Giữa thung lũng mây xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) có một ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh từ các cụ già đến những em thơ… Nhiều ngày qua, mọi người ở Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn ai cũng vui khi hay tin "chị cả" Cao Thị Kim Mỹ đỗ vào ngành luật Trường đại học Quy Nhơn.
Vào trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp tục được học
Vừa phụ phát cơm, dọn bàn ghế cho mọi người tại trung tâm, đợi đến khi mọi người ngồi ăn ổn định, Mỹ mới lo cho bữa trưa của mình. Có bé gái tầm 6-7 tuổi xới cơm nhưng không chịu ăn, mắt rưng rưng chực khóc, vậy là Mỹ liền đến dỗ dành, ôm em vào lòng.
Mỹ kể lúc mới vào trung tâm, em cũng như các em nhỏ tại đây, đầy bỡ ngỡ, nhớ nhà lại ra sân khóc một mình.
"Em hầu như không nhớ mặt ba vì ông bỏ nhà đi từ sớm, một mình mẹ làm lụng nuôi 6 người con, sau em còn một em trai nữa. Mẹ em cũng mất sớm, em sống ở nhà anh trai. Ban ngày anh lên rẫy trồng keo, trồng sắn, em ở nhà nấu cơm, trông cháu, đôi khi còn giã gạo thuê kiếm ít đồng cho anh đi chợ" - Mỹ kể.
Ngập ngừng một lúc, Mỹ tâm sự rằng: "Lúc mẹ mất, mấy anh em không biết bấu víu vào ai, cứ tự nuôi nhau mà sống. Trong nhà không có gì, toàn bộ áo quần của em là đồ được các đoàn từ thiện cho. Em luôn phải nhịn ăn sáng, có hôm vì đói mà cầm bút cũng run. Lúc đó thích một cái cặp mới, một đôi dép mới nhưng không có được".
Không từ bỏ, cô nữ sinh xé từng trang giấy đóng thành tập để học, sách được thầy cô cho, còn chiếc cặp là bì đựng hồ sơ bằng nhựa.
Biết được hoàn cảnh của Mỹ, cán bộ trong Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn đã đến vận động em vào trung tâm để có cuộc sống tốt hơn. Mới đầu Mỹ rất băn khoăn, nửa muốn đi, nửa lại không vì không nỡ xa anh và các cháu.
"Nhưng lúc đó nhà khó khăn quá, em không muốn làm gánh nặng của anh nên đã đồng ý vào trung tâm. Em muốn vào đây để có thể tiếp tục đi học như các bạn, em biết chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ" - Mỹ nói.
Cô Bo Bo Thị Đào, người quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ tại trung tâm, cho hay vì cùng là người Raglai nên cô có thể hiểu được văn hóa, ngôn ngữ và dễ dàng tiếp xúc với Mỹ. Từ lâu mọi người tại đây đều xem nhau như một gia đình, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện, hoàn cảnh riêng. Trong đó Mỹ là người đặc biệt khi vào trung tâm ở độ tuổi bắt đầu dậy thì, khá nhạy cảm.
"Tôi theo sát từ khi em vào trung tâm đến bây giờ. Những em nhỏ 5, 6 tuổi vào đây ngày đầu các em có thể quấy khóc nhưng mau quên và dễ hòa nhập, còn Mỹ vào đây khi đã 12 tuổi, em ít thể hiện cảm xúc ra ngoài, tuy nhiên chúng tôi hiểu bên trong em luôn có nhiều nỗi buồn.
Hồi mới vào em hay ra một góc sân ngồi thẫn thờ, cả một khoảng thời gian dài em lặng im, rất ít khi nói chuyện vì tủi thân, các thầy cô tại trung tâm phải động viên rất nhiều" - cô Đào cho hay.
"Em chẳng có gì để đền đáp nên chỉ ráng học thật tốt"
"Lúc mới vào sức học của Mỹ không bằng các bạn, người gầy gò, thiếu dinh dưỡng. Vậy là các thầy cô ở trung tâm người thì dạy thêm để em nâng cao kiến thức, rồi còn bổ sung dinh dưỡng cho em. Nhìn em thay đổi qua từng ngày, dần cởi mở, tinh thần học tập ngày càng tiến bộ, chúng tôi rất vui" - cô Đào nói.
Mồ côi, khó khăn, thể chất không được tốt, nhưng Mỹ vượt qua tất cả để sống và học. Mỹ vừa trúng tuyển vào ngành luật của Trường đại học Quy Nhơn. "Những người làm công tác nuôi dạy, giáo dục trẻ ở đây không có gì hạnh phúc hơn khi các em đạt được những thành tích, kết quả tốt trong học tập. Việc Mỹ đỗ vào trường em yêu thích làm chúng tôi cũng vui lây" - cô Đào tâm sự.
Theo cô Nguyễn Trần Thúy Vân - giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn, tại trung tâm đang chăm sóc 26 người (12 người lớn và 14 trẻ em). "Những bé ở đây chịu nhiều thiệt thòi và kém may mắn. Việc Mỹ đỗ vào đại học là niềm vui của mọi người tại trung tâm và cũng là động lực để các em nhỏ noi theo" - cô Vân nói.
Ngước nhìn cô Đào, cô Vân, Mỹ bẽn lẽn nói rằng từ lâu em đã xem các thầy cô ở đây như những người mẹ, người chị. "Lúc em bị ốm, sốt, người nấu những chén cháo, mua từng bì thuốc luôn là các cô. Nếu ở ngoài, em phải tự lo vì không có ai quan tâm. Em chẳng có gì để đền đáp công ơn này nên chỉ ráng học thật tốt, để sau này có thể quay lại giúp các em nhỏ tại đây.
Các cô còn dặn ra ngoài đó có gì khó khăn cứ gọi điện về, nhưng em sẽ cố vượt qua, chứ gọi về sợ nhớ mọi người rồi khóc mất. Em sẽ đi làm thêm với đăng ký ở ký túc xá để giảm bớt tiền sinh hoạt phí" - Mỹ dự định.
Mỹ cũng tâm sự rằng lý do em chọn ngành luật không chỉ vì muốn hiểu rõ hơn về luật pháp hay làm một nữ luật sư, bảo vệ cho lẽ phải, mà quan trọng hơn là phổ biến những quy định cho người dân tại huyện miền núi còn khó khăn như Khánh Sơn.
Cô Thúy Vân cũng trăn trở là theo quy định của Nhà nước, các em ở trung tâm khi đỗ đại học, cao đẳng sẽ được hỗ trợ, nuôi đến năm 22 tuổi, sau đó làm thủ tục cho các em ra khỏi trung tâm. Nhưng số tiền hỗ trợ như trường hợp của Mỹ chỉ 1,6 triệu/tháng, sẽ rất khó khăn để em trọ học, sinh hoạt, mua giáo trình, bút sách…
"Dù kinh phí không đủ nhưng chúng tôi cũng sẽ cố để hỗ trợ thêm cho các em, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay vì những hoàn cảnh đặc biệt này" - cô Vân nói.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận