07/06/2014 11:45 GMT+7

Không thể đếm ý cho điểm

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Những năm trước đây, ban đề thi của Bộ GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm ra đề và hướng dẫn chấm (đáp án) đi kèm, nhưng năm nay sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia, giáo viên phổ thông cùng góp ý để hoàn thiện hướng dẫn chấm thi trước khi công bố chính thức.

1bJiVUKf.jpg
Thí sinh làm thủ tục trước giờ mở đề thi môn địa lý tại hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM chiều 3-6 - Ảnh: N.Hùng
GFiuLPYy.jpg
PGS.TS Mai Văn Trinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Vì sao có sự thay đổi cách làm này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết:

* Kỳ thi năm nay sẽ là tiền đề cho việc đổi mới mạnh mẽ về hướng ra đề thi (kết hợp liên môn, tăng câu hỏi mở, vận dụng hiểu biết đời sống), vậy ở khâu giám sát, hậu kiểm cần tăng cường các quy định thế nào để đảm bảo mục đích đổi mới được thực hiện nghiêm túc, có tác dụng thật sự trở lại quá trình dạy học? Bộ có tính tới khả năng năm nay sẽ gia tăng số lượng bài thi xin phúc khảo do lo ngại việc chấm câu hỏi mở không?

- Dù mở thì vẫn có chuẩn, vì vậy năm nay số lượng bài xin phúc khảo nếu có tăng cũng không nhiều. Các hội đồng phúc khảo sẽ đảm bảo quyền lợi cho mọi thí sinh có nhu cầu theo đúng quy định của quy chế thi.

- Xây dựng hướng dẫn chấm là một khâu của công tác ra đề thi, đó là nhiệm vụ của ban đề thi. Cùng với việc soạn thảo đề thi, ban đề thi đã chuẩn bị kỹ hướng dẫn chấm cho tất cả các môn thi. Năm nay đề thi các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý tiếp tục được ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội, phát huy năng lực của học sinh. Các em được trình bày quan điểm, ý kiến, được thể hiện tư tưởng, cảm xúc của cá nhân, nếu không trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật thì đều được đánh giá, cho điểm. Nghĩa là khuyến khích và chấp nhận các đáp án khác nhau. Việc hướng dẫn chấm thi vì vậy trở nên khó khăn hơn.

Để có hướng dẫn chấm tốt nhất, bộ thấy cần có thêm ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các trường THPT góp ý cho ban đề thi. Đồng thời, đây là việc làm cần thiết, giúp công tác chấm thi được thuận lợi, từ đó nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

* Mục tiêu của việc đổi mới nội dung đề thi là kiểm tra năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức, khuyến khích sáng tạo của thí sinh. Hướng dẫn chấm các môn xã hội cũng cho phép giám khảo chấm điểm những bài làm có cách trình bày khác có sự thuyết phục, không trái với nguyên tắc chung. Nhưng làm thế nào để đảm bảo giám khảo, các hội đồng chấm thi thực hiện đúng tinh thần này khi tâm lý tuân thủ cứng nhắc “hướng dẫn chấm” nhiều khi vẫn còn?

- Khi sử dụng câu hỏi “mở” thì yêu cầu đáp án cũng phải là đáp án “mở”. Cụ thể không phải là “đếm ý lấy điểm” như trước đây, mà chú trọng vào việc thí sinh bộc lộ được tư tưởng, truyền tải được thông điệp với văn phong đảm bảo logic và thẩm mỹ, thể hiện được tư duy sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật VN. Như vậy, học sinh có thể có những cách trả lời khác nhau nhưng đúng đều có thể đạt điểm. Nếu các em đều có thông điệp và tư tưởng đúng, câu trả lời được trình bày với nội dung đầy đủ, lý lẽ sắc bén, chặt chẽ, văn phong trong sáng thì sẽ được điểm cao hơn.

Giáo viên đã và đang từng bước được bồi dưỡng và trải nghiệm thực tế với việc ra đề và chấm thi như vậy. Đó cũng chính là quá trình ngày càng giao quyền chủ động, phát huy tính sáng tạo của giáo viên trong dạy học.

* Việc chấm thi câu hỏi mở đòi hỏi giám thị phải linh hoạt, nhưng linh hoạt đến mức nào? Khi quan điểm giữa các giám khảo chấm quá lệch nhau đối với câu hỏi mở thì cần làm thế nào để thống nhất?

- Phải linh hoạt thì mới có sáng tạo, năng lực này cần có quá trình bồi dưỡng, rèn luyện. Như trên đã nói, giáo viên chúng ta đã và sẽ tiếp tục được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực này. Ra đề và chấm thi theo hướng mở, vì vậy cũng là một quá trình ngày càng tốt hơn. Bộ đã chỉ đạo những năm đầu chỉ đòi hỏi ở mức độ thấp, sẽ nâng cao dần trong những năm sau, đảm bảo phù hợp với sự tiến bộ của quá trình dạy học và năng lực của giáo viên và học sinh. Mặt khác, trong hướng dẫn chấm cần đặt ra các yêu cầu tối thiểu, đó là chuẩn chung, thống nhất áp dụng cho các bài thi đạt điểm, phần “mở” linh hoạt chỉ có thể có được trên “nền” chung đó.

* Đề thi môn văn có một câu 7 điểm nhưng hướng dẫn chấm không quy định điểm cho các phần nhỏ trong câu này. Có nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó chấm và độ chính xác, công bằng giữa các bài thi sẽ không đảm bảo nếu trình độ giám khảo không đồng đều, không thống nhất được trong hội đồng chấm thi. Xin ông cho ý kiến về việc này?

- Đề mở không yêu cầu và không thể yêu cầu các bài văn được viết theo một dàn ý giống nhau. Đây chính là hướng dạy văn học tiếp cận cuộc sống. Do đó, khi chấm không thể “đếm ý cho điểm”. Không quy điểm cho từng phần nhỏ được nhưng hướng dẫn chấm đã đặt ra các mức độ yêu cầu tương ứng với các mức điểm khác nhau. Không thể hiểu về tính chính xác trong văn học giống như trong toán học hay trong khoa học tự nhiên.

Mặc dù có chuẩn chung, nghệ thuật trong văn chương phải chấp nhận cái riêng của người viết và cả cái riêng của người cảm thụ.

Chấm thi các nơi

TP.HCM: Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chủ tịch hội đồng chấm thi - cho biết hội đồng chấm thi đã khai mạc từ sáng 5-6 với công việc rọc phách, đánh mật mã bài thi. Chiều 7-6, sở mới chính thức triệu tập 1.445 giám khảo và triển khai công tác chấm thi. Dự kiến ngày 14-6 sở sẽ công bố kết quả.

H.HG.

Hà Nội: Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sẽ có bốn phân hội đồng chấm thi bao gồm phân hội đồng ngữ văn; phân hội đồng toán, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ; phân hội đồng chấm trắc nghiệm và phân hội đồng phách. Với số lượng thí sinh đông, Hà Nội huy động trên 1.300 giáo viên làm công tác chấm thi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết kết quả thi dự kiến được công bố ngày 16-6.

V.HÀ

Lâm Đồng: Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, chiều 7-6 hội đồng chấm thi khai mạc. Các giám khảo sẽ chính thức bắt tay vào công tác chấm thi từ ngày 8 đến 16-6. Để phục vụ việc chấm thi, năm nay Sở GD-ĐT huy động hơn 200 giám khảo, chưa kể bộ phận kỹ thuật chấm thi trắc nghiệm. Trong đó, nhiều nhất là môn toán và văn là 75 giám khảo/môn, ít nhất là môn sử 12 giám khảo. Dự kiến ngày 17-6, Sở GD-ĐT sẽ công bố điểm thi.

PHAN THÀNH

Đà Nẵng: Chiều 6-6, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết hội đồng chấm thi đã tiến hành rọc phách bài thi. Từ ngày 5 đến 17-6, hội đồng chấm thi thực hiện việc chấm bài. Dự kiến công bố kết quả vào ngày 18-6. Từ ngày 19 đến 25-6, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả hồ sơ học bạ cho học sinh.

Đ.CƯỜNG

Bình Định: Ông Đào Đức Tuấn, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cho biết từ ngày 9-6 Sở GD-ĐT sẽ chính thức chấm thi. Hiện sở đã triệu tập hơn 300 giáo viên các bộ môn làm nhiệm vụ chấm thi. Chậm nhất là ngày 18-6, sở sẽ công bố kết quả thi. Tuy nhiên sở sẽ “phấn đấu hoàn thành việc chấm thi và công bố kết quả trước ngày 18-6”, ông Tuấn cho biết thêm.

X.NGUYÊN

Đồng Nai: Bà Trương Thị Kim Huệ, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết công tác rọc phách bài thi đang được triển khai, đến sáng 8-6 sở sẽ chính thức bắt đầu chấm thi. Theo bà Huệ, năm nay do số lượng môn thi nhiều hơn so với mọi năm nên sở huy động nhiều giáo viên hơn, trong đó có cả giáo viên dạy tiếng Anh để chấm phần tự luận. Để sớm hoàn thành công tác chấm thi và công bố ngày 17-6, sở đã phân công hơn 600 giáo viên chấm thi ở các môn.

N.T.PHÚC

Đắk Lắk: Ông Trương Thức, chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết dự kiến ngày 17-6 sẽ công bố kết quả thi. Với gần 24.000 thí sinh, ngành giáo dục tỉnh huy động trên 350 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác chấm thi.

HOÀNG GIA

Bình Phước: Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, cho hay từ chiều 4-6 hội đồng chấm thi bắt đầu các khâu kỹ thuật chấm thi, rọc phách. Đến sáng 8-6 sở sẽ chính thức chấm thi. Dự kiến kết quả chấm thi sẽ công bố ngày 15-6.

BÙI LIÊM

Cần Thơ: Theo Sở GD-ĐT, ngay khi kết thúc kỳ thi, hội đồng chấm thi đã bắt đầu làm việc. Sở huy động 220-250 cán bộ tham gia chấm thi, dự kiến công bố vào ngày 18-6.

MINH TÂM

An Giang: Ngày 6-6 tỉnh An Giang đã bắt đầu tổ chức chấm thi, đến ngày 18-6 sở sẽ sơ duyệt và công bố kết quả tạm thời. Sau đó nhận đơn đề nghị chấm phúc khảo của thí sinh trong một tuần và kết quả phúc khảo sẽ công bố ngày 28-6.

Đ.VỊNH

Hậu Giang: Ông Lê Hoàng Tươi, giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết ngày 7-6 bắt đầu chấm thi, buổi sáng nhóm giám khảo chấm bài thi trắc nghiệm sẽ chấm trên máy. Cùng lúc này nhóm giám khảo chấm bài tự luận sẽ được sinh hoạt đáp án, buổi chiều chấm mẫu ở mỗi hội đồng thi năm bài thi, đến ngày 8-6 chấm đại trà. Công tác chấm thi sẽ hoàn tất vào ngày 17 và công bố kết quả ngày 18-6.

LÊ DÂN

Cà Mau: Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết ngày 9-6 bắt đầu tổ chức chấm thi các môn tự luận. Hội đồng chấm thi của tỉnh có hơn 300 người. Công tác chấm thi các môn tự luận dự kiến hoàn thành trước ngày 16-6. Sau đó tiến hành ráp điểm thi tự luận với trắc nghiệm. Theo quy định, ngày 18-6 công bố điểm thi tốt nghiệp nhưng Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết có thể công bố điểm sớm hơn.

TẤN THÁI

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên