Căn nhà ông Bình đã lỡ mua nhưng giờ không có giấy chủ quyền - Ảnh: D.N.Hà |
Và như vậy những hụt hẫng, đau khổ... của những người như ông Lê Nguyễn Thanh Bình, ngụ P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM (nhân vật trong bài “Mua nhà hợp pháp bỗng thành trắng tay” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 24-1) là rất không đáng có.
Theo thông tin trong bài viết này, UBND huyện Nhà Bè ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho người bán nhà cho ông Bình và vì thế ông Bình không thể hoàn tất thủ tục sang tên nhà.
Phía UBND huyện chỉ cho biết sơ suất xảy ra do cán bộ giải quyết hồ sơ bận việc gia đình dẫn đến cấp trùng giấy chứng nhận cho hai người khác nhau. Còn hậu quả phát sinh từ sự cố này phải được xử lý ra sao - nhất là về quyền lợi của người mua ngay tình - thì không thấy họ nói gì!
Trước mắt để tự cứu mình, ông Bình có thể yêu cầu người bán hoàn trả số tiền mua nhà để ông có điều kiện tìm một chỗ ở khác và nếu việc này không thực hiện được, ông có thể khởi kiện.
Tiếp nữa, nếu thắng kiện thì ông phải chờ được thi hành án mà nhanh hay chậm, thậm chí được hay không được, tùy thuộc vào khả năng tài chính của người bán.
Là người mua ngay tình, đang tuần tự thực hiện các quy định của pháp luật về việc nhận chuyển nhượng nhà đất và hoàn toàn không có lỗi gì trong vụ việc, ông Bình có đáng phải trải qua đoạn trường cay đắng như thế?
Trước giờ, những trường hợp trớ trêu như ông Bình không phải là hiếm. Năm 2014, Sở TN&MT TP.HCM từng nhận được nhiều đơn khiếu nại của người dân về việc bị thu hồi giấy chứng nhận trong khi họ đã mua bán ngay tình, đúng pháp luật.
Các quận huyện 6, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Cần Giờ... cũng gặp nhiều trường hợp tương tự. Trong khi chờ hướng dẫn, sở lưu ý các địa phương cần cân nhắc kỹ trước khi thu hồi giấy trong trường hợp chủ đất đã chuyển nhượng.
Điều đáng nói là các quy định trước đây không nêu cụ thể thế nào là cấp giấy chứng nhận trái pháp luật và không đề cập đến hậu quả sau khi thu hồi giấy.
Đến khi Luật đất đai 2013, nghị định 48/2014 của Chính phủ được ban hành thì các nội dung liên quan mới rõ ràng hơn.
Theo đó, việc thu hồi giấy cấp không đúng đối tượng có sự loại trừ đối với trường hợp “người được cấp giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, việc xử lý thiệt hại do cấp giấy chứng nhận pháp luật gây ra được thực hiện theo quyết định hoặc bản án của tòa.
Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Cán bộ làm sai thì không thể bắt dân lãnh hậu quả. Vậy nên mọi người đã kỳ vọng rất nhiều vào Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhưng thực tế cho thấy luật này vẫn còn hạn chế.
Các cơ quan có thẩm quyền phải tính sao để khắc phục, chứ chẳng lẽ cứ để dân bức xúc và có thể trắng tay do lỗi của những người có nhiều quyền hạn nhưng lại thiếu trách nhiệm công vụ gây ra?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận