L.T.H.N. (18 tuổi, cao 1,36m, nặng 36kg) được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh: L.TH.H. |
Tại TP.HCM hiện có một số bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y dược TP, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nguyễn Tri Phương... tiếp nhận khám và điều trị cho trẻ em chậm tăng trưởng. Có trẻ sau khi được bác sĩ khám, xét nghiệm và chỉ định chích kích thích tố (còn gọi là hormone tăng trưởng, nội tiết tố) thì không quay lại tái khám, theo dõi tác dụng phụ như hẹn của bác sĩ mà tự đi mua thuốc về chích cho trẻ ngày này sang tháng khác.
Thấy con thấp bé quá
Chị T. đang làm việc ở một ngân hàng tại TP.HCM có con trai 9 tuổi, cao hơn 1,3m nhưng chị vẫn thấy như vậy là thấp bé so với nhiều trẻ cùng tuổi. Chị dự định đưa con đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để chích hormone tăng trưởng. Theo chị T., việc chích hormone tăng trưởng dù rất tốn kém và điều trị thời gian rất lâu nhưng chị sẵn sàng chi vài trăm triệu đồng vì muốn con trai được cao lớn hơn nữa.
Nhiều tác dụng phụ cần được theo dõi Nhiều nghiên cứu cho thấy chích kích thích tố để tăng trưởng chiều cao tương đối an toàn, tuy nhiên vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ nhất định như trẻ bị đau cơ bắp, có biểu hiện phù thần kinh ngoại biên, đau các khớp xương, nhức đầu (hội chứng giả tăng áp lực nội sọ), tăng bạch cầu trong máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ còn khuyến cáo trẻ phải được theo dõi chức năng tuyến giáp trạng, nếu không sẽ bị suy giáp. Tất cả tác dụng phụ này đều có thể điều chỉnh bằng cách ngưng điều trị hoặc giảm liều thuốc. Theo bác sĩ Trần Quang Khánh, hormone tăng trưởng được tiêm với liều lượng được tính toán tùy theo cân nặng của trẻ. |
Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trung bình một năm tiếp nhận điều trị 20-25 trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Ngày 10-6, tại bệnh viện này có bệnh nhân L.T.H.N. (TP.HCM) đang nằm viện để thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng tìm nguyên nhân chậm phát triển chiều cao để bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp. N. nhập viện ngày 3-6, với chẩn đoán đái tháo nhạt (nước tiểu không có muối, không có đường) làm bệnh nhân suy tuyến yên. Theo mẹ của N., dù đã 18 tuổi nhưng N. chỉ cao 1,36m, nặng 36kg. “Đã dậy thì từ lâu nhưng mỗi năm N. chỉ cao lên chút xíu. Nhìn con bé xíu so với chúng bạn, tôi cứ xót xa. Người bé thế này làm sao có sức khỏe” - mẹ của N. chia sẻ.
Phải có chỉ định của bác sĩ
Theo bác sĩ Trần Quang Khánh - chủ nhiệm bộ môn nội tiết Trường đại học Y dược TP.HCM, tại VN Bộ Y tế chưa đưa ra chỉ định cụ thể về trường hợp nào thì được chích kích thích tố. Do vậy, bác sĩ chỉ định chích thuốc này thường theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết nhi Hoa Kỳ, gồm: trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng, trẻ được chẩn đoán có kích thước nhỏ hơn so với tuổi thai. Chỉ định này thường cho trẻ em sau 4 tuổi có chiều cao không bắt kịp với chiều cao bình thường của trẻ em cùng giới, cùng độ tuổi; trẻ bị hội chứng Turner - một dạng rối loạn nhiễm sắc thể; trẻ chậm tăng trưởng do bị suy thận mãn tính; trẻ chậm tăng trưởng vô căn (không xác định được nguyên nhân).
Khi xác định được nguyên nhân và có chỉ định chích kích thích tố, trẻ sẽ được chích thuốc. Chi phí tiền thuốc một tháng 17-18 triệu đồng tùy cân nặng của trẻ. Thời gian chích thuốc kéo dài 2-4 năm. Nếu đáp ứng thuốc tốt, trong năm đầu tiên trẻ có thể cao thêm 8-12cm. Năm thứ hai mức độ đáp ứng thuốc giảm còn 75% của 8-12cm. Năm thứ ba đáp ứng còn 50%, sau đó mức độ đáp ứng thuốc giảm dần nhưng vẫn tăng chiều cao nếu trẻ được chích kích thích tố đều.
Bác sĩ Quang Khánh cho biết trong quá trình chích kích thích tố trẻ cần tái khám định kỳ để được xét nghiệm, đánh giá việc đáp ứng thuốc cùng những phát hiện kịp thời các tác dụng phụ của thuốc nếu có. Tuy nhiên nhiều trẻ ở các tỉnh xa, phụ huynh thấy con tăng trưởng chiều cao đều sau khi chích thuốc lại không đưa trẻ tái khám mà tự mua thuốc kích thích tố về chích, nên bác sĩ cũng không thể quản lý được. Việc này dẫn đến hậu quả khi có sự cố hay tác dụng phụ cho trẻ sẽ khó xử lý và phát hiện kịp thời.
Phát hiện trễ
Một nghiên cứu của bác sĩ Trần Quang Khánh về thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ em cho thấy trẻ đến khám vì chậm tăng trưởng tương đối muộn. Trẻ nữ được phát hiện chậm tăng trưởng ở độ tuổi 12-13, còn trẻ trai thường ở độ tuổi 10-11, tuy muộn nhưng còn sớm hơn trẻ gái vì cha mẹ quan tâm chiều cao của con trai hơn con gái. Ngoài ra, khi thấy trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, vóc dáng nhỏ bé, thường phụ huynh đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để khám và theo dõi điều trị. Bác sĩ dinh dưỡng có thể điều trị cho trẻ một, hai năm nếu không hiệu quả mới giới thiệu trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết để khám và điều trị.
Việc chậm trễ này làm trẻ lỡ mất khoảng thời gian quan trọng để được điều trị kịp thời. Nếu trễ quá, các đầu xương đã đóng thì việc điều trị không còn hiệu quả, tốn kém và trẻ khó tăng trưởng bằng đứa trẻ cùng tuổi, cùng giới. Trong khi ở nhiều nước, đơn cử như Singapore trẻ được theo dõi sự tăng trưởng từ 0-18 tuổi thì tại Việt Nam mới chỉ theo dõi sự tăng trưởng của trẻ đến 5 tuổi. Do vậy chỉ đến khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, thấy con mình thấp bé phụ huynh mới đưa trẻ đi khám.
Theo bác sĩ Quang Khánh, nếu bị thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần thì trẻ chỉ có chiều cao thấp bé hơn so với người cùng tuổi, cùng giới, còn trí năng vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có sức cơ phát triển kém hơn nên thường hơi yếu trong sinh hoạt thể chất như thể dục thể thao, hoặc các hoạt động nặng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận