Hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013-2023).
Đến dự có giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận, giám đốc Trung UNESCO bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam - GS.TS Nguyễn Tấn Anh.
Lãnh đạo các ban ngành TP.HCM và các tỉnh như Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An… cùng các chuyên gia về lĩnh vực đờn ca tài tử.
Làm sao để di sản Đờn ca tài tử sinh lợi?
Chủ trì buổi hội thảo, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố - nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã nỗ lực với những hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo này lãnh đạo các cấp muốn lắng nghe thật nhiều những điều còn tồn đọng, hoặc những khó khăn để sắp tới chúng ta có chiến lược thật hiệu quả để phát huy di sản.
Và rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia được nêu ra. Như tình trạng "già hóa" hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử.
Nghệ nhân đờn ngày càng ít, đặc biệt nghệ nhân chơi các loại nhạc cụ cổ truyền như đờn cò, kìm, tranh, bầu…
Một số câu lạc bộ khó duy trì hoặc thậm chí phải giải tán vì khó khăn về tài chính, thiếu nghệ nhân đờn, không có địa điểm để thực hành truyền dạy nghề.
Hoạt động sáng tạo mới về bài bản, nhạc khí chưa được nghệ nhân chú trọng và phát huy.
Chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp. Đờn ca tài tử vẫn chưa có một không gian trình diễn đúng với tính chất đa dạng, phong phú và độc đáo của nó.
Đặc biệt là đội ngũ kế thừa trong độ tuổi thanh thiếu nhi không nhiều.
Về vấn đề này, TS Lê Hồng Phước cho rằng hiện ở thành phố ta đã có hoạt động đưa đờn ca tài tử vào học đường, tuy nhiên anh cho rằng vẫn còn… tùy hứng.
Nghĩa là hiệu trưởng trường nào thích thì đưa vào, không thì thôi. Anh đề nghị các cấp phải đưa ra quy định bắt buộc. Một học kỳ bao nhiêu lần phải có tiết học ngoại khóa để các em tiếp xúc với đờn ca tài tử.
Cách đưa đờn ca tài tử vào trường cũng phải nghiên cứu cho phù từng cấp học. Giới thiệu sinh động để giúp các em hiểu và yêu mến đờn ca tài tử.
Khi phát hiện những em có năng khiếu đờn ca tài tử cần có chế độ đãi ngộ như học bổng, hay hỗ trợ nhạc cụ để các em phát huy khả năng. Từ đó chúng ta nuôi dưỡng được một lớp kế thừa để phát huy đờn ca tài tử.
Nghiên cứu phục vụ du lịch
Vấn đề đưa đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng đó là cách thức làm cho di sản sinh lợi, từ đó có nguồn thu phục vụ lại công tác bảo tồn di sản.
Việc đưa đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch cũng được TP.HCM và một số tỉnh thực hiện đã lâu.
Tuy nhiên, theo TS Mai Mỹ Duyên thì cách thức vẫn chưa mới mẻ và cần phải được nghiên cứu để thực hiện cho hiệu quả, giúp du khách thấy được cái hay, cái đẹp, sự thú vị, độc đáo của đờn ca tài tử.
Thạc sĩ Hoàng Sơn Giang bày tỏ các địa điểm đờn ca tài tử hay các loại hình nghệ thuật truyền thống khác phục vụ cho du lịch vẫn do các đơn vị tư nhân thực hiện.
Ông mong Nhà nước có một địa điểm chính thống, định kỳ để tổ chức phục vụ khách du lịch.
Các nghệ nhân cũng nên được đào tạo kỹ càng để có kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, nếu biết thêm tiếng Anh thì càng thuận lợi.
Anh Lê Hồng Phước nhấn mạnh: "Đờn ca tài tử cần có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa đô thị TP.HCM. Ví dụ, có thể chọn Đường sách Nguyễn Văn Bình hay phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Không chỉ là nơi trình diễn đờn ca tài tử mà còn thu hút ánh nhìn của công chúng, khách du lịch để tạo ấn tượng và nhắc họ nhớ về nghệ thuật đờn ca tài tử".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận