19/06/2012 07:03 GMT+7

Không thừa nhận

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Dư luận phải một phen hoảng hốt khi thông tin về “Bài toán rợn người” trong sách lớp 1 được phát hiện.

CLz9bFHP.jpgPhóng to

Trên bìa tập sách này từng in tên hai nhà xuất bản (NXB): NXB Trẻ (bản in năm 2002) và Thanh Niên (bản in năm 2011, trên bìa 4 có ghi tên đơn vị liên kết xuất bản là Công ty Thành Nghĩa). Trong đó NXB Trẻ đã công bố đây là trường hợp mạo nhận tên đơn vị mình, bởi giấy phép ghi trên sách dù đúng là của NXB Trẻ nhưng đã được cấp cho một quyển sách khác.

Và mới đây, NXB Thanh Niên đã có công văn chính thức (số 37/XBTN) gửi Cục Xuất bản và báo Tuổi Trẻ cho biết: “Ngay sau bài viết “Bài toán rợn người” đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9-6-2012, NXB Thanh Niên đã tiến hành kiểm tra các công đoạn liên quan tới cuốn Phép cộng trừ phạm vi 100 của các giả Hoàng Long. Việc kiểm tra đã xác định NXB Thanh Niên hoàn toàn không biên tập, đọc duyệt, cấp quyết định xuất bản cho cuốn sách nêu trên”.

Trong công văn của mình, NXB Thanh Niên hướng đến các cơ quan chức năng: “NXB Thanh Niên kính báo và đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý kịp thời xuất bản phẩm mạo danh NXB...”. Như vậy, đến lượt NXB Thanh Niên cũng tuyên bố mình bị mạo danh, nhưng hành vi gây ít nhiều tổn thương cho uy tín của đơn vị này không được quan tâm, công văn của NXB Thanh Niên chỉ quan tâm đến việc “xử lý xuất bản phẩm”.

Tất nhiên, nội dung sản phẩm độc hại là yếu tố gây hại trực tiếp cho cộng đồng sử dụng, nhưng quản trị xã hội là điều chỉnh hành vi của con người chứ không thể chỉ xử lý sản phẩm vi phạm.

Đáng tiếc là trong lĩnh vực xuất bản, hành vi của người sản xuất ra các sách vi phạm thường ít được làm rõ. Điều bất thường này đã tồn tại từ rất lâu, lời nhận định “” (Tuổi Trẻ ngày 25-11-2011) của ông thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông vào năm ngoái chính là phản ánh điều này.

Dư luận và giới truyền thông theo dõi lĩnh vực này thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thường chỉ đạt đến kết quả là tìm ra sản phẩm lậu và lập biên bản, tịch thu. Nhưng xử lý như vậy còn thiếu một khâu tối quan trọng: tìm ra người sản xuất các sách ấy. Cái khâu quan trọng như vậy thì rất họa hoằn mới có cơ quan chức năng đeo bám để tìm ra thủ phạm, rồi lại cũng phải tích cực hơn nữa trong khâu xử phạt thủ phạm. Một trong những lần họa hoằn ấy là vụ Công ty First News cùng vào cuộc phanh phui đường dây in lậu ở các tỉnh phía Bắc. Còn nhớ năm xưa các cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện vụ tàng trữ, tiêu thụ sách lậu quy mô lớn tại phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, ngoài hầu hết sách in lậu, trong số sách phát hiện có nhiều bản thuộc diện nội dung chưa được thẩm định, chấp nhận. Nhưng vụ việc cũng chỉ được biết đến là toàn bộ số sách bị tịch thu, chủ hàng bị xử phạt. Nhưng thông tin về thủ phạm đã làm ra số hàng này, làm ra ở đâu, những ai đồng phạm trong sản xuất... đều không thấy công bố.

Như trường hợp quyển sách giáo dục các em lớp 1 bằng bài toán rợn người trên đây, nếu các bên có liên quan cứ lần lượt không thừa nhận mình là chủ sản xuất sách này, vậy thì ai, cơ quan nào sẽ tìm ra thủ phạm đích thực?

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên