09/09/2013 08:40 GMT+7

Không tự học, làm sao tự bước đi?

TRẦN VĂN TÁM (Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

TT - Giật mình vì tiếng cảm ơn!

XoSVKxWc.jpgPhóng to
Học sinh lớp 5A Trường tiểu học An Phú mời thầy xem tập vở - Ảnh: T.V.Tám

Chúng tôi là những cán bộ quản lý giáo dục huyện đến tham quan và học tập tại Trường tiểu học An Phú (Củ Chi, TP.HCM). Thầy hiệu trưởng Lê Văn Bồng mời chúng tôi tham quan lớp 5A của cô Nguyễn Thị Thuận, cô giáo đạt giải Võ Trường Toản năm 2010-2011, tập thể lớp cô đạt thành tích cao phong trào vở sạch chữ đẹp. Chúng tôi được các em học sinh tận tay mời xem tập, tôi nhìn chữ viết của các em gần như nhau. Tôi lên tiếng khen ngợi một em có chữ viết đẹp, em học sinh này cảm ơn và cho biết lớp em có 32 bạn, tháng vừa rồi chữ viết em xếp hạng... 32, tôi nghe hết sức ngạc nhiên. Cô Thuận lên tiếng: “Đúng vậy, chữ em so với các bạn chưa đẹp bằng”.

Đến thăm phòng dạy âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh chúng tôi được các em học sinh làm hướng dẫn viên giới thiệu về hình ảnh, tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới một cách lưu loát, mạch lạc, mạnh dạn và tự tin, mọi người ai cũng thán phục. Chính mạnh dạn đổi mới phương pháp học tập, chú trọng dạy kỹ năng sống cho học sinh nên học sinh phát triển một cách toàn diện, các em biết giao tiếp, ứng xử với người lớn, thầy cô, bạn bè. Điều đó lý giải tại sao Trường tiểu học An Phú luôn là mô hình xuất sắc toàn diện mà ngành giáo dục đào tạo nhiều nơi thường chọn đến tham quan học tập.

Quên mất gần gũi con mình

Tôi xin kể câu chuyện mà tôi từng đọc được: Một cậu bé hỏi bố: “Một giờ bố làm được bao nhiêu USD?” - “100 USD con ạ”. Cậu bé suy nghĩ hồi lâu rồi lại hỏi: “Bố cho con mượn 50 USD được không?” - “Để làm gì vậy con?” - “Vì con đã có 50 USD, mượn thêm 50 USD nữa để trả cho bố. Ngày mai bố cho con xin một giờ để ăn cơm với con nhé. Con rất thích ăn cơm cùng với bố”.

Kể câu chuyện này để thấy lời khuyên của PGS Văn Như Cương: “Hãy làm sao để con nói chuyện, trao đổi, tâm sự... nhiều hơn với người thân trong gia đình” là rất xác đáng. Trong xã hội hiện nay, nhiều phụ huynh lao vào cuộc mưu sinh, kiếm thật nhiều tiền nhưng quên mất việc gần gũi, dạy dỗ, uốn nắn... con em mình. Thế nên nhiều người mới bất ngờ khi phát hiện con mình hư hỏng, chơi bời, sa đà vào những tệ nạn xã hội. Các vị phụ huynh nên nhớ rằng ngoài nhu cầu về vật chất, trẻ cần được lắng nghe, cần được chia sẻ, cần được định hướng để không đi sai đường. Điều này ngoài nhà trường ra, vai trò của các bậc làm cha làm mẹ rất quan trọng.

Bên cạnh đó, tôi cũng thấy ngày nay đa số phụ huynh chỉ sinh từ một đến hai con nên rất chiều con, trẻ muốn gì được nấy. Thế nên chúng chỉ quen “nhận” chứ không quen “cho”. Điều này rất nguy hiểm. Đúng như PGS Văn Như Cương nói, phải giáo dục lòng nhân ái cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ và hãy bắt đầu bằng việc giáo dục trẻ biết quan tâm và yêu thương những người thân trong gia đình. Sau đó là tình yêu thương với đồng loại.

Cuộc sống còn biết bao điều để học?

Những năm gần đây, các trại hè rèn kỹ năng sống, học kỳ quân đội... thu hút khá nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia. Nhiều phụ huynh đã mong chờ sự thay đổi của con em mình sau thời gian tham dự trại bởi các cha mẹ ấy nghĩ rằng con em mình sẽ biết tự lập, biết tự phục vụ, biết quan tâm đến người khác hơn... Thế nhưng phụ huynh càng kỳ vọng thì càng thất vọng vì sau trại hè các cháu có thay đổi nhưng rồi đâu lại vào đấy. Lỗi không phải ở các cháu mà là do người lớn.

Hiện nay đa số gia đình đều ít con nên rất cưng chiều, không cho các cháu làm gì cả. Gia đình có người giúp việc lại càng tệ hại hơn. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều do người lớn làm thay, dần dần các cháu không biết làm gì dù là việc nhỏ. Một học sinh trung học phổ thông hỏi tôi: “Hưng Đạo Vương là vua hay là tướng?” vì em thấy có chữ “Vương”. Bỏ qua sự hụt hẫng về kiến thức lịch sử của em, điều tôi ngạc nhiên là em có thể ngồi cả buổi trên máy tính để vào Facebook, để chat, mail, chơi game... nhưng sao em lại không tự tìm kiếm, học hỏi. Ngay từ nhỏ người lớn đã không tập cho trẻ tự học hỏi. Ở trường thầy cô dạy, còn ở nhà ba mẹ hay giáo viên dạy kèm, thắc mắc gì có người giải đáp. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều cần học hỏi không chỉ có kiến thức sách vở. Nếu không có tính tự học, các em sẽ làm sao khi bước vào đời.

Theo tôi, tự tin - tự trọng - tự lập - tự học hỏi là những điều cần thiết mà người lớn cần phải dạy trẻ để các em có thể tự đứng, tự bước đi trong suốt cuộc đời mình.

____________

Tin bài liên quan:

PGS Văn Như Cương gửi "tâm thư" bàn về cách dạy con

TRẦN VĂN TÁM (Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên