10/07/2011 07:05 GMT+7

Không thể chia tay - Kỳ 4: Đời khoai củ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Ông lặng lẽ ngồi ở bậu cửa đợi bà về. Hôm nay bà mang khoai đi bán và dặn ông đợi cơm. Nếu bà bán được khoai sẽ mua ít tép tươi về xào với khế cho ông ăn đỡ xót ruột.

sVZjMHcn.jpgPhóng to

Bao nhiêu năm rồi bà vẫn hằng ngày chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, làm dịu từng cơn đau của ông - Ảnh Q.V.

Hơn chục năm phải chạy thận nhân tạo, người ông yếu lắm, không biết đi lúc nào. Nghĩa tình vợ chồng sống bên nhau đến đầu bạc rồi, nỗi đau của ông như cũng là nỗi đau thấm vào máu, vào tim bà. Đêm đêm trái gió trở trời, ông quằn quại đau đớn, bà ngồi khóc, níu chặt tay ông như cố giữ chồng ở lại với mình..

Một đời vì chồng con

Tôi vào “xóm chạy thận” ngõ Cột Cờ, phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội, hỏi thăm ông Mai Hồng Mã ai cũng biết. Đã 77 tuổi mà ông vẫn phải gửi tấm thân mong manh ở xóm trọ khốn khổ của người bệnh này. Cuộc sống ông đếm từng ngày bên chiếc máy chạy thận nhân tạo. Nhưng buồn nhất là con cái ông có mấy người, kể cả con rể, cũng đang phải chịu đựng căn bệnh hiểm nghèo như cha!

Suốt buổi chiều ngồi tâm sự với tôi, đợi bà đi bán khoai về, ông cứ nhắc mãi về người vợ: “Nếu không có bà ấy, chắc cha con tôi đã về với tổ tiên lâu rồi. Tôi đau ốm, khổ sở một, bà ấy còn khổ sở gấp mười. Cả đời bà ấy sống vì chồng con, chưa một ngày nào dám ăn miếng ngon, mặc đẹp cho mình!”.

Ông xúc động kể tình nghĩa vợ chồng đã gắn với nhau 40 năm. Chiến tranh, chia ly rồi nghèo khó, bất hạnh, bệnh tật, vợ chồng đều từng nếm trải cả, nhưng chưa ai làm cho ai phải buồn, phải giận một ngày nào. Mùa đông năm 1971, lần đầu tiên ông nắm tay bà cũng là lúc họ chuẩn bị đám cưới.

Năm ấy, ông được về phép sau mấy năm biền biệt trên chiến trường. Quê ông ở Ba Vì, Hà Tây. Bố mất sớm, nhà chỉ còn anh trai. Vừa mừng đón em trai về phép, người anh vừa khóc: “Hay em tranh thủ 15 ngày phép tìm chỗ đầu gối tay ấp. Em cứ biền biệt chiến trường, nếu có gì anh ân hận lắm!”.

Lúc đầu ông Mã từ chối, sợ mình ra trận không về, làm khổ đời người ta. Nhưng khi anh trai kể cô gái đã chấm ở nhà cho em, ông Mã xiêu lòng. Cô gái Trần Thị Hòa ấy chính là con gái thầy giáo làng của ông. Hồi còn cắp cặp đến nhà thầy, ông đã thầm mến cô Hòa xinh xắn, chăm chỉ.

Ngay tối ấy, hai anh em sang thưa chuyện thầy giáo làng. Thầy nhìn con gái đang đứng đỏ mặt e thẹn ở góc nhà, hiểu ý con đã ưng anh lính tử tế. Ông dặn dò: “Hai con kết duyên lúc chiến tranh, nghèo khó thế này, đến sinh mạng còn không biết còn mất thì phải trân trọng từng ngày được bên nhau. Vợ chồng cốt thương nhau ở cái tình, cái nghĩa. Lúc được bưng chén cơm đầy, ngủ giường ấm không nói gì, ngay khi ốm đau, khốn cùng nhất, các con cũng phải thương yêu nhau...”.

Vợ chồng son quấn quýt được 15 ngày, ông Mã lại ra trận. Cô Hòa bịn rịn trao cho chồng chiếc khăn kỷ niệm: “Anh cứ yên lòng ra đi. Em sẽ đợi anh về!”. Ở chiến trường, vợ chồng thường xuyên thư từ cho nhau. Cuối thư, ông hay dặn vợ nếu ông có chuyện gì thì vợ đừng phải giữ lời thề.

Và năm 1975 ông đã trở về. Vợ chồng vừa mừng được bên nhau, lại tiếp tin vui cô Hòa có thai.

Đây cũng là thời gian vợ chồng rất khó khăn. Gạo không đủ nấu cơm, đến sắn cũng thiếu để độn. Ông Mã cứ vờ xới bát cơm, rồi lừa lúc vợ không để ý lại đổ vào nồi để nhường phần no cho vợ đang mang thai. Khổ nhất là lúc con trai đầu lòng ra đời. Cô Hòa thiếu sữa nuôi con. Sữa ngoài thì không có tiền mua.

Vợ chồng phải bớt ăn, dành gạo nấu cháo cho con. Họ bỏ cháo vào vải màn vắt lấy nước cho con uống. Phần bã còn lại vợ chồng mới dám chia nhau ăn. Bữa đói nhiều hơn bữa no, nhưng cô Hòa không bao giờ lộ mặt buồn hay than vãn một lời vì sợ chồng lo.

Khi ông Mã nhận lệnh đi làm giáo viên quân sự miền núi, cô Hòa lại ở nhà một mình nuôi con. Vừa chăm con vừa phải lo đồng áng nhưng cô luôn viết thư vui tươi cho chồng. Thương vợ, ông Mã dặn anh nuôi bớt phần ăn của mình để dành gạo gửi về cho vợ con. Những lần được về phép, ông giành hết việc vợ, kể cả giặt giũ, tắm táp cho con. Ông hiểu vợ đã hi sinh cho mình quá nhiều rồi!

Yêu thương trong khổ đau

40 năm duyên nợ vợ chồng chưa ngày nào thoát được nghèo khó, nỗi lo cơm áo, nhưng gia đình luôn tràn ngập tiếng cười yêu thương. Bắt đầu từ năm 1998 ông Mã bị bệnh, rồi phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Ông bà phải thuê phòng trọ 7m2 ở ngõ Cột Cờ gần bệnh viện để chống chọi với bệnh tật.

Nhà đã khó khăn lại càng túng quẫn. Bà phải xách ấm chè, túi khoai lang đi bán dạo kiếm thêm ít tiền lo cho ông. Nhiều hôm bà bị bảo vệ đuổi, giật đổ hết khoai, lại còn gạt dùi cui làm bà sưng bầm tay. Bà ngồi khóc ngay hè đường. Nhưng về đến phòng trọ, bà vẫn cố giấu vì sợ ông buồn!

Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã vẫn chưa rời họ. Cách đây mấy năm, vợ chồng lại đau đớn nhận tin hai con trai Mai Anh Tuấn và Mai Hồng Xuân cũng tự nhiên đổ bệnh thận như cha. Cả hai anh em đều phải chạy thận nhân tạo, nhưng Xuân chỉ cầm cự được vài năm thì mất lúc mới 27 tuổi. Em gái Xuân phải nuốt nước mắt lên phòng trọ, thay mẹ chăm bố để bà về lo tang cho con trai. Cả nhà sợ ông buồn lại đâm bệnh nặng, nên cố giấu ông nỗi đau đớn này. Mãi sau ông mới biết, cứ ngồi lặng chảy nước mắt khóc con...

Từ ngày ấy, vai gầy của bà Hòa như càng oằn xuống. Những ngày mùa vụ, bà cho con gái chăm bố để về quê thu hoạch lúa. Lúc nông nhàn bà lại như hình với bóng bên ông. Bà chỉ rời ông khi phải xách túi khoai, ấm chè đi bán dạo, kiếm thêm chút tiền trang trải túng quẫn. Từ lúc chồng bệnh, con mất, bà bị suy nhược thần kinh, đau dạ dày, lại thêm bệnh viêm đa khớp hành hạ nhưng vẫn âm thầm chịu đựng một mình.

Những lúc bên ông, bà cố nén đau, tươi cười để ông yên tâm chữa bệnh. Thi thoảng có thức gì ngon bà lại nhường cho chồng, phần mình chỉ qua quýt vài đũa rau, trái cà chấm mắm. Ông xót xa, đẩy đĩa qua cho vợ. Bà lại đẩy lại, âu yếm nói với chồng: “Ông phải cố ăn đi, tôi dù thế nào vẫn còn khỏe hơn ông mà!”.

Gần đây, bệnh dạ dày và viêm khớp của bà trở nặng, không thể giấu được ông nữa. Những đêm trái gió trở trời bà đau, không ngủ được. Ông phải chạy thận nhân tạo đã kiệt sức nhưng vẫn cố ngồi xoa bóp cho vợ. Vợ chồng già lọm khọm thức trắng đêm bên nhau, không ai dám chợp mắt vì sợ người kia ra đi trước mình. Có hôm đau quá bà cố lết đi khám bác sĩ, nhưng lại không dám mua đủ toa thuốc vì sợ hết tiền lo cho ông.

Sức bà ngày càng yếu. Những hôm ế ẩm, bà lủi thủi xách túi khoai về phòng trọ. Ông ứa nước mắt nhìn vợ, rồi vừa cố ăn khoai ế vừa khen ngon để vợ đỡ buồn. Hiểu lòng ông, bà nói ông phải cố ăn thêm cơm để còn sức mà chống chọi bệnh tật: “Vợ chồng mình bên nhau đến bạc đầu rồi. Ông mà đi sớm thì tôi sống thế nào bây giờ!”.

________________

Chiến tranh. Mang trong mình căn bệnh phong, họ chạy xuống núi, ra ốc đảo. Một ngày không định trước họ nên duyên vợ chồng. Vậy mà đã 40 năm qua...

Kỳ tới: Tình già nơi ốc đảo

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên