08/07/2015 09:17 GMT+7

“Không thể trùng tu”:
vội quá chăng?

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Cách đây vài ngày, thật vui khi nghe tin TP.HCM vừa xếp hạng một số di tích, và trong danh sách đó có những ngôi trường tên tuổi như Lê Hồng Phong, Marie Curie, Hồng Bàng (chưa kể trước đó đã có Trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Trường THPT Châu Văn Liêm được xây dựng từ năm 1917 - Ảnh: Chí Quốc

Đây là một quyết định “được lòng dân” dù hơi trễ!

Nhưng rồi lại nghe một tin buồn: Sở GD-ĐT Cần Thơ đề nghị “đập bỏ Trường Châu Văn Liêm”, một ngôi trường có 98 năm tuổi ở Tây Đô và là một ngôi trường “cổ” hiếm hoi của miền sông nước.

Hai thái độ, hai cách hành xử rất đáng suy nghĩ và đòi hỏi những người có trách nhiệm phải nhanh tay hơn trong việc bảo tồn cổ tích.

Cuối thế kỷ 19, sau khi xây Trường Chasseloup Laubat - trên nền Trường Khải Tường - và Trường Tabert vào năm 1874, người Pháp xây dựng Collège de Mỹ Tho vào năm 1889. Và đầu thế kỷ 20, vào năm 1917, người Pháp xây tiếp Collège de Cần Thơ, sau đổi tên là Phan Thanh Giản rồi Châu Văn Liêm. Đến nay, ngôi trường đã được 98 tuổi và đang bị “đề nghị đập bỏ” vì “không trùng tu được”!

Kể cũng lạ, ở nhiều nơi người ta cố gắng giữ dù chỉ là một cái cây, một khu vườn cổ để ghi nhớ điều gì đó đã phát triển từ nơi ấy. Còn nhiều nơi ở ta thì làm ngược lại là đập bỏ những cổ tích chỉ vì bảo quản yếu!

Nói yếu là bởi chúng ta chưa đặt vấn đề bảo quản một cách nghiêm túc và lựa chọn điều dễ nhất trong các quyết định là đập bỏ thay vì bảo tồn. Nếu một ngôi trường chỉ mới gần trăm năm mà “không thể trùng tu” thì làm sao chúng ta có những ngôi trường vài trăm tuổi?

Một vấn đề khác cũng đáng lưu ý là ngôi trường gần trăm tuổi này từng được cơ quan bảo tồn lập hồ sơ để bảo quản, tôn tạo chưa?

Bởi nếu đã lập hồ sơ ắt hẳn phải có nhiều cơ quan, chuyên gia đánh giá, lựa chọn. Phần nào có thể đập bỏ để xây mới, phần nào cần phải giữ lại để cháu con đời sau biết được cha ông mình từng trải qua cuộc đời học hành ở một ngôi trường như thế nào.

Nếu chưa làm những động tác đó mà đã nói “trùng tu không được” quả là hơi vội. Theo chúng tôi biết, Cần Thơ cũng không có nhiều kiến trúc có tuổi hàng 90 năm, vì vậy việc giữ lại một ngôi trường gần 100 tuổi đã đi vào ký ức bao thế hệ là điều nên làm.

Và cách làm “ngon” nhất là ra những quyết định tương tự TP.HCM vừa làm: công nhận di tích. Bởi một khi đã đưa vào danh sách công nhận di tích thì muốn đụng đến nó, dù chỉ một cục gạch, cũng phải có hội đồng cân đong đo đếm đầy thận trọng, chứ không thể buông một câu “không thể trùng tu” là xong!

Điểm lại những ngôi trường ở TP.HCM được đưa vào danh sách di tích, chúng ta thấy nó không quá khác biệt với ngôi trường ở Cần Thơ.

Cụ thể Trường Nguyễn Thị Minh Khai ra đời năm 1913, chỉ già hơn Trường Châu Văn Liêm... 4 tuổi! Còn Trường Lê Hồng Phong nguyên là Trường Pétrus Ký xây dựng năm 1927, trẻ hơn Trường Châu Văn Liêm 10 tuổi. Trường Marie Curie ra đời sau Trường Châu Văn Liêm đúng một năm.

Còn Trường Hồng Bàng ra đời năm 1933, trẻ hơn đến 16 tuổi! Rõ ràng chỉ có mỗi mình Trường Nguyễn Thị Minh Khai là già hơn, và ba trường còn lại đều trẻ hơn Trường Châu Văn Liêm, vậy mà đều được đưa vào danh sách di tích để có thái độ ứng xử đúng với quá khứ.

Có lẽ những người dân Cần Thơ đã học ở ngôi trường này ắt sẽ tủi thân khi xem sự so sánh với ba ngôi trường trẻ hơn ở TP.HCM?

Không ai là tròn vẹn cả. Nếu đã có sai thì khắc phục. Và đó là cách hay nhất để thế hệ sau còn biết được có những ngôi trường hoặc những di tích có vài trăm tuổi đã được người đi trước dành hết sức bảo quản dù có nhiều khó khăn.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên