Việc tách bạch với nơi sản xuất nhằm tạo ra môi trường sống an lành cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Quá trình này nhằm khắc phục tình trạng phát triển tự phát do lịch sử để lại nhưng phải trả giá rất đắt, không chỉ là tiền mà là đảo lộn đời sống của hàng vạn người dân.
Việc cho chuyển đổi đất công nghiệp thành khu dân cư ở Long An chính là đi lại vết xe đổ. Tới đây, khi môi trường sống bị đe dọa, giữa doanh nghiệp và cư dân lại xảy ra mâu thuẫn, khi đó lại phải di dời, hoặc cuộc sống lại bị đảo lộn, hoặc nhà máy lại phải ra đi...
Tổn thất là rất lớn, không chỉ cho người dân, cho doanh nghiệp mà cả xã hội. Thật khó hiểu khi đã có quy hoạch KCN, sau đó lại điều chỉnh để xen vào khu dân cư. Làm thế có khác nào "xé toạc" quy hoạch cho cả trăm năm sau.
Sao có thể "xé" quy hoạch để người dân sống chung với nhà máy khi đã có bài học ở Đồng Nai. Tỉnh này gần 10 năm qua vẫn loay hoay di dời doanh nghiệp ra khỏi KCN Biên Hòa 1.
Tại đây, nhà máy cũng ôm khu dân cư, gây ô nhiễm nặng nguồn nước sông Đồng Nai và môi trường sống của cư dân. Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 ước tính tốn kém hơn 15.000 tỉ đồng.
Nhưng có tiền cũng chưa thể tách nhà máy ra khỏi khu dân cư khi doanh nghiệp không đồng thuận mức bồi thường di dời...
Không ai đảm bảo kịch bản tại Biên Hòa 1 sẽ không diễn ra tại những KCN Long An đã và đang xin chuyển đổi sang khu dân cư.
Cần nhắc lại từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Việc thực hiện đúng quy hoạch góp phần đảm bảo môi trường cuộc sống của người dân, cũng như đảm bảo sự ổn định sản xuất của người kinh doanh trong vài chục, thậm chí cả trăm năm sau.
Với ý tưởng đó, quy hoạch không thể dễ dàng bị điều chỉnh bởi những lý do liên quan đến tiền bạc của chủ đầu tư KCN, giúp doanh nghiệp giải quyết nợ nần. Việc phá vỡ quy hoạch chỉ để cứu doanh nghiệp trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài của cộng đồng là việc làm khó chấp nhận.
Trong quy hoạch, phát triển KCN, khu dân cư không có chỗ cho sai sót. Sai một li, đi một dặm. Hậu quả cả người dân và doanh nghiệp lãnh đủ.
Vì thế cần phải chấm dứt ngay chuyện chuyển đổi đất cho dân cư sống chung với nhà máy, đồng thời rà soát và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được duyệt. Những sai phạm, không phù hợp với phát triển bền vững phải được chấn chỉnh.
Chờ xem, Long An sẽ trả lại quy hoạch như thế nào!?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận