Ông Dương Văn Kiều, một nạn nhân của bão số 10 ở Hà Tĩnh, cho biết vợ chồng ông phải đi vay mượn người thân để có tiền lợp lại mái nhà - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại Vinh, Nghệ An khai mạc ngày 21-9, tại thời điểm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương liên tiếp hứng chịu nhiều thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Hội nghị, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, có sự tham dự của 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.
Tăng cường giải pháp cứng và mềm
Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại Vinh, Nghệ An khai mạc ngày 21-9, tại thời điểm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương liên tiếp hứng chịu nhiều thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Tại phiên họp toàn thể buổi sáng, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về những hoạt động khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai "bình thường mới" - một thuật ngữ mô tả những thiên tai ngày càng phức tạp ngày càng không thể dự đoán được về tần suất, mức độ, và sức tàn phá.
Các diễn giả nhận định hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nền kinh tế có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt.
Vì thế, công tác giảm thiểu thiệt hại thiên tai cần có kế hoạch tổng thể, được xây dựng trên các thông tin đa chiều; hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề hội nghị, ông Takeshi Yonezawa, Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản phụ trách quản lý thiên tai, cho biết khi phát triển kinh tế phải nảy sinh vấn đề phòng chống thiên tai. Tuy nhiên phòng chống chỉ có hạn, không thể 100%.
"Chúng ta cần phải chuẩn bị cả giải pháp cứng và giải pháp mềm. Giải pháp cứng là cơ sở hạ tầng như đê điều và đường xá. Giải pháp mềm là nhận thức người dân. Cơ chế phòng chống bão thành công là các nước phải chuyển tải đầy đủ thông tin từ cơ quan phòng chống bão đến với người dân và thái độ của người dân tiếp nhận thông tin thiên tai như thế nào," ông Takeshi Yonezawa nói.
Trong khi đó, các đại biểu từ Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNISDR), Philippines, Nhật Bản và Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ, đặc biệt cần ưu tiên trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp.
Đại diện Văn phòng UNISDR chia sẻ thiệt hại về thiên tai liên quan đến nước chiếm trên 90%, do vậy, cần có những hướng ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do nước gây ra.
Hợp tác giúp giảm thiểu tác hại
Tại các phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững.
Do vậy, 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc không thể đạt được nếu không ngăn ngừa được rủi ro thiên tai.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế không được gây thêm những rủi ro mới, đồng thời, cần có những công cụ, các lớp đào tạo tập huấn để nhận diện và ngăn ngừa thiên tai.
Trao đổi với báo chí bên lề, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh hợp tác giữa các nền kinh tế APEC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu mức độ tác hại của thiên tai.
Ví dụ, khi có bão, nhiều nước có hệ thống vệ tinh hiện đại như Mỹ và Nhật Bản sẽ quan sát rõ đường đi của bão sau đó chia sẻ với các quốc gia bị ảnh hưởng, thì những quốc gia này có nhiều thông tin ứng phó với bão hơn.
"Nói chung về các thiên tai, tất cả quốc gia trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều. Thế nên việc hợp tác trong giảm thiểu tác hại thiên tai nên được coi là trách nhiệm và cần chia sẻ hỗ trợ nhau, qua đó giúp các nước thành viên gắn kết với nhau hơn," ông Thắng cho biết.
Thứ trưởng Thắng cho biết thêm nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực ứng phó thiên tai.
Chẳng hạn, Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đang hỗ trợ Việt Nam quản lý lũ ở lưu vực sông Hương (Huế) còn New Zealand thì hỗ trợ quản lý lũ và an toàn đập ở sông cả (Nghệ An).
Ngoài ra, theo các đại biểu, cần tăng cường vai trò và thúc đẩy sự tham gia, đầu tư của khối tư nhân để tạo mối liên hệ khắng khít giữa các cơ quan chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, các nhà đầu tư và cộng đồng.
Châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên hứng chịu thiên tai
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trung bình mỗi thập kỷ, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của 40% các đợt thiên tai trên thế giới.
Chỉ cách đây hơn một tuần, hai cơn bão Harvey và Irma đã tàn phá nước Mỹ, gây thiệt hại nặng nề đến các đảo và các tiểu bang Texas và Florida.
Việt Nam cũng hứng chịu nhiều thiên tai liên tiếp gần đây.
Cách đây 2 tuần, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm Sơn La, Yên Bái và một số tỉnh lân cận khiến 42 người chết và mất tích.
Chỉ mấy ngày trước, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong những năm trở lại đây đã quét qua các tỉnh miền trung làm 9 người thiệt mạng và thiệt hại ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng (gần 484 triệu USD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận