Phóng to |
Dù trong hoàn cảnh nào, Kim vẫn hết lòng hi sinh cho chồng - Ảnh: Quốc Việt |
Thân cò ở bãi nghiện
... Gia đình đông anh em, Sơn phải bỏ dở lớp 7 để ra đồng. Ruộng hẹp, người đông, anh lại lăn vào mỏ than kiếm sống rồi sa đà bạn nghiện lúc nào không hay. Lúc mới quen Kim ở thôn bên, Sơn giấu chuyện nghiện ngập và hi vọng hạnh phúc gia đình sẽ giúp anh qua được. Đến lúc Kim phát hiện người yêu nghiện, cô cũng hi vọng tình yêu sẽ vượt lên tất cả. Đặc biệt, những buổi nhìn anh hết quần quật đổ mồ hôi ở mỏ than lại chăm chỉ đồng áng, Kim càng nghĩ niềm tin mình đúng.
Ngay sau đêm động phòng Sơn lại đói thuốc, không thể vượt qua được mình. Kim gạt nước mắt, nén xấu hổ đi hỏi han cách cai nghiện. Về nhà cô rủ rỉ với chồng: “Anh cố gắng cai ở nhà, có em bên cạnh anh. Tương lai mình còn con cái và hạnh phúc nữa...”. Sáng sau, vợ chồng vất ma túy xuống ao rồi lặng lẽ khóa trái cửa nhà. Sơn vật vã đói thuốc. Kim như cái bóng bên cạnh, suốt ngày đêm xoa bóp cho chồng. Lúc rời tay cô lại nấu cháo, sắc niêu thuốc bổ, đút từng muỗng cho chồng. Sơn vật vã gạt đổ. Kim bật khóc: “Nếu anh không ăn, em cũng không ăn. Vợ chồng mình cùng chết!”.
Vài ngày sau, Sơn dứt được nghiện. Vợ anh cũng vui trẻ hẳn ra. Nhưng rồi chưa được dăm hôm, anh lại bị bạn nghiện lôi kéo. Đó cũng là lúc Kim có thai con gái đầu lòng. Bằng tình yêu thương của người vợ và cả giọt máu hai người đang trong bụng, cô thuyết phục chồng tiếp tục cố gắng đoạn tuyệt ma túy. Nhiều đêm cô bụng bầu lặc lè ngồi gác cửa, ngăn không cho bạn nghiện đến rủ rê chồng trở lại đường cũ. Trong nhà, Sơn vã thuốc, hết đòi đuổi vợ về nhà bố mẹ lại hăm đấm chết cô. Lần thứ hai thất bại. Đến lần cai nghiện thứ ba Sơn xót vợ, thề “chém chết thằng nào rủ mình chơi thuốc” nhưng rồi anh vẫn đầu hàng!
Gia đình kiệt quệ, vài ngày đầu Sơn còn lê lết cầm rá mượn gạo hàng xóm, nhưng rồi họ cạch mặt thằng nghiện. Túng quá đâm liều, Sơn lén lút trộm vặt. Nhiều đêm Kim nhìn xà nhà nghĩ quẫn chuyện treo cổ tự tử. Nhưng mỗi lần cầm dây thòng lọng, cô lại khóc nhìn con! Mẹ chết, con thơ chắc cũng không sống nổi với cha nghiện ngập!
Đến một chiều hè năm 1996 thì Sơn bị bắt khi đang lén lút tổ chức cho bạn nghiện hút chích. Kim chỉ kịp vắt nắm cơm tất tả bế con chạy lên huyện. Gửi nắm cơm vào phòng giam cô nhắn: “Đây cũng là cơ hội cho anh làm lại cuộc đời. Mẹ con em vẫn đợi anh về!” ...
Em đã cứu anh
Ngày ra tòa ở Thái Nguyên, Sơn cứ đảo mắt tìm hình bóng vợ con. Anh vừa mong mỏi gặp mặt, vừa sợ phải nhìn vào ánh mắt họ. Vừa lê bước vào tòa, Sơn đã thấy vợ xanh xao, tiều tụy bế con gái đứng chờ. Suốt cả phiên xử hôm ấy, Sơn cứ cố ngoái nhìn vợ con đang lặng lẽ ngồi ở góc phòng.
Phiên tòa kết thúc, Kim cố chạy theo nói với chồng: “Anh cố gắng nhé. Dù thế nào em cũng ở nhà nuôi con, đợi anh về!”. Vào đến phòng giam, Sơn bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh thấy mình quá yếu đuối, ích kỷ. Vợ anh sẽ thế nào, rồi con thơ của anh sẽ ra sao nếu lớn lên ở bãi mỏ nghèo khó, đầy rẫy phức tạp này mà không có người cha bên cạnh?
Sơn như bừng tỉnh. Kỷ luật nghiêm khắc trong trại giam ở Vĩnh Phúc đã giúp anh vượt qua cơn thèm thuốc. Rồi những lần Kim bế con đi thăm như truyền thêm niềm tin cho anh. Hồi mới yêu nhau Sơn đã biết Kim bị say xe. Mỗi lần phải đi xe là cô nôn thốc nôn tháo cả mật vàng mật xanh, về đến nhà đổ bệnh luôn cả tuần. Khi anh bị chuyển từ trại giam ở Thái Nguyên sang Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Kim vẫn cố bế con đi thăm chồng đều đặn. Có hôm Kim đi xe khách, nhiều lần quá giang xe than, xe tải chở hàng để tiết kiệm tiền. Gặp được mặt chồng, người cô rũ rượi như tàu chuối héo.
Những lần lên thăm chồng Kim luôn tươi cười, nói chuyện đồng áng lạc quan ở nhà. Mãi sau khi được thả về, Sơn mới xót xa biết đó là những tháng ngày vợ phải lặng lẽ một mình chịu khổ cực trăm bề vì chồng con. Nhà không có sinh kế nào khác ngoài mảnh vườn bé, Kim phải chạy vạy ngược xuôi làm thuê khắp xóm. Nhiều ngày không có việc làm, Kim phải luộc sắn, húp nước cháo loãng cầm hơi mà dành cơm cho con thơ. Để có tiền mỗi tháng đi thăm chồng, nhiều đêm tranh thủ lúc bé ngủ cô phải mò mẫm ra đồng làm thêm. Suốt thời gian Sơn ở trại giam cô không bao giờ đụng đến thịt cá, vì có chút nào là để thăm nuôi chồng và nhường con.
Hàng xóm biết chuyện, thương cảnh cô Kim hiền lành như thân cò vất vả. Một số đàn ông trong xóm, kể cả các anh lái xe hay chở cô đi thăm chồng từ ái ngại gia cảnh, chuyển sang khâm phục rồi dần có tình cảm với Kim. Lúc này cô vẫn chưa tròn 30 tuổi, cái tuổi xuân sắc của người phụ nữ lẽ ra phải được bảo bọc, yêu thương trong vòng tay đàn ông. Ngay bạn bè Kim nhiều lần cũng bóng gió rằng hãy kiếm một người chồng khác tử tế để lo cho mình và con cái. Kim lắc đầu ôm chặt con vào lòng!
Ngày Sơn mãn hạn tù, Kim bế con đi đón anh. Cô ôm chặt chồng mà không kìm được nỗi mừng vui khi thấy anh khỏe mạnh, hồng hào hẳn ra. Cô xúc động đến bật khóc khi nghe anh nói: “Mình cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc mới em nhé”.
Sơn về nhà, thay đổi hẳn tính cách. Ngoài thời gian quây quần bên vợ con, anh chăm chỉ làm việc để không còn thời gian rảnh rỗi có thể tái nghiện. Sơn cũng tránh hết bạn nghiện cũ, kể cả những lúc mời mọc trà nước. Hiểu chồng nỗ lực đoạn tuyệt nghiện ngập, Kim tươi trẻ hẳn ra. Gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Biết chồng vẫn làm việc ở bãi than có nhiều người nghiện, Kim tìm cách hỗ trợ chồng tránh xa ma túy. Những ngày dòng họ có đám mời cơm rượu, Kim kiên trì đợi chồng cùng về. Cô sợ lúc say anh dễ trở lại đường cũ. Tình yêu thương của vợ giúp Sơn đoạn tuyệt nghiện ngập và chăm chỉ lo hạnh phúc gia đình.
Rồi thiên thần thứ hai của họ chào đời. Năm 2000, anh và vợ đã cần mẫn gần cả năm nung vôi, đóng gạch đến bật cả móng tay để xây ngôi nhà đầu tiên thay cho xác nhà tranh vách lá cũ. Từ kinh nghiệm này, vợ chồng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nhỏ. Năm 2010, Sơn nhận bằng khen trong chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ. Anh treo bằng khen ngay bên bàn làm việc để ngày ngày nhắc nhớ mình quá khứ buồn và tránh xa con đường cũ.
Hôm tôi đến thăm, vợ chồng Sơn đang xây ngôi nhà thứ hai hơn 1 tỉ đồng làm văn phòng cho công ty ở huyện Đại Từ. Đến nay, họ đã có hơn 30 công nhân thường xuyên, chưa kể số làm thời vụ. Trong những người giúp xây nhà có cả những bạn nghiện trước đây đã rủ rê Sơn, giờ lại được anh tạo việc làm để cai nghiện. Sơn tâm sự trong xúc động: “Cha mẹ cho mình cuộc đời. Rồi chính vợ đã cứu lấy đời mình. Nếu không có cô ấy, tôi không có ngày hôm nay!”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1:Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
_______________________
Gần như cả cuộc đời họ phải sống trong bóng tối với ý nghĩ đời mình bế tắc. Nhưng tình yêu đã sưởi ấm đôi tim lạnh giá và giúp họ dựng nên một tổ ấm tuyệt vời...
Kỳ cuối: Bước ra bóng tối
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận