28/01/2008 05:04 GMT+7

Không tôn trọng bản quyền, sẽ không có tác phẩm

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Tại hội thảo về tác quyền âm nhạc diễn ra chiều 25-1 do Trung tâm Nghiên cứu VN - Đông Nam Á tổ chức tại ĐH KHXH&NV TP.HCM, giáo sư Koji Domon, Đại học Waseda (Nhật Bản), tỏ ra "hết sức ngạc nhiên" về tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra nghiêm trọng.

tT873Oit.jpgPhóng to

Những thảo luận tại hội thảo sẽ được bổ sung vào đề tài nghiên cứu khoa học của các vị giáo sư Nhật Bản (ảnh) về tác quyền âm nhạc tại VN - Ảnh: Phạm Thành Nhân

TT - Tại hội thảo về tác quyền âm nhạc diễn ra chiều 25-1 do Trung tâm Nghiên cứu VN - Đông Nam Á tổ chức tại ĐH KHXH&NV TP.HCM, giáo sư Koji Domon, Đại học Waseda (Nhật Bản), tỏ ra "hết sức ngạc nhiên" về tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra nghiêm trọng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trả lời Tuổi Trẻ trong buổi hội thảo, GS Koji Domon cho biết Nhật Bản rất coi trọng bản quyền tác phẩm, không chỉ riêng âm nhạc mà trong tất cả mọi lĩnh vực. Khi phát hiện một vụ vi phạm bản quyền, chính quyền Nhật phạt tiền rất nặng, kể cả bỏ tù người vi phạm. Ông nêu trường hợp tác giả của phần mềm chia sẻ file nhạc trên Internet đã bị bắt giữ và phạt tù cách đây hai năm như một ví dụ điển hình.

Phương châm của người Nhật: "Nếu bản quyền không được tôn trọng, sẽ không có tác phẩm", các nhạc sĩ có tác phẩm ăn khách luôn là những người giàu và sống được với nghề.

Ca sĩ trẻ bắt tay với trùm đĩa lậu!

Ca sĩ Hiền Thục không giấu sự xót xa khi các sản phẩm âm nhạc bị sao chép bất hợp pháp. Cô nói: "Một nghệ sĩ phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để phát hành được một album. Nhưng chỉ vài giờ sau album ấy đã có trên thị trường đĩa lậu. Chuyện bị thất thu có thể là chuyện nhỏ vì dù sao đĩa nhạc bán được nhiều thì nghệ sĩ cũng đạt được mục tiêu quảng bá tên tuổi. Nhưng khi chép lậu, chất lượng album giảm đi đáng kể mới là điều đáng buồn".

Tình trạng ca sĩ trẻ bắt tay với các trùm đĩa lậu cũng được đưa ra phân tích như một thực trạng đáng báo động. Ngày càng có nhiều ca sĩ (kể cả những người có chút tên tuổi) sẵn sàng hợp tác với đầu nậu băng đĩa lậu để tung sớm một số tác phẩm ra thị trường này nhằm quảng bá cho album sắp phát hành. Những ca sĩ vô danh còn tiến xa hơn qua việc hợp tác toàn phần với người làm đĩa lậu nhằm mục tiêu giới thiệu được mình với công chúng. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp chỉ ra một điểm bất ngờ: ca sĩ trẻ đưa tác phẩm, đưa đĩa trắng, trả tiền cho các đầu nậu để tác phẩm mình trình bày được chép chung với những ca sĩ đang "hot" khác và tiêu thụ trên thị trường.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh - người quản lý của ca sĩ Hồ Ngọc Hà - lại chỉ ra một sự vi phạm bản quyền theo anh là rất nguy hiểm nhưng ít được chú ý là vi phạm bản quyền ghi âm. "Một ca sĩ - anh nói - mua một ca khúc, trả tiền cho nhạc sĩ sáng tác rồi mang đi hòa âm, trả tiền hòa âm, ra đĩa. Khi một đơn vị khác sử dụng tác phẩm này, kỳ lạ là lại chỉ phải trả tiền cho nhạc sĩ sáng tác mà không trả tiền cho nhạc sĩ hòa âm. Kỳ lạ là chính nhạc sĩ hòa âm cũng không biết bảo vệ quyền lợi của mình, cũng không ai bảo vệ cho họ cả”.

Tác giả, ca sĩ... phải biết tự bảo vệ mình

"Phải thay đổi nhận thức của mọi người về vấn đề tác quyền". Đó chính là yếu tố quan trọng nhất đồng thuận trong cuộc hội thảo. Tuy nhiên, đây là công việc phải làm thường xuyên trong thời gian dài. Phải hướng dẫn cả những đứa trẻ để các em có thể được như nước ngoài - cảm thấy xấu hổ khi cầm trên tay một album sao chép.

Ở VN dễ dàng mua một đĩa lậu giá năm bảy ngàn đồng, so với việc bỏ vài chục ngàn cho đĩa có bản quyền. Trước mắt, cần chấn chỉnh lại hệ thống hành pháp để tránh tình trạng mỗi khi các hãng băng đĩa, nghệ sĩ than trời vì nạn sao chép đĩa, download nhạc vô tội vạ thì cơ quan chức năng chỉ nói một tiếng "khó” là xong. Chúng ta không thiếu luật, chỉ thiếu người nghiêm túc thực thi pháp luật.

Không thể thụ động chờ đợi. Chính các tác giả, ca sĩ, hãng đĩa phải biết tự bảo vệ mình. Các nhạc sĩ như Tuấn Khanh, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Huy Tuấn hiện nay chỉ đồng ý giao tác phẩm khi người sử dụng trả phí tác quyền trên số lượng album phát hành chứ không nhận tiền một lần theo giá ấn định. Theo các anh, việc nhận phí trên số lượng phát hành là cách tính công bằng hơn cho mọi bên vì nếu ca sĩ phát hành album với số lượng ít thì sẽ không phải trả phí quá cao để có quyền sử dụng tác phẩm.

GS Nakamura cho biết: Nhật Bản có thể làm tốt chuyện bản quyền bởi ở Nhật các nghiệp đoàn do nghệ sĩ, tác giả tự lập ra, các hiệp hội ghi âm hoạt động rất mạnh và hiệu quả để bảo vệ hội viên của mình. Nhạc sĩ Hà Quang Minh đề nghị Hiệp hội Ghi âm VN cần được giao chức năng và quyền hạn để hoạt động như một nghiệp đoàn nghề nghiệp thật sự.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự hợp tác sâu rộng sẽ không còn chỗ cho những hành vi vi phạm pháp luật hay những cách hành xử "ao nhà”. Gia nhập WTO, khi các đơn vị phát hành nhạc quốc tế đang tiến vào thị trường VN, chúng ta sẽ phải "chơi đúng luật" và phải sẵn sàng thay vì đợi nước đến chân mới lúng túng tìm cách giải quyết.

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên