ngại nếu triển khai, vận hành nhà trường sẽ phai nhạt đi nhiều màu sắc của một môi trường giáo dục?

- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nghị quyết trung ương 6 đã nói rõ việc giao quyền tự chủ rất lớn cho các trường. Quan điểm của tôi về vấn đề này rất thông thoáng. Trường tự chủ có hội đồng trường có quyền thuê người điều hành như doanh nghiệp. Người được thuê được trả lương theo sản phẩm, theo hiệu quả, năng suất...

Tuy nhiên, dù hội đồng trường là mô hình tốt nhưng thực tế lại đang bị biến tướng. Ở một số nơi, về hình thức chủ tịch hội đồng trường có quyền lực cao nhất, nhưng cuối cùng quyền quyết định lại thuộc về hiệu trưởng. Có trường còn phân công cho trưởng khoa làm chủ tịch hội đồng trường thì làm sao quyết được?

Do đó, tinh thần chung là các trường nghề được thuê hiệu trưởng, miễn đó là người có năng lực và đồng hành cùng hội đồng trường chèo lái hoạt động của trường hiệu quả nhất.

ĐỨC BÌNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên