Rất khó để giải quyết bài toán này khi điện than, điện khí... đều thiếu nguyên liệu, thủy điện thiếu nước, còn điện tái tạo lại đang kẹt chỉ vì phát triển không tuân thủ quy hoạch.
Việc thực hiện quy hoạch điện 7 và quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong những năm qua được xem là nền tảng để đảm bảo điện cho đất nước.
Thế nhưng, triển khai có chệch choạc. Trong khi nguồn phát điện lớn như nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Sông Hậu 1... chậm đưa vào vận hành, ngược lại, qua sự nở rộ của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở phía Nam đã gây thêm nhiều khó khăn cho công tác vận hành hệ thống.
Điện mặt trời, điện gió cần khuyến khích, đúng rồi, nhưng khi triển khai lại không chuẩn bị kỹ các điều kiện pháp lý, đầu tư thiếu đồng bộ với hệ thống truyền tải... đã khiến nhiều nhà máy điện tái tạo không thể phát điện cũng như chia lửa cho các nguồn điện than, khí...
Ngay từ năm 2019 đã có cảnh báo điện tái tạo phát triển nóng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hệ thống truyền tải không theo kịp, nhà đầu tư có thể phải "khóc trên đống tài sản" nhưng cuộc đua xây nhà máy ở "điểm nóng" vẫn không dừng lại.
Liệu có khắc phục được không? Có thể đưa điện từ Nam ra Bắc, sử dụng điện tái tạo bù vào các nguồn điện từ khí, dầu, than... được không? Được cả. Nhưng cần nhiều thời gian, cần thêm vốn đầu tư (như hệ thống truyền tải từ nơi này qua nơi khác...), như vậy là không hiệu quả, tốn kém.
Lẽ ra, nếu làm đúng bài, chẳng ai xây quá nhiều nhà máy điện ở nơi không có đủ hệ thống truyền tải đến nơi tiêu thụ. Là phải tuân thủ nguyên tắc nguồn điện ở đâu, tiêu dùng tại đó, hạn chế truyền tải đi xa để giảm tổn thất điện, giảm áp lực lên lưới truyền tải.
Chưa kể, việc đầu tư một dự án điện lớn phải mất tới vài năm và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đi kèm theo đó là những cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên...
Những nguyên tắc đó đã được thể hiện qua quy hoạch điện từng thời kỳ. Lẽ ra, sau mỗi kỳ thực hiện quy hoạch, đất nước có đủ điện sử dụng, các nhà máy điện phải được vận hành hiệu quả, nhà đầu tư ăn nên làm ra.
Thế nhưng, sau mỗi kỳ thực hiện quy hoạch, vẫn không khắc phục được tình trạng thiếu - thừa điện, nhiều dự án và nhà đầu tư trong tình trạng "sống dở chết dở".
Và lúc này, cả nhà quản lý, doanh nghiệp vẫn phải ngồi lại để giải quyết hậu quả thực hiện quy hoạch "chệch choạc". Cứ nhìn hàng loạt trụ điện gió, dự án điện mặt trời không thể phát điện mà xót xa. Cũng là tiền của xã hội, sao lại không thể phục vụ xã hội...!
Bài học từ việc triển khai quy hoạch điện 7 cần được rút ra để việc xây dựng và triển khai quy hoạch điện 8 không lặp lại vết xe của các quy hoạch trước. Bởi cái giá của một chút chệch choạc trong triển khai quy hoạch điện cũng có thể gây "sóng gió" cho nền kinh tế, nhẹ là liên quan đến giá cả, cao hơn là thiếu điện cục bộ, thậm chí là trên diện rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận