Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định không thể nóng vội với kịch bản xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt với thị trường Trung Quốc - Ảnh: HÀ THANH
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 - 2019 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 14-10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết vấn đề thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch trong khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại, nên nhu cầu giảm, cùng với đó là "hàng rào" thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
"Ta và một số đơn vị, địa phương chưa làm được điều này, mặc dù đã có hướng dẫn, đã đôn đốc, đã xây dựng các tiêu chuẩn nhưng sức lan tỏa chưa lớn", ông Tiến nhận định.
Do đó, biện pháp là đàm phán liên tục, đặc biệt đàm phán liên tục với phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cũng có riêng một thứ trưởng phụ trách mảng này.
Ông Tiến cũng chỉ ra hiện nay có 13 nhãn hàng đang đàm phán, trước hết phải xem xét về nhu cầu lương thực thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Chúng ta phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đây chính là gốc, việc đàm phán cũng tích cực nhưng không trên cơ sở sản xuất sẽ rất khó khăn. Bộ xác định rõ, các cục cũng vào cuộc rất quyết liệt. Phải khẳng định không thể nóng vội ngay, nhưng chắc chắn sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành của tỉnh, chúng ta sẽ sớm giải quyết được khối lượng nông sản Việt Nam ta đi các thị trường một cách chính ngạch, kể cả Trung Quốc", Thứ trưởng Tiến nhận định.
Về "bức tranh" thị trường lúa gạo, ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục chế biến và thị trường nông sản, cho biết cuối năm 2018 đã xác định năm 2019 đặc biệt gặp khó trong xuất khẩu chính ngạch, nhất là thị trường Trung Quốc.
Theo ông Toản, giá gạo trong nước sụt giảm, 9 tháng đạt 2,4 tỉ USD (so với cùng kỳ năm ngoái 2,2 tỉ USD, đạt 92%), mặt hàng rau củ đạt 2,8 tỉ USD.
Ông Lê Văn Thành, chánh văn phòng Bộ NN&PTNT, báo cáo tính đến hết tháng 8-2019, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 5,31 tỉ và Mỹ đạt 5,35 tỉ USD - Ảnh: HÀ THANH
Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, do chịu ảnh hưởng lớn của bệnh dịch tả heo châu Phi, sản lượng thịt heo giảm 8% so với tổng sản lượng trong năm 2019, tương đương 5,5 triệu con, giá trị sản xuất giảm 0,6%.
Ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết tính đến hết tháng 8 đã có 56 tỉnh gửi báo cáo với tổng đầu heo đạt 22 triệu con, trong đó còn 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kị, hiện còn 7 tỉnh nữa chưa gửi báo cáo.
"Chúng tôi ước tính tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 24 - 25 triệu con. Do vậy, ngành chăn nuôi hoàn toàn chủ động được nguồn cung cho dịp tết", ông Trọng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Long, phó cục trưởng Cục thú y, cho rằng Việt Nam "không thất bại trong chống dịch tả heo châu Phi".
"Chúng ta đã, đang làm rất tốt. Hiện nay nhiều người chăn nuôi nhận thức rõ điều này, đang áp dụng triệt để quy định của Nhà nước. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn không ảnh hưởng do tuân thủ tốt an toàn sinh học", ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận