Một góc biệt phủ xây trái phép của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch- Ảnh: Hữu Khá |
Người dân không thể hiểu nổi và cũng không thể nào chấp nhận một người có chức vị lại xây biệt thự trái phép.
Từ sự thiếu gương mẫu chấp hành pháp luật của ông mà một số hộ dân khác tiếp tục xây dựng biệt phủ hoàn toàn trái phép mặc cho chính quyền địa phương nhiều lần tới lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công.
Tại các nghị định 180/2007, 121/2013, Chính phủ có giao nhiệm vụ cụ thể cho chủ tịch UBND từng cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.
Hễ phát hiện có hành vi vi phạm xây dựng là phải lập biên bản ngừng thi công hoặc đình chỉ thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hay cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Căn cứ vào các quy định này mà số đông người dân xây dựng trái phép đều có thể bị các lực lượng chức năng xử lý tùy theo mức độ. Đây cũng là cách xử lý rất bình thường của quận Liên Chiểu đối với trường hợp cũng là cán bộ nhưng chức tước nhỏ hơn ông Thạch.
Cụ thể là ông này mua tranh nứa về làm thêm cái quán ở diện tích đất lâm nghiệp trên để buôn bán thì bị đội quy tắc yêu cầu tháo dỡ, đồng thời có cảnh báo sẽ đập bỏ nếu không chấp hành.
Tại sao trường hợp nêu trên bị trị thẳng tay, nhưng với ông Thạch thì lại không? Phải chăng biệt thự thì khó tháo dỡ hơn nhà tạm hay đụng đến lợi ích của quan chức cấp cao nên không thể dễ dàng mạnh tay?
Vốn dĩ từ lâu cũng có những vụ lùm xùm quanh việc xử lý các công trình trái phép. Gần đây là Tập đoàn Mường Thanh (doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư hệ thống khách sạn Mường Thanh) liên tục xây dựng nhiều khách sạn trái phép ở Nghệ An, Cần Thơ, Bình Thuận, TP.HCM.
Có nơi buộc được Mường Thanh phải lần lượt tháo dỡ phần diện tích sai phạm, nhưng cũng có địa phương cứ dùng dằng, không lắc cũng không dám gật hoặc viện đủ lý do để xí xóa cho Mường Thanh “chạy” giấy phép. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì pháp luật có còn được thượng tôn không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận