08/08/2013 07:49 GMT+7

Không thể cứ lấy ngân sách "nộp phạt"

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Thông tin Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Thủ tướng được sử dụng hơn 155 tỉ đồng từ tiền ngân sách của TP Hà Nội để “nộp phạt” cho nhà thầu Tokyu (Nhật) do việc bàn giao mặt bằng chậm có lẽ là giọt nước tràn ly của dư luận về tình trạng giải phóng mặt bằng, dự án “rùa”...

Hơn 155 tỉ đồng là khoản tiền ngân sách không nhỏ, được chắt chiu từ những đồng thuế đóng góp của người dân. Đau xót hơn cả, số tiền trên là những thiệt hại vô cùng to lớn về mặt kinh tế do nguyên nhân từ việc chậm tiến độ của dự án. Chưa nói đến thể diện, uy tín quốc gia trước các nhà thầu, nhà đầu tư quốc tế bị tổn hại... còn lớn hơn rất nhiều số tiền cụ thể trên. Thế nhưng, đến nay xem ra việc mổ xẻ trách nhiệm cá nhân, tập thể dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của dự án vẫn chưa được các cơ quan hữu quan làm rõ, truy đến cùng của sự việc.

Có thể thấy để dự án kéo dài tiến độ do mặt bằng bàn giao chậm, trách nhiệm lớn nhất thuộc về UBND các địa phương. Bởi giúp việc cho các cơ quan này có hẳn một ban bồi thường giải phóng mặt bằng, với nhiệm vụ kiểm kê, thỏa thuận với người dân trong việc giải tỏa đền bù. Nay để xảy ra chậm trễ, cơ quan này đã làm hết trách nhiệm được giao chưa? Đã thật sự đi sâu sát vận động, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người bị giải tỏa chưa? Không thể nào đổ lỗi quanh co là do người dân không chấp nhận mức đền bù để rồi... bó tay.

Bên cạnh đó, ban quản lý dự án cũng không thể “vô can” trong trường hợp này. Là đơn vị đại diện chủ đầu tư thế nhưng cơ quan này có sâu sát, gặp gỡ bàn thảo với ban bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ? Khi dự án gặp vướng mắc thì giải pháp tháo gỡ đưa ra là gì, trách nhiệm đôn đốc tới các cơ quan đến đâu? Lý do ban giải phóng đền bù chậm chuyển mặt bằng chỉ một. Còn dự án chậm tiến độ, để xảy ra nhà thầu đòi bồi thường, trách nhiệm phải thuộc về ban quản lý dự án, trách nhiệm người đứng đầu.

Chính phủ đã có quy định rất rõ đối với tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nếu để hai năm thua lỗ liên tiếp sẽ bị cách chức. Thế nhưng, tổng giám đốc các ban quản lý dự án giữ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng, khi chậm tiến độ gây thiệt hại lớn cho ngân sách lẽ nào lại... vô can.

Giải quyết tình trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh siết lại trách nhiệm người đứng đầu, phương thức quản lý các dự án hiện nay phải tính lại. Tại sao cho đơn vị tư nhân, nước ngoài tham gia thầu tư vấn, thiết kế, giám sát thi công, thi công lại không cho họ tham gia “thầu quản lý dự án” với vai trò ban quản lý dự án? Giải pháp thuê đơn vị thầu quản lý dự án tư nhân, nước ngoài, theo các chuyên gia, ít nhất sẽ giúp dự án chạy nhanh hơn, vì nếu để chậm ngày nào họ sẽ phải bỏ tiền túi ra trả cho nhà thầu, chứ không phải lấy tiền ngân sách như hiện nay.

Thực tế vừa qua cho thấy dự án cầu Nhật Tân chỉ là một trong rất nhiều dự án bị chậm tiến độ vì lý do chậm bàn giao mặt bằng.

Thời gian tới nếu không thay đổi cách làm, mạnh tay hơn nữa với các dự án “rùa”, rất có thể số tiền ngân sách phải trích ra để “nộp phạt” cho nhà thầu sẽ không dừng ở con số 155 tỉ đồng.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên