17/06/2015 08:28 GMT+7

Quốc hội thảo luận: Không thể phóng sinh “cá mập” tham nhũng

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Quốc hội dành trọn ngày 16-6 để thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước việc dự thảo bộ luật quy định theo hướng hạn chế hình phạt tử hình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lắng nghe đại biểu Trần Du Lịch tranh luận về dự án Bộ luật hình sự trong giờ giải lao - Ảnh: Việt Dũng

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền lưu ý Quốc hội: “Nhân đạo với tội phạm nguy hiểm chính là vô nhân đạo với xã hội”.

Tội phạm chiến tranh phải chịu hình phạt cao nhất

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) bày tỏ quan điểm không tán thành việc bỏ tử hình với các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống lại loài người, tội phạm chiến tranh. “Hơn ai hết chúng ta thấm thía về cái giá phải trả cho nền hòa bình, độc lập.

Trong khi hành vi giết một vài người có thể bị kết tội tử hình, vậy mà những kẻ gây ra chiến tranh xâm lược, tàn sát rất nhiều người, gây tội ác chống nhân loại mà không chịu hình phạt cao nhất là điều không thể chấp nhận được” - ông Niễn nói.

Đồng quan điểm với ông Niễn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng vấn đề này còn mang yếu tố chính trị, khi Việt Nam đã và đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Đó được coi như tuyên bố chính trị của Nhà nước ta đối với việc giữ gìn hòa bình, do vậy cần cân nhắc kỹ và thận trọng khi loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm chiến tranh.

Đa số ý kiến đại biểu cũng đề nghị không quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn chứng một số năm gần đây nhiều vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người từ 70 tuổi trở lên, nhất là các vụ án hiếp dâm, ma túy.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nói: “Người trên 70 tuổi cầm đầu băng đảng buôn bán ma túy nguy hiểm, ta có tha họ không? Nếu tha họ là vô nhân đạo với xã hội. Ngày xưa 60 tuổi là già, nhưng bây giờ người ta nhận xét rằng 60 tuổi mới dậy thì, 70 tuổi mới chập chững đi vào đời”.

Riêng đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) ví von: “Không ai lại đi phóng sinh cá mập, để nó quay lại môi trường chung sẽ tàn sát các loài vật khác”.

Đối với tội phạm tham nhũng, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) cần loại bỏ quy định có thể dẫn đến kẽ hở cho đối tượng phạm tội “dùng tiền để đổi mạng”.

Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng. Trong khi đó, tham nhũng là quốc nạn, dư luận xã hội hết sức bất bình, đòi hỏi cần phải có hành động kiên quyết hơn nữa.

“Anh tham lam thì phạt nặng”

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự, nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính. Vì vậy, không nên khước từ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Ông Đương cho biết các nước không phải xử tù, xử bắn pháp nhân, mà hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, đặc biệt là phạt tiền. Nếu cùng hành vi như cá nhân thì pháp nhân bị phạt tiền rất nặng, gấp hàng trăm lần.

Theo ông Đương, khi đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì việc chứng minh lỗi của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp sẽ chặt chẽ hơn, như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách cư xử.

“Nếu không muốn mất uy tín trong thương trường thì anh phải thay đổi cách xử sự, không được gây ô nhiễm môi trường, không được trốn thuế, không được sản xuất hàng giả, không được làm những điều gây hại cho xã hội” - ông Đương nói.

Theo đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), dù pháp luật hiện hành có quy định trách nhiệm hành chính và bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân phạm tội nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ nghiêm khắc đối với pháp nhân phạm tội. Quy định xử lý hành chính thì mức tối đa là 2 tỉ đồng.

Nêu ví dụ về vụ Vedan trước đây gây ô nhiễm môi trường, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng không phải tự nhiên doanh nghiệp có hệ thống xả ngầm, phải có người chỉ huy, pháp nhân nào cũng có người đại diện trước pháp luật, do vậy dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) cần làm rõ vấn đề này.

Ông Lịch cũng cho biết đối với pháp nhân thì chủ yếu phạt kinh tế là chính. Ví dụ Mỹ phạt ngân hàng vi phạm đến 5-6 tỉ USD. “Anh tham lam thì phạt nặng để bù lại cho xã hội” - ông Lịch nhấn mạnh.

Cần có hình phạt roi

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất thêm hai hình phạt là phạt tù tại nhà và phạt roi. Theo ông Nam, đối với tội phạm ở tuổi vị thành niên, tội phạm ốm đau, bệnh tật, kể cả tham nhũng thì nhốt tại nhà hơn là đưa vào trại.

Qua đó giảm áp lực xây trại cải tạo và có tác dụng tốt hơn, thanh thiếu niên phạm tội khi đưa vào trại có thể bị lưu manh hóa.

“Tôi đi qua Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhìn thấy người tè bậy rất bức xúc. Giá mà có hình phạt roi để đánh mấy gậy, bắt cầm xô nước đến dọn thì tốt” - ông Nam nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì đề nghị bổ sung quy định về tội đe dọa lây truyền HIV hoặc bệnh nguy hiểm cho người khác, tội cố tình giấu tình trạng nhiễm HIV để kết hôn hoặc quan hệ tình dục với người khác.

“Hiện nay từ thành thị tới nông thôn, chúng ta thấy đối tượng cầm kim tiêm có máu dọa người, chống người thi hành công vụ. Việc này nhan nhản, rất bức xúc, không có chế tài nào xử lý. Nên bổ sung tội đe dọa này vào trong bộ luật để răn đe đối với các tội phạm về ma túy” - ông Phong nói.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết cùng với việc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thời gian tới sẽ tổ chức thêm một số hội nghị, hội thảo về một số chế định còn ý kiến khác nhau.

Tinh thần là phải trả lời được các câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu ra cả về lý luận và thực tiễn, đảm bảo các chính sách hình sự có sự minh bạch, khả thi và đồng thuận cao. Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) cũng được dự kiến tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9.

* Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM):

Cần bổ sung tội “xâm phạm đời tư”

Hiến pháp có quy định bảo vệ bí mật đời tư, do đó phải có tội danh hình sự về việc xâm phạm quyền này, nhất là khi Luật doanh nghiệp đã không còn cấm quyền hành nghề thám tử tư như trước...

Về tội vu khống, ngoài hành vi “bịa đặt, loan truyền”, thêm hành vi “tố giác” những điều bịa đặt, vì có khi không loan truyền, nhưng lại tố giác trong phạm vi hẹp, nhưng có tác động lớn (như tố giác với lãnh đạo cao cấp, cơ quan tố tụng hình sự) thì vẫn nên buộc phạm tội vu khống.

Về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, cần quy định rõ nếu lợi dụng các quyền tự do dân chủ nhằm mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì mới bị trừng trị, đồng thời nên quy định thêm “đã bị xử lý hành chính thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên