29/12/2016 11:08 GMT+7

Không tiền mua quà biếu, có nên về quê đón tết?

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Tết là dịp những người con xa xứ muốn tìm về với quê hương. Tuy nhiên, gánh nặng về quà biếu cho những người bà con trong dòng tộc luôn là nỗi lo sợ cho bất kể ai có gia cảnh còn khó khăn.

Bài viết dưới đây của bạn đọc Phan Tuyết nói lên nỗi niềm của những người con xa quê mỗi độ xuân về.

"Tết là thời gian những người con xa xứ muốn tìm về với quê hương bởi nơi ấy có người thân, có mẹ già ngóng đợi, có tuổi thơ gắn liền biết bao kỷ niệm vui buồn một thời không dễ gì quên được. Nỗi nhớ cứ da diết, khắc khoải nên niềm khao khát được đoàn viên với gia đình trong mỗi người luôn cháy bỏng.

Dù thế, không phải ai cũng có thể toại nguyện bởi không đơn giản chỉ kiếm đủ tiền tàu xe, đi vài ngày đường là đặt chân tới mảnh đất quê hương yêu dấu.

Gánh nặng về tiền quà biếu cho những người bà con trong dòng tộc luôn là nỗi lo sợ cho bất kể ai có gia cảnh còn khó khăn. Nhiều người đã không dám về quê chỉ vì điều này.

“Nếu về mà không có chút quà cáp biếu hai bên nội ngoại, biếu bà con chòm xóm thân quen thì đừng nên về, mệt mỏi lắm con ơi!” - những lời dặn dò, nhắc nhở ấy đã trở thành câu nói quen thuộc với rất nhiều người.

Chuyện người đi xa về phải đến thăm từng gia đình bà con (theo thứ bậc) đã trở thành thông lệ bắt buộc từ xưa đến nay ở các vùng quê.

Con cháu ở xa về phải đi thăm cô dì, chú bác trong dòng họ. Mà đi thăm ắt phải có quà, sao có thể đi tới bằng tay không? Mỗi gia đình chỉ biếu quà ít nhất hơn trăm ngàn nhưng vài chục gia đình như thế số tiền chi ra cũng đâu phải nhỏ. Rồi tiền mừng tuổi tết người già, cháu chắt, trẻ con hàng xóm…

Có gia đình về quê ăn tết, tiết kiệm lắm cũng đi đứt vài chục triệu đồng. Gia đình khá giả chi mạnh tay hơn cũng ngót nghét dăm chục triệu đồng trở lên.

Có chị kể, vì nhớ gia đình quá nên tết cũng thu xếp về quê, không có quà biếu chẳng dám đi đến đâu. Thế là khi chị đi rồi, bao búa rìu dư luận lại trút xuống đầu ba mẹ chị. Nào là họ hàng chê bai “Bao năm xa quê về nhà chẳng ai được cái kẹo gọi là”, nào là “Tưởng sống trong Nam là sung sướng lắm cơ, chứ ai dè…”.

Rồi họ so sánh với con nhà này, cháu nhà kia đã biếu quà gì, mừng tuổi bao nhiêu, họ khen “Nhà ấy thế mà có phúc, con cái giàu sang biết chuyện làm nở mày nở mặt cha mẹ. Ai như con cháu nhà mình”…

Chị nói mình đi chẳng nghe dân làng bàn tán nhưng ba mẹ lại là người khổ nhất bởi hằng ngày luôn phải hứng chịu bao tiếng dè bỉu, chê bai của mọi người. Vì chuyện này, có bà mẹ dù rất nhớ con cũng phải nhắn gửi "Nếu không lo được tiền quà biếu mọi người, con cũng đừng nên về mệt mỏi lắm”.

Cũng có không ít người chấp nhận cảnh sống trên dư luận để về đoàn viên cùng gia đình vào dịp tết. Họ nói “Ai nói gì thì mặc, mình về thăm bố mẹ là vui rồi”.

Gánh nặng về chuyện quà tết làm thui chột lòng khát khao, niềm khắc khoải và ngăn cản những bước chân hăm hở về quê ăn tết của bao người. Nhiều người cứ ước ao, giá ai ai cũng đừng quá quan trọng chuyện quà biếu thì sẽ vui và hạnh phúc biết chừng nào!  

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, việc quà cáp biếu xén có phải là căn bệnh "sĩ" của người Việt? Làm cách nào để vừa khỏi mất nhiều tiền mua quà cáp cho bà con dòng tộc mà không phải hứng chịu bao tiếng dè bỉu, chê bai của mọi người?

Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến [email protected]

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên