Ông Nguyễn Xuân Lập - cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Ông Nguyễn Xuân Lập - cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 29-3.
Theo ông Lập, tình hình và giải quyết vấn đề mại dâm của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới rất phức tạp. Mại dâm luôn tồn tại, gắn với sự phát triển của xã hội, không thể loại trừ.
Ở Việt Nam, dù có pháp lệnh về phòng chống mại dâm, công tác phòng chống mại dâm có làm mạnh đến mấy thì kết quả cũng chưa đạt như mong muốn, kỳ vọng.
* Đã có pháp lệnh, cả bộ máy chính quyền vào cuộc phòng chống mại dâm mà kết quả không như mong muốn. Tại sao vậy, hay là chúng ta đã và phải... chấp nhận mại dâm, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Lập: Trong công tác phòng chống mại dâm có rất nhiều cái khó. Quan trọng nhất là những người tham gia bán dâm mỗi người có mục đích, điểm xuất phát khác nhau. Có người do nhu cầu kinh tế, có người do hoàn cảnh…
Trước đây, mại dâm kín đáo, ẩn dật, nhưng giờ các phương thức truyền thông, liên lạc nở rộ từ Facebook, Zalo, tin nhắn… nên tình hình càng trở nên phức tạp, không thể nắm bắt, quản lý được ai là người bán dâm, ai là người mua dâm.
Kinh tế phát triển, mở cửa, khu kinh tế, khu ngoại giao, khu du lịch xuất hiện càng nhiều thì cũng kéo theo những hệ lụy, những đòi hỏi về dịch vụ du lịch từ ăn uống đến vui chơi giải trí, trong đó có mại dâm.
* Có ý kiến cho rằng chúng ta "nhân văn", không hình sự hóa vấn đề mại dâm nên việc phòng chống gặp khó khăn?
- Việt Nam quá nhân văn trong vấn đề này. Trong pháp lệnh hay các văn bản chỉ đạo đều không thể hiện việc hình sự hóa, người mua, bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính.
Bán dâm cho một người thì xử phạt vài trăm ngàn, bán cho nhiều người thì phạt tăng lên. Người mua dâm khi bị phát hiện, bắt quả tang cũng chỉ bị xử phạt và thông báo cho thủ trưởng cơ quan, nếu người đó là cán bộ công chức. Trong pháp lệnh không quy định việc bêu tên người mua, bán dâm.
* "Mại dâm luôn tồn tại", vậy có thể đã đến lúc xem xét để thừa nhận, cho phép hoạt động, coi mại dâm như một nghề?
- Tôi khẳng định quan điểm của Việt Nam, và cá nhân tôi - cục trưởng, rằng mại dâm không thể là một nghề. Ít nhất là từ nay đến năm 2020 - thời điểm Bộ Lao động - thương binh và xã hội dự kiến trình luật về mại dâm, đây chưa thể coi là một nghề.
Thứ nhất, Việt Nam là đất nước có văn hóa, truyền thống Á Đông. Thứ hai, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì theo quy định phải tuân theo luật giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương…
Quan điểm của chúng ta là luôn tôn trọng công ước về quyền con người mà chúng ta đã tham gia cam kết với quốc tế. Hiến pháp, pháp luật của chúng ta từ trước đến nay cũng đề cao quyền coi người. Chúng ta không thể chấp nhận mại dâm cũng như nạn bóc lột, cưỡng bức, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Mại dâm bị cấm ở hầu hết các quốc gia. Một số chính phủ cho rằng nên "hợp pháp hóa" để dễ kiểm soát, nhưng sau một thời gian đã thấy việc hợp pháp hóa mại dâm không đạt được mục tiêu đề ra mà còn làm vấn đề nghiêm trọng hơn.
Một số nước sau một thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn.
* Khi báo Tuổi Trẻ nêu vấn đề nên hay không nên lập "phố đèn đỏ", đa số bạn đọc ủng hộ lập. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi cũng tham khảo và biết nhiều người, trong đó có cả những đại biểu Quốc hội, ủng hộ việc lập "phố đèn đỏ" tại các đặc khu kinh tế. Tôi cũng đồng ý với quan điểm khi mở đặc khu kinh tế thì sẽ có những khu vui chơi giải trí, trong đó người ta muốn có "phố đèn đỏ".
Nếu sau này Chính phủ cho phép lập "phố đèn đỏ" trong các đặc khu kinh tế thì chính quyền địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc thí điểm, mở trong phạm vi nào, đối tượng ra sao. Giống như mở casino, chỉ cho phép trong phạm vi hẹp, và chỉ dành cho người nước ngoài.
Địa phương cần chắc chắc có kiểm soát được thì mới đề xuất mở. Hà Lan hay Thái Lan thì cuối cùng họ cũng không thể kiểm soát nổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận