Chửi thề, nói tục trong cuộc trò chuyện liệu có là thói quen bình thường của các bạn trẻ hiện nay? - Ảnh: Q.L.
Nhưng phải thật sự xin lỗi và xin phép phải viết tắt các từ mà đúng nghĩa là chỉ khi nói tục, chửi thề, người ta mới dùng đến, và dù có dùng với hàm ý nào cũng là không đúng, không được hoan nghênh.
1. Hai cô nữ sinh trong bộ đồng phục thể dục đang chỉ bài cho nhau môn vật lý. Lúc này đang là mùa kiểm tra giữa học kỳ của hầu hết các trường và hai bạn ấy chọn quán cà phê để cùng ôn bài. Cô gái đeo cặp mắt kính trông khá xinh đang chỉ bài cho bạn, đồng thời còn kết nối điện thoại với một vài bạn khác để cùng học.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không xuất hiện đoạn trao đổi sau đây. Cô gái đeo mắt kính cầm cây bút trên tay phải, tờ giấy trên tay trái.
"Nhìn đây, mày coi đây là hai vật trong ví dụ này. Khi hai cái l. này cọ xát với nhau, cái l. này (giơ cây bút lên) nhiễm điện cho cái l. này (giơ tờ giấy lên), electron từ cái này dịch chuyển qua cái kia. Nếu cái l. nào thừa electron là nhiễm điện âm, cái l. kia thiếu electron sẽ nhiễm điện dương".
Dù lặp đi lặp lại vài lần như thế song cô bạn còn lại vẫn lắc đầu ra vẻ chưa hiểu. Cô gái mắt kính nhìn vào điện thoại, nói thêm với người bạn qua màn hình: "Tao chỉ nó nãy giờ mà con này nó vẫn đ. hiểu gì hết đó mày. Tao đ. biết sao luôn".
2. Trong một lớp học của sinh viên năm thứ nhất với học phần về kỹ năng sống. Thầy giáo chia sẻ với các bạn về kỹ năng giao tiếp. Sau khi nói về một vài khái niệm cơ bản cần nắm, thầy mời sinh viên cùng chia sẻ ý kiến.
Một nam sinh viên giơ tay muốn phát biểu và đứng lên trình bày ý kiến của mình. Câu chuyện xuất hiện ngay sau khi bạn này phát biểu xong.
Người bạn chung nhóm ngồi bên cạnh nhịp nhịp lên bàn rồi cười cười. Cậu sinh viên vừa phát biểu ý kiến liền quay qua bạn mình, hỏi rất tự nhiên: "Đ.m. cười gì mày?".
Bất ngờ là cậu này vẫn còn đang cầm mic trên tay nên âm thanh rất to và rõ từng tiếng một giữa không gian lớp học mấy chục tân sinh viên mới vào trường chưa bao lâu.
3. Trở lại câu chuyện hai nữ sinh cấp III ở trên, điều đáng nói là các bạn trao đổi khá to, rồi cười rất tự nhiên, mặc cho nhiều ánh mắt từ mấy bàn xung quanh ngước nhìn, có cả những cái lắc đầu!
Trong khi vài bàn khác ngay gần đó cũng nhiều bạn đang cùng học nhóm nhưng không ai nói và chêm những từ như thế. Hay câu nói bộc phát của nam sinh viên kia lại được nói rất thoải mái, kiểu như đã quen thuộc lắm vậy.
Phải nói thật là nghe suốt cuộc chỉ bài của hai bạn gái đó, chứng kiến câu chuyện giữa lớp học kia mà thấy hoang mang, tôi tự đặt câu hỏi như cách các bạn trẻ bây giờ hay nói vui: "Liệu mình có tối cổ quá không hay giờ các bạn trẻ nói vậy là bình thường?".
Nhưng sao như thế lại có thể bình thường được nhỉ! Hẳn rằng không có gia đình nào lại giáo dục hay khuyến khích con cái mình ăn nói như vậy.
Và chắc chắn không phải bạn trẻ nào cũng dùng mấy từ ấy đệm vào cuộc nói chuyện của mình. Thế mà hai cô gái khá xinh xắn kia hay anh chàng tân sinh viên nọ lại nói rất thoải mái, thản nhiên dùng từ đệm như một thói quen vậy, bất chấp người xung quanh...
"Con tôi ở nhà chưa bao giờ nói tục"
Một vị phụ huynh từng kể với tôi xen lẫn cả thảng thốt. Số là trong một lần xem điện thoại của con, chị khá bất ngờ khi thấy con mình nhắn tin với bạn bằng những chữ mà đó giờ chị chỉ nghe loáng thoáng.
Ấy lại là tin nhắn con gái mình trao đổi qua lại với người bạn trai mà con đang có cảm tình.
Đại loại hai đứa học trò cấp II nói về việc có người bạn khác trong lớp đã báo với cô chủ nhiệm về một việc làm chưa đúng của hai đứa. Thay vì gọi người bạn đó bằng tên hay bạn kia, bạn nọ, cả hai gọi bạn mình là "đồ đ. chó"!
Chị bảo mình thấy sốc vì đó giờ ở nhà chưa một lần nghe con chửi thề một câu hay dùng từ nào kiểu như thế. Chị hoang mang mất mấy ngày để tìm cách nói chuyện với con. Thật khó. La thì hóa ra tự khai mẹ đã lén coi điện thoại của con, nhưng không chấn chỉnh thì không được.
Phải chăng chuyện người trẻ hiện nay chửi thề, nói tục hay thói quen đệm những từ tục tĩu trong lúc trò chuyện, thậm chí cả trên lớp học là điều bình thường, không có gì quá lớn hoặc đáng phải bận tâm?
Mời các bạn cùng chia sẻ suy nghĩ trước câu chuyện này và vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận