Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: N.B.
Trước kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (ĐH Fulbright Việt Nam), ngân hàng nhà nước không nên để việc thực thi chính sách trở thành câu chuyện "đẽo cày giữa đường", đã đến lúc doanh nghiệp bất động sản cần nghĩ đến những kênh huy động khác, thay vì dựa vào ngân hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói:
- Nguồn vốn trung và dài hạn không chỉ dành mỗi bất động sản mà còn nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, khi ban hành chính sách mới, NH Nhà nước đã rất linh hoạt trong việc đưa quy định và lộ trình để các NH và những bên liên quan chuẩn bị kế hoạch kinh doanh của mình.
Định hướng giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% đã có từ lâu thông qua thông tư 34 (năm 2014) và mới đây là thông tư 16, tinh thần đó đã được thể hiện và các doanh nghiệp đều biết.
Nếu tiếp tục dời lại thời điểm đưa tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn xuống còn 40% như kiến nghị của HoREA, tôi e rằng tính minh bạch trong các quy định pháp luật bị ảnh hưởng.
Nó dễ tạo ra một tiền lệ cho những lần sau trong việc ban hành các chính sách mới, dẫn đến thiếu tính kỷ luật, kỷ cương trong quy định của luật pháp.
Luật pháp không đứng về lợi ích của một nhóm nào.
* Theo ông, việc khống chế phần trăm nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn có hạn chế được tình trạng bong bóng nhà đất?
- Thực tế, nhu cầu vốn trung và dài hạn không phải bây giờ mới thực sự cần. Từ trước đến nay, nhu cầu vốn này đã rất lớn trong tất cả các lĩnh vực do đặc thù của nền kinh tế VN có hệ thống tài chính dựa nhiều vào tín dụng NH.
Nói cách khác, độ sâu tài chính của VN đến nay chủ yếu là tín dụng NH. Hệ thống này đang gồng gánh vốn trung và dài hạn cho cả nền kinh tế, chứ không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản.
Nhu cầu vốn trung và dài hạn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau nữa khi thị trường chứng khoán chưa phát huy hết vai trò vốn của mình.
Vì vậy, không có cơ sở thực tiễn trì hoãn giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bởi điều này không giúp nhiều cho nền kinh tế mà có thể còn làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế khác, đặc biệt là nền kinh tế thực là khu vực sản xuất.
Chính sách cần được thực thi nhất quán
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, lộ trình giảm tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn về 40% trong năm 2019 cần được thực thi để đảm bảo giảm rủi ro cho hệ thống NH. Nhu cầu vốn trung và dài hạn nói chung cũng như trong lĩnh vực bất động sản nói riêng cần phải tìm cách khác.
Các NH đang cố gắng vươn tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn về an toàn vốn, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và hội nhập, buộc công ty bất động sản phải giảm sự phụ thuộc vào hệ thống NH.
Với đề xuất của HoREA, nhu cầu chính đáng của người mua nhà đang bị lợi dụng
Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN
* Lý do mà HoREA đưa ra các doanh nghiệp bất động sản đang rất cần nguồn vốn vay trung, dài hạn từ các NH, theo ông?
- HoREA đưa ra nhiều lý do cho đề xuất của mình, trong đó quyền lợi của doanh nghiệp, nhu cầu nhà ở của người dân... Nhưng liệu có tính được bao nhiêu người có nhà nhờ chính sách tăng tỉ lệ tín dụng này?
Từ lâu rồi chúng ta không thiếu những chính sách nâng đỡ thị trường bất động sản nhưng giấc mơ an cư của người dân cứ ngày càng xa vời, vì tốc độ tăng giá nhà luôn nhanh hơn so với mức tăng của thu nhập người dân.
Với đề xuất của HoREA, nhu cầu chính đáng của người mua nhà đang bị lợi dụng.
* Vậy để một thị trường bất động sản có thể phát triển lành mạnh, nguồn vốn cần được đến từ những đâu?
- Phải phát huy vai trò của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường sơ cấp vì đây là kênh huy động vốn trực tiếp trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp bất động sản cần có chiến lược giảm sự phụ thuộc việc cấp vốn từ hệ thống NH, tăng tiếp cận vốn khác trên thị trường vốn và tài chính, bao gồm cả thị trường tài chính quốc tế.
Thứ hai, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn huy động trên thị trường tài chính quốc tế. Thực tế đã có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu quốc tế thành công thu được từ vài trăm triệu USD đến cả tỉ USD.
Ngoài ra, cần khuyến khích doanh nghiệp bất động sản nhỏ sáp nhập (M&A) để tăng cường năng lực tài chính. Các doanh nghiệp cũng nên tìm cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động.
Hạn chế cho người đầu cơ vay vốn
Vợ chồng tôi dự định tích cóp tiền, cộng với vay NH để mua chung cư hoặc đất ở quận vùng ven.
Vừa qua nghe thông tin các NH sẽ siết cho vay bất động sản, vợ chồng tôi cũng lo vì sợ điều kiện cho vay khó hơn và lãi suất cho vay tăng.
Theo ý kiến của tôi, để đạt được mục đích giảm bớt rủi ro cho các NH cũng như tránh được tình trạng bong bóng nhà đất, các NH chỉ nên siết cho vay đối với các đối tượng đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời.
Còn với những người có nhu cầu nhà ở thực sự thì không nên siết.
Chị NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG (Q.9)
Sợ nhất lãi suất tăng
Tôi đang dự định vay NH để mua căn hộ chung cư gần trung tâm hơn để tiện đi làm. Tuy nhiên, tìm hiểu tại các NH thì thấy xu hướng lãi suất đang lên.
Nếu trước đây khoảng 2 năm có thể vay với lãi suất 8-9% thì nay lãi suất ưu đãi chỉ còn áp dụng thời gian rất ngắn, còn phổ biến mức 11-12%/năm, khiến tôi chùn tay.
Sắp tới khi tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị siết lại, khi đó nguồn vốn cho vay bất động sản sẽ càng hạn hẹp, không biết lãi suất sẽ như thế nào.
Do chúng tôi vay mua để ở nên khoản vay kéo dài ít nhất cũng 10 năm, dài thì 15-20 năm nên lãi phải trả rất lớn.
Mong rằng NH có chính sách để người có nhu cầu vay mua nhà ở thực sự có thể tiếp cận được vốn.
Anh NGUYỄN QUỐC NAM (Q.Thủ Đức)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận