15/10/2024 07:51 GMT+7

Không tiền vô đại học, nữ sinh chọn cao đẳng: Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’

Có lẽ với người khác, ăn bữa cơm đủ đầy cơm canh rất đỗi bình thường, đó lại là ước mơ của cô bé nghèo vùng quê Hậu Giang muốn dành cho cha mẹ mình.

Thực hiện: LAN NGỌC - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - TÔN VŨ

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 1.

Điều kiện học tập thiếu thốn nhưng điều đó không làm chùn bước tiến đến giảng đường của Hồng Nữ - Ảnh: LAN NGỌC

Tân sinh viên Phan Hồng Nữ (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đắn đo mãi quyết định chọn đăng ký học hệ cao đẳng, vì không có tiền học hệ đại học.

Làm lúa cả mùa dư... 3 triệu đồng 

Trời mưa, căn nhà ọp ẹp che tạm bằng những miếng cao su thay cho vách lá cũ trống hoác là nơi ở của gia đình Phan Hồng Nữ - tân sinh viên ngành hướng dẫn du lịch của Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ hơn chục năm qua.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 2.

Đường vào nhà không bằng phẳng bao nhiêu, ý chí vượt khó của Phan Hồng Nữ càng mạnh mẽ bấy nhiêu - Ảnh: LAN NGỌC

Trên nền đất lởm chởm, bà Võ Thị Cẩm Hồng (58 tuổi, mẹ Hồng Nữ) bước từng bước rệu rạo đón khách bởi chân trái bị đau khớp gối. Thấy khách ghé nhà, mẹ Hồng Nữ chặt sẵn trái dừa tươi đãi khách rồi mời chúng tôi ngồi xuống ngay trên… cái giường ngủ, bởi nhà không có bàn ghế tươm tất gì cả.

Bà Hồng kể, bệnh này chưa hết thì bệnh khác lại kéo tới cùng lúc. Cách đây 4 năm bà phát hiện mình bị bệnh tiểu đường. Hằng tháng bà tới bệnh viện huyện lãnh thuốc về uống. Rồi mấy nay chân trái sưng đau cứ tái đi tái lại không hết nên bà không đi làm thuê được nữa.

"Trước đó tôi nhận cạo vỏ hạt điều thủ công. Nếu làm không nghỉ tay thì được khoảng 2-3kg/ngày. Sau khi cạo sạch vỏ hạt điều thành phẩm, tôi chở đến giao lại cho chủ vựa thì được trả 9.000 đồng/kg. Ngày nào không có hàng làm, hai vợ chồng tôi trồng lúa, mò cua bắt ốc bán phụ thêm…", bà Hồng nói.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 3.

Hồng Nữ luôn hiếu thảo chăm sóc và phụ giúp mẹ khi không có giờ học ở trường - Ảnh: LAN NGỌC

Dừng tay vô mồi mấy cái trúm bắt lươn, ông Phan Văn Chợ (62 tuổi, cha Hồng Nữ) tiếp lời nói về gia cảnh. 12 năm qua gia đình ông ở căn nhà lá được cất trên nền đất mà người cậu Chín cho ở đậu không lấy tiền. Ngày đó, hai vợ chồng ông ra riêng cũng túng quẫn không có tài sản gì giá trị.

Về sau vợ chồng ông thuê được 6 công đất ruộng trồng lúa. Tiền thuê đất là 18 triệu đồng/năm. Thu hoạch vụ vừa rồi, trừ hết chi phí phân thuốc, thuê cắt lúa và vác lúa ra bờ kênh bán cho thương lái thì gia đình ông lời khoảng 3 triệu đồng.

Ngày nào không ra đồng, ông Chợ đi đặt trúm bắt lươn về bán. Sáng sớm ông chở theo hơn 20 cái trúm lươn đã vô sẵn mồi rồi rong ruổi chạy đi tìm mấy mương vườn của người ta rồi xin vô đặt.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 4.

Đi học về, Hồng Nữ giúp cha đặt trúm bắt lươn - Ảnh: LAN NGỌC

"Có chủ vườn thấy tôi nghèo khổ, mình xin vô đặt trúm là họ cho liền, nhưng cũng có mấy vườn đang gần mùa thu hoạch trái cây thì chủ vườn không cho vô. Chỗ này không cho thì tôi chạy xa một chút tìm chỗ khác xin, có khi chạy hơn 10km để tìm. Đặt trúm lươn cũng tùy hôm, có bữa trúng bữa thất với số tiền bán lươn khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Gia đình ráng gói ghém lắm nhưng cũng không đủ vì phải nặng gánh với khoản nợ 50 triệu đồng", ông Chợ thở dài nói.

"Hai vợ chồng tôi dốt lắm, không biết chữ. Điều ao ước nhất bây giờ là muốn đứa con gái út được đi học tiếp đừng để nó dốt như mình…", bà Hồng trải lòng. 

"Biết thân phận", Nữ chọn học cao đẳng cho đỡ chi phí

Ngày lên Cần Thơ nhập học, Hồng Nữ chở theo vài ký gạo và trái bí đỏ mà mẹ chuẩn bị sẵn cho một tuần ăn. Hồng Nữ chia sẻ, thuê được phòng trọ ở ghép với bạn khác cho đỡ tiền trọ, có sẵn gạo và bí đỏ chỉ mua thêm ít thịt để nấu ăn, miễn sao no bụng đi học là được.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 5.

Hồng Nữ cũng tháo vát, làm công việc nhà cho cha mẹ - Ảnh: LAN NGỌC

Trong căn nhà thiếu trước hụt sau tối om chỉ có ánh sáng leo lét của cái bóng đèn được treo phía trước nhà, Hồng Nữ được người ta tặng cho bàn học cũ, thế là bạn để ngay trước nhà để có ánh sáng học bài. Cái bàn cũ kỹ nhưng lại giúp cho cô bé nghèo có chỗ ngồi học bài, đọc sách nuôi ước mơ đến trường.

Hồng Nữ nói: "Có bữa đang ngồi học mà mưa tầm tã tạt vô, mình lẹ tay ôm hết tập sách vô người đem cất hết. Rồi phụ cha kéo căng thêm mấy miếng cao su che chắn đỡ mưa dột vào nhà. Hết mưa, mình lấy tập sách ra học tiếp, hoặc có khi thức khuya vừa yên tĩnh vừa dễ học. Gạt qua khó khăn, mình ráng học mới mong có ngày mai tươi sáng hơn". 

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 6.

Cô tân sinh viên quê Hậu Giang thường ra đồng phụ giúp cha - Ảnh: LAN NGỌC

"Lúc học lớp 10, mình định nghỉ học đi làm, dành dụm tiền sau khi đủ tiền sẽ quay lại học tiếp. Nhưng cha mẹ và anh hai khuyên, tía nói dù có vay mượn cũng ráng để mình được học", Hồng Nữ trầm giọng nói về ý định của mình.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Hồng Nữ quyết định chọn đăng ký vào hệ cao đẳng thay vì đại học để đỡ chi phí và rút ngắn thời gian tốt nghiệp ra trường. Hồng Nữ chia sẻ thêm, cô muốn sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, tạo ra đồng tiền từ lao động trí óc.

Tân sinh viên PHAN HỒNG NỮ

Cha mẹ chịu cực khổ để đổi cho tôi được đi học. Sau khi ra trường, tôi quyết tâm kiếm tiền bằng con chữ và khả năng của mình để cho cha mẹ ít nhất có được một bữa ăn có cơm canh đầy đủ, một mái nhà lành lặn, không phải chịu cảnh nhà dột cột xiêu nữa.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 7.

Hồng Nữ quyết dùng con chữ để mái nhà em không còn dột, cột không còn xiêu nữa - Ảnh: LAN NGỌC

Thầy Lê Văn Thịnh - giáo viên chủ nhiệm của Hồng Nữ - cho biết gia đình cô thuộc diện hộ cận nghèo. Khi biết gia cảnh, nhà trường cũng có hỗ trợ trong việc miễn giảm học phí cho Nữ. Hồng Nữ là học sinh có năng lực học tập tốt, lại rất chăm ngoan, lễ phép với thầy cô. "Tuy hoàn cảnh khó khăn, em có ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo rất cần được tiếp sức đến trường".

Từ 10 tuổi đã biết chăm sóc bà ngoại

Cứ đều đặn mỗi chiều tối, Hồng Nữ chạy sang nhà ngoại, lo cho bà bằng những việc đơn giản nhỏ nhặt của một đứa trẻ 10 tuổi như bưng nước uống, lấy trái cây hay bánh cho bà ăn.

"Giờ lớn rồi, tôi giúp ngoại nấu nước, lấy thuốc uống đúng giờ, trò chuyện và nghe ngoại kể chuyện nữa. Ngoại hơn 80 tuổi không làm ra tiền mà hay cho tôi ít tiền đi học, nhưng tôi không lấy. Năm ngoái, ngày ngoại mất, tôi khóc nhiều lắm bởi sẽ không còn được nghe ngoại kể chuyện và tâm sự nữa…", Hồng Nữ nghẹn giọng nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 8.

Không tiền học đại học thì học cao đẳng: ‘Muốn ‘kiếm cho cha mẹ bữa cơm canh đầy đủ’ - Ảnh 9.Ở trọ long đong không được vay tiền, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc

Kể từ ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Trần Thị Thảo Nguyên - tân sinh viên Trường đại học Kiên Giang - đi xin vay vốn để đóng học phí nhập học, nhưng không đủ điều kiện. Mẹ con bà cháu ôm nhau khóc sướt mướt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên