06/01/2023 10:58 GMT+7

'Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn'

Việc xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn và căn cứ vào nguồn lực thực tế, có trọng tâm trọng điểm để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khuyến nghị cân nhắc về nguồn lực thực hiện - Ảnh: N.AN

Sáng 6-1, Quốc hội thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu ra mục tiêu về tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người, nhiều ý kiến đánh giá về việc lựa chọn nguồn lực thực hiện đảm bảo tính khả thi. 

Đánh giá cao việc lồng ghép quy hoạch giữa đất và biển, quy hoạch khai thác không gian ngầm, song đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là cực tăng trưởng và hành lang kinh tế…

Với lĩnh vực công nghiệp, ông Ngân bày tỏ quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào? 

Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh… được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.

Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh - đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng cần xác định nền tảng Việt Nam phát triển kinh tế mũi nhọn là gì? 

Nếu tập trung phát triển nông nghiệp thì sản xuất cây trồng, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đóng góp cho GDP là bao nhiêu để gắn với phát triển vùng miền, để từ đó đầu tư cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị máy móc.

Hay với lợi thế của đất nước ta có tiềm năng về biển, tỉnh nào cũng có biển và phát triển du lịch, ông nói cần phải đánh giá kỹ về ngành kinh tế dịch vụ đóng góp GDP thế nào? Việc quy hoạch và xây dựng vùng liên kết ra sao, để xác định cho đầu tư về hạ tầng, con người…

Đồng tình cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, song đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng cần có cơ chế để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại trên cơ sở có cơ chế chính sách tư nhân tham gia. 

"Khảo sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước quản lý là không hiện đại, nếu như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu. Nhà nước cũng không đủ tiền để hiện đại hóa, các thiết bị cũ lắm rồi. Trong khi một số trường cao đẳng nghề của tư nhân họ có đầu tư, nên cần có quan điểm rõ hơn để có đội ngũ công nhân lao động lành nghề" - bà Tuyết nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Ngân cũng lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030 - 2050, nên tình trạng quy hoạch "treo" là vấn đề đặt ra. Việc thực hiện quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. 

"Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. Ta không thể vẽ viễn cảnh như New Youk hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn" - ông Ngân nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy ban Kinh tế, băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu thu nhập bình quân đầu người lên tới 7.500 USD vào năm 2030 và ở mức 32.000 USD vào năm 2050. Theo ông, vượt qua bẫy trung bình đã khó, chúng ta vượt xa như vậy cũng là câu chuyện thách thức đặt ra. 

Bên cạnh đó, ông băn khoăn cơ sở dữ liệu lập quy hoạch hiện còn dở dang, như cơ sở dữ liệu đất đai chưa đầy đủ, nên chưa thể định hình đang có gì, sẽ làm gì; hay cơ sở dữ liệu về con người, xã hội vẫn đang phân tán, chưa thống nhất… Vậy ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này? 

Do đó, ông Hùng đề nghị cần có giải trình, đánh giá rõ hơn để các vùng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau phát triển; bổ sung các cơ chế, chính sách cho thấy sự kết nối, liên kết giữa các vùng kinh tế, vùng động lực phát triển hay hành lang kinh tế.

GDP bình quân đầu người năm 2050 cao nhất 32.000 USD GDP bình quân đầu người năm 2050 cao nhất 32.000 USD

Mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đạt 7%, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên