Bên lề hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 sáng 21-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ với báo chí về đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai về Bến Tre.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang thiếu 5 tỉ m³ nước mỗi năm
Theo ông Hiệp, ý tưởng dẫn nước ngọt về cho Bến Tre, Tiền Giang bộ đã nghiên cứu, nhưng riêng câu chuyện dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre thì thời điểm này chưa thực hiện và không thực hiện.
Ông Hiệp cho hay có hai lý do để không thực hiện:
Thứ nhất, nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai hiện đang thiếu. Dù lưu vực sông Đồng Nai đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện tại đang thiếu 5 tỉ m3 nước mỗi năm.
Đây là vấn đề rất quan trọng và trong quy hoạch thủy lợi sắp tới, bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
"Lưu vực sông Đồng Nai đang thiếu nước như vậy nên không thể dẫn nước đi đâu được nữa. Chưa kể về vấn đề kỹ thuật chúng ta cũng chưa làm được ở giai đoạn này", ông Hiệp nói.
Thứ hai, ngay tại Bến Tre đang có đủ giải pháp để người dân Bến Tre và Tiền Giang có đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.
Ở bắc Bến Tre, bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3). Theo kế hoạch đến hết năm 2025 cơ bản sẽ xong, khi đó có một số cống lớn như cống Bến Tre, cống Thủ Cửu… đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.
Ở nam Bến Tre, bộ sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong, khi làm xong sẽ đảm bảo nước cho khu vực.
"Như vậy ở Bến Tre thì không cần phải chuyển nước từ nơi khác về vì ngay tại chỗ có đủ giải pháp để có nước" - ông Hiệp nói.
Tính toán chuyển nước từ hệ thống Cái Lớn - Cái Bé và sông Hậu về Cà Mau
Liên quan giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt ở Cà Mau, ông Hiệp cho biết khác với 12 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau chỉ có tích nước tại chỗ (nước mưa) mà không có nguồn nước nào bổ sung.
Như ở huyện Trần Văn Thời, hiện cơ bản không có nước, gây ra sụt lún. Đây là một vấn đề rất lớn nên bộ đã có ba giải pháp.
Thứ nhất, hạn chế lưu thông, đặc biệt xe tải trọng lớn ở những tuyến kênh mương và những tuyến đường kết hợp kênh mương.
Thứ hai, tính toán tích trữ nước không tập trung để có thể bơm nước bổ sung cho các vùng sản xuất, vùng thiếu nước ngọt.
Thứ ba, ở vùng Trần Văn Thời phải chuyển đổi sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm. Mùa hạn mặn có thể nuôi tôm, cá, còn mùa mưa trồng lúa. Việc chuyển đổi như vậy vừa ổn định sản xuất, vừa đảm bảo không sụt lún và thu nhập người dân sẽ cao hơn.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh để giải quyết vấn đề thiếu nước ở Cà Mau chắc chắn phải chuyển nước ngọt từ nơi khác về. Hiện bộ đang nghiên cứu hai giải pháp để chuyển nước cho Cà Mau.
Thứ nhất, bộ sẽ cùng tỉnh Cà Mau làm cống âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành sẽ ngăn nước mặn chảy từ biển vào Cà Mau.
Thứ hai, tính toán việc chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về Cà Mau, khi đó sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt cho bắc Cà Mau và nam Cà Mau.
"Các giải pháp này bộ đang làm với tỉnh. Trước mắt, trong giai đoạn trung hạn sẽ làm cống âu thuyền Tắc Thủ và đến giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng và Quản Lộ - Phụng Hiệp về cho Cà Mau" - ông Hiệp nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận