TTCT - Tiền mặt sẽ không còn là vua, nhưng vẫn ở lại trong "vương quốc thanh toán" với vai trò thấp hơn, chứ "cựu vương" không nhất thiết phải lưu đày viễn xứ. Quét mã để thanh toán tại một cửa hàng rau quả ở Trung Quốc. Ảnh: AFPDù gốc gác là dùng trong tài chính, để so sánh vai trò với các hình thức đầu tư như vàng hay chứng khoán, cụm từ tiền mặt là vua (cash is king) vẫn được nhắc theo nghĩa rộng hơn trong các thảo luận về tương lai không tiền mặt. Tiền mặt sớm muộn gì cũng sẽ mất ngôi vua, lùi lại phía sau cho những phương thức thanh toán tiện lợi và an toàn hơn. Nhấn mạnh là lùi lại chứ không biến mất hoàn toàn.Đại dịch COVID-19 là một cú hích mạnh mẽ cho thanh toán không tiền mặt, nhưng ngay sau đó, các chính phủ và nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng thúc đẩy tương lai không tiền mặt không thể bỏ qua một điều không kém quan trọng: bảo vệ, hỗ trợ những người, dù muốn dù không, vẫn chưa thể cùng lên chuyến tàu tới tương lai không tiền mặt."Đầu tàu" còn phải "rà thắng"Trung Quốc - với câu chuyện người ăn xin cũng có QR từ hơn 5 năm trước - luôn được xem là quốc gia mạnh mẽ nhất trong việc phi tiền mặt hóa. Vậy mà, dù đang trên đường băng băng về đích, Bắc Kinh cho thấy họ đang chậm lại tiến trình chuyển dịch sang xã hội không tiền mặt, vì nhiều vấn đề không thể coi nhẹ.The Guardian đưa tin cuối tháng 4, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp mới để "giúp thanh toán bằng tiền mặt thông suốt hơn", chủ yếu để hỗ trợ du khách và cả người trong nước vốn gặp rắc rối với hai ứng dụng thanh toán điện tử hàng đầu nước này là Alipay và WeChat Pay.Liu Yau-li, với 18 năm kinh nghiệm đưa khách nước ngoài đến Trung Quốc, giải thích với The Guardian: tải một trong hai app nói trên là chuyện nhỏ; cái khó là đăng ký sử dụng - phải có tài khoản ngân hàng Trung Quốc hoặc hoàn thành quy trình xác thực nhân thân phức tạp để app chấp nhận liên kết tài khoản từ nước ngoài (nếu chính ngân hàng ngoại quốc đó cho phép).Ngay cả người Trung Quốc trong nước cũng gặp khó, khi không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ rành công nghệ. "Trung Quốc là một trong những quốc gia ứng dụng thanh toán không tiền mặt hàng đầu nhưng tỉ lệ thâm nhập thị trường [của các giải pháp thanh toán điện tử] chưa phải là 100%" - Sara Hsu, phó giáo sư Đại học Tennessee, nhận định.Theo Hsu, người lớn tuổi vẫn thích dùng tiền mặt hơn và nhiều người vẫn còn loay hoay với thanh toán di động. South China Morning Post hồi tháng 2 dẫn lời các quan chức ngân hàng trung ương cho biết hơn 75% người cao tuổi ở Trung Quốc dùng tiền mặt thường xuyên - và tỉ lệ ở nông thôn lên tới 80,4%.Chưa đầy một năm trước, truyền thông trong nước còn hân hoan khi Trung Quốc băng băng trên con đường trở thành quốc gia hàng đầu về giao dịch không tiền mặt. Tân Hoa xã khi đó cho biết tỉ lệ lưu hành tiền mặt đã giảm xuống chỉ còn 3,7%. Nhưng những năm đầu 2024, chính phủ lại ban hành một loạt biện pháp để giúp người lớn tuổi và du khách nước ngoài thanh toán thông suốt.Thanh toán không tiền mặt ở Bắc Kinh. Ảnh: AFPCần nói rõ ở đây không phải Trung Quốc "quay xe" với mục tiêu không tiền mặt, mà chỉ là linh hoạt hơn. Cụ thể, hồi tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và chính quyền thành phố Bắc Kinh ban hành hướng dẫn, yêu cầu các ứng dụng thanh toán cải thiện trải nghiệm sử dụng dịch vụ cho người nước ngoài trong thời gian lưu trú tại Trung Quốc.Đáp lại, Alipay cho biết đã đơn giản hóa quy trình để hỗ trợ tối đa người dùng ngoại quốc. Ứng dụng của Tập đoàn Ant Group giờ hỗ trợ 16 ngôn ngữ, chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard, JCB…). Đồng thời, người dùng 11 ví điện tử ngoài Trung Quốc có thể dùng app quen thuộc của họ để quét mã QR của Alipay và thanh toán "như thể đang ở nhà".Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn của ngân hàng trung ương, Alipay cho phép người dùng nước ngoài đăng ký dùng ví mà không cần chứng minh nhân thân, miễn là mỗi năm giao dịch không quá 2.000 USD qua ví Alipay.Từ cuối năm 2020, PBOC đã ra mức phạt cho các tổ chức từ chối nhận tiền mặt, hành động mà ngân hàng trung ương này cho là "phân biệt đối xử hoặc tạo bất tiện". Đến tháng 4, PBOC tiếp tục ban hành chỉ thị yêu cầu cơ quan phụ trách thương mại địa phương phải đảm bảo các điểm du lịch và bán lẻ - từ chợ, quán ăn tới hiệu thuốc - phải chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt để tối ưu hóa môi trường sử dụng tiền mặt và thích ứng với việc chấp nhận thanh toán đa dạng."Chỉ thị [nói trên] đã thúc đẩy hơn nữa chính sách tài chính toàn diện của Trung Quốc, đảm bảo cả người Trung Quốc lớn tuổi và người nước ngoài đều có thể tham gia các giao dịch kinh tế" - Hsu nhận xét.Tôn Bảo Hồng, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Cheung Kong, cho rằng các chỉ đạo mới cho thấy chính quyền đã thừa nhận vẫn còn khoảng trống trong hệ thống thanh toán Trung Quốc; các thay đổi vừa qua là "một bước tiến đáng kể tới việc hình thành môi trường tài chính bao trùm".Không kỳ thị người giữ tiền mặtPhải làm gì với tiền mặt khi tiến tới xã hội không tiền mặt vẫn còn là bài toán khó với nhiều quốc gia, trong đó có Úc.Mới tuần trước (3-6), hai nghị sĩ quốc hội Andrew Gee và Bob Katter đệ trình dự luật nhằm giữ tiền mặt trong lưu thông (The Keeping Cash Transactions in Australia Bill 2024) lên Quốc hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tiền mặt sẵn có và được chấp nhận khắp nước Úc.Gee nói nhiều người ở khu vực bầu cử của ông (Calare, bang New South Wales) và khắp nước đang lo ngại việc sử dụng tiền mặt để giao dịch ở Úc đang "bị loại bỏ dần và sẽ sớm biến mất", và dự luật này nhằm ngăn điều đó xảy ra.Dự luật yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ trực tiếp, mặt đối mặt với khách hàng - dù ở cơ sở cố định, trong tòa nhà hay bán lưu động - phải chủ động chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt nếu giao dịch không quá 10.000 AUD (gần 170 triệu VND).Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ áp dụng mức phạt dân sự tối đa 5.000 AUD đối với cá nhân và 25.000 AUD đối với công ty nếu từ chối nhận tiền mặt.Katter cho biết giữ tiền mặt lưu thông vẫn rất quan trọng, nhất là với các khu vực nông thôn. Ông cho rằng loại bỏ tiền mặt là tước đi quyền tự do của công dân và trao nó vào tay các ông chủ nhà băng, "những cá nhân kiếm hàng triệu đô la và có quyền ra quyết định về tiền bạc của chúng ta với một cú click".Thực tế cho thấy chưa cần có quy định, một số điểm kinh doanh vội vàng nói không với tiền mặt đã bị khách hàng phản ứng, tới mức phải rút lại chính sách. Ngay sau khi thông tin về dự luật "giữ tiền mặt" được công bố, chuỗi cửa hàng bánh ngọt Mary Street ở thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Úc, tuyên bố sẽ quay lại chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, sau thời gian dài chỉ nhận quẹt thẻ."Trong thời COVID chúng tôi tưởng có thể tranh thủ cơ hội để ngưng nhận tiền mặt… Điều đó giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều nhưng lý do chúng tôi quay lại chấp nhận tiền mặt là nhân viên bị chỉ trích quá nhiều" - ông chủ Paul Aron nói với báo WA Today.Theo Aron, dần dà chính ông nhận ra "với nhiều người rất khó để không dùng tiền mặt", và "tôi không muốn phân biệt đối xử với bất kỳ khách hàng nào".Làm sao để cân bằngChủ chuỗi Mary Street cho biết nhận tiền mặt sẽ đi kèm nhiều thứ nhiêu khê, khi chính các ngân hàng cũng cắt giảm nhiều chi nhánh giao dịch. Sẽ tốn rất nhiều thời gian: nhân viên phải đếm tiền mặt vào buổi sáng, buổi chiều và khi đóng cửa; đội ngũ kế toán phải đối chiếu bảy ngăn đựng tiền và kết sổ sách; rồi vất vả tìm chi nhánh ngân hàng để mang tiền tới."Thực sự thì rất tốn kém và nhọc công, nhưng nói chung tôi vẫn vui khi quay lại chấp nhận tiền mặt vì mục đích cuối cùng là bảo đảm ai muốn đến cửa hàng tôi đều có thể đến, đồng thời bảo vệ được nhân viên khỏi bị mắng" - Aron kết luận.Ảnh: Mary Street BakeryNói là nói vậy nhưng rõ ràng những bất tiện kia là có thật, và không chỉ mình ông chủ tiệm bánh mới gặp. Richard Holden, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh UNSW, cho rằng cuối cùng thì tiền mặt có thể "tốn kém và rắc rối". "Nếu bạn điều hành một quán cà phê, việc xử lý tiền mặt là một vấn đề lớn" - ông nói với Yahoo Finance.Tuy vậy, nhiều nước cũng đã và đang tính tới ban hành luật "giữ tiền mặt". Đầu năm nay, Bộ Tài chính Ireland trình dự luật Access to Cash, với mục tiêu giống như điều mà Katter và Gee muốn làm cho nước Úc. Theo đó, các siêu thị, hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi sẽ buộc phải giữ tiền mặt để đảm bảo người dân sử dụng tiền mặt trên toàn quốc có thể tiếp cận bất cứ khi nào họ cần.Phải làm sao cân bằng - vừa thúc đẩy thanh toán không tiền mặt vừa đảm bảo quyền lợi cho người dùng tiền giấy? Theo Holden, có vẻ không có cách nào. "Chủ doanh nghiệp sẽ sớm không có lựa chọn nào hơn là chấp nhận sự phiền toái của tiền mặt" - ông nói.Tiến sĩ Angel Zhong, phó giáo sư tài chính Đại học RMIT (Úc), đưa ra cái nhìn lạc quan hơn: dù sao thanh toán tiền mặt sẽ chỉ còn chiếm 1-2% tổng lưu lượng thanh toán trong vòng vài năm tới."Một xã hội không tiền mặt vận hành đúng nghĩa là khi thanh toán không tiền mặt trở thành phương thức thanh toán chiếm ưu thế, nhưng điều đó không có nghĩa tiền mặt của bạn mất giá trị" - bà nói với The Guardian.Con tàu không tiền mặt đã lăn bánh, đích đến đã rõ ràng, khó có chuyện dừng lại hay quay xe, có chăng chỉ là xác định rõ những trở ngại lớn hay khúc quanh nguy hiểm để có biện pháp vượt qua an toàn.Điều cốt lõi, theo Zhong và các chuyên gia, là tiến tới không tiền mặt không có nghĩa phủ nhận sạch trơn vai trò của những tờ giấy bạc. Vẫn cần các chương trình vận động và hỗ trợ để thêm nhiều người có thể tiếp cận công nghệ, giải pháp thanh toán mới. Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục kêu gọi khách hàng giảm dùng tiền mặt.Tiền mặt sẽ không còn là vua, nhưng vẫn ở lại trong "vương quốc thanh toán" với vai trò thấp hơn, chứ "cựu vương" không nhất thiết phải lưu đày viễn xứ. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Ngày không tiền mặt 2024 Tiếp theo Tags: Tiền mặtKhông tiền mặtThanh toán không tiền mặtNgày không tiền mặt
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.