Anh Nguyễn Đình Tùng (hải đăng Hòn Khoai) cho biết phải “chia” khẩu phần ăn cho khỉ khi khỉ mẹ làm rơi con lúc vào phá vườn mận - Ảnh: T.Trình |
Đàn khỉ (được cho là hàng ngàn con) do một doanh nghiệp được phép thả nuôi thí điểm trên hòn đảo này cách nay hơn năm năm để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, khi lãnh đạo tỉnh có công văn yêu cầu thu hồi đàn khỉ thì vấn đề gần như nan giải, bởi khó lòng bắt được số lượng khỉ quá lớn trong môi trường hoang dã.
Trộm trứng, cướp cơm
“Mấy bữa trước nhà thằng T. nấu cơm chưa kịp ăn thì cả bầy khỉ kéo đến rinh nguyên nồi cơm ra rừng. Tụi nó vừa đi vừa bốc cơm ăn thấy mắc cười lắm” - bà N., sinh sống trên đảo Hòn Khoai, kể về tình trạng bầy khỉ đang quậy tưng trên hòn đảo được xem là lớn và hoang sơ nhất tỉnh Cà Mau này.
“Mình đuổi theo thì nó chạy, đứng lại thì nó cũng đứng lại. Mình nhảy thì nó nhảy, vừa tức mà vừa thương” - chị T., bán hàng nước gần cảng Hòn Khoai, nói bầy khỉ có mặt trên đảo rất đông. Chúng hay “phục kích” trên các tán cây ở mé rừng để theo dõi động tĩnh của chủ nhà mà quậy phá.
Không chỉ khu vực cảng Hòn Khoai mà hầu như nhiều nơi trên đảo đều bị khỉ đến quấy phá. Anh Nguyễn Đình Tùng, cán bộ công tác tại trạm hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai, cho biết nhiều lúc anh em tại trạm phải luân phiên canh phòng bầy khỉ vào trộm phá.
Các cán bộ trên trạm hải đăng Hòn Khoai kể không thể cứ phải thức canh bầy khỉ, đơn vị này tăng cường thêm chó để làm cảnh giới trước “giặc” khỉ. Không ngờ thừa lúc không có người chú ý, bầy khỉ đã dụ đám chó ra rừng và... ẵm một con kéo lên cây cao rồi thả xuống.
Từ đó, đám chó lại đâm ra “ngán” bầy khỉ mưu mẹo. Được thế, khỉ lại ngày càng tiến sâu vào khu sinh hoạt của anh em trạm hải đăng. “Nó canh mình, mình canh nó. Mình đi ngủ là nó vô trộm chẳng chừa thứ gì, từ dầu ăn, nước mắm đến quần áo cũng bị chúng lục tứ tung...” - anh Tùng kể. Mấy tháng trước, bầy khỉ vào bẻ mận dưới chân tháp hải đăng, bị rượt đuổi khỉ mẹ làm rơi khỉ con lại rồi tháo chạy vào rừng.
“Nhiều lúc mình nghĩ bắt được sẽ đánh cho một trận. Nhưng lúc bắt được nhìn mặt nó thấy tội nghiệp rồi lại thôi” - một cán bộ đồn biên phòng 700 đóng chân trên đảo Hòn Khoai nói. Doanh trại này cũng không ít lần bị khỉ kéo vào phá phách.
Vườn rau, cây ăn trái trồng chưa kịp ăn là bị bầy khỉ đến bình địa. Ban đầu chúng rất dạn dĩ khi “xông pha” vào phá phách nơi ở của con người, nhưng khi một vài con trong đàn bị bắt nhốt để “thị uy” thì đàn khỉ trở nên dè dặt để đối phó.
Thiếu tá Đoàn Minh Hoàng (đồn biên phòng 700) kể không chỉ rau màu, cây trái bị khỉ phá, mà ngay cả gà vịt đẻ trứng cũng bị chúng vào ăn cắp.
“Mình thấy nó cặp nách trứng gà vừa thấy giận nhưng cũng thấy tội nghiệp. Có lẽ khỉ đói quá nên buộc phải đi ăn cắp chứ không còn cách nào khác” - ông Hoàng kể.
Đàn khỉ khổng lồ
Tháng 9-2009, UBND tỉnh Cà Mau có công văn chấp thuận cho Công ty TNHH Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) thực hiện dự án đầu tư du lịch sinh thái, kết hợp gây nuôi động vật hoang dã và vườn thú du lịch trên cụm đảo Hòn Khoai phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Theo tinh thần chủ trương này, Công ty Hải Đăng được phép thả một số loài động vật về môi trường hoang dã trên cụm đảo này, phù hợp với môi trường sinh thái và quy hoạch của tỉnh.
Theo biên bản kiểm tra của Hạt kiểm lâm Hòn Khoai hồi tháng 5-2010, số khỉ đuôi dài mà Công ty Hải Đăng thả nuôi thí điểm tại Hòn Khoai là 2.840 con, trong đó có 256 khỉ đực.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Quý, giám đốc Công ty Hải Đăng, cho biết hiện tại số lượng khỉ trên đảo Hòn Khoai còn ít nhất trên 1.000 con, chưa kể số khỉ sinh sản sau thời gian thả ra môi trường hoang dã.
Ông Lê Văn Hải, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết do lo ngại ô nhiễm môi trường, tháng 7-2013 UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Công ty Hải Đăng kết thúc việc nuôi thí điểm và thu gom, di dời đàn khỉ ra khỏi đảo Hòn Khoai.
Ông Trần Quý cho biết Công ty Hải Đăng đã tổ chức đặt bẫy để bắt khỉ trên đảo Hòn Khoai dời qua đảo Hòn Sao gần đó không có người ở. Tuy nhiên, vất vả lắm cũng chỉ bắt được vài chục con, vì sau khi tốp khỉ đầu tiên bị sa bẫy, số khỉ còn lại rút vào rừng sâu và không bị mắc bẫy nữa.
Việc thu gom trên 1.000 con khỉ tại Hòn Khoai vì vậy đã không được tiếp tục. Cũng theo ông Quý, việc duy trì đàn khỉ trên đảo sẽ rất tốt khi triển khai xây dựng dự án du lịch sinh thái ở đảo Hòn Khoai.
Ông Hải cho biết thêm tháng 8-2015, UBND tỉnh Cà Mau một lần nữa có văn bản nhắc nhở Công ty Hải Đăng tiếp tục thu gom dứt điểm đàn khỉ trong quý 3-2015. Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cũng mời ông Trần Quý đến cam kết tìm mọi biện pháp thu gom dứt điểm số lượng khỉ còn lại trên đảo. Tuy nhiên, việc thu gom không đạt hiệu quả.
Một cán bộ đồn biên phòng 700 Hòn Khoai cho biết từ khi có con khỉ đầu tiên bị đặt bẫy bắt, đàn khỉ rút vào rừng. Khi đói, mỗi đàn chỉ “cử” một con khỉ đầu đàn tiếp cận với nơi sống của con người để trinh sát. Nếu không có động tĩnh thì từng tốp khỉ mới kéo đến tìm thức ăn.
Thiếu tá Hoàng cho rằng từ khi đàn khỉ có mặt trên Hòn Khoai, các cơ quan đứng chân trên đảo có “phiền phức” hơn nhưng cũng vui vui. Theo ông Hoàng, nên duy trì số lượng khỉ ở đảo trên cơ sở bảo đảm cân đối nguồn thức ăn.
Vì số lượng khỉ trên đảo quá đông so với diện tích trên 4km2 của cụm đảo Hòn Khoai nên việc khan hiếm nguồn thức ăn cho khỉ là không tránh khỏi.
Trong hoàn cảnh đó, khi việc thu hồi đàn khỉ gần như nan giải thì sự sinh sôi của chúng khiến đàn khỉ vốn đã khổng lồ càng thêm đông đúc. Dĩ nhiên khi đói, theo bản năng, chúng lại tìm đến nơi ở của con người.
Nhường thức ăn cho khỉ Anh Nguyễn Đình Tùng, cán bộ công tác tại trạm hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai, kể từ lúc tóm được khỉ con, anh em hải đăng lại phải… nhường khẩu phần ăn cho nó. “Mấy tháng nay con khỉ này uống của tụi tui mấy thùng sữa rồi”, nách con khỉ đang uốn éo trên tay, Tùng nói anh em hải đăng nuôi được con khỉ đâm ra lại… đỡ buồn. Bầy khỉ thấy có một con bị bắt thì cũng “tâm trạng”, không dám táo tợn đột nhập vào khu nhà như trước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận