Người dân làm thủ tục thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Có thể nói cách tiếp cận xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam vốn đã mang sẵn những bất cập mãn tính, xuất phát từ tư duy cào bằng trong thiết kế chính sách thuế, được thể hiện đậm nét ở cách tiếp cận xác định mức giảm trừ gia cảnh.
Không thể cào bằng mức sống
Luật thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, không phân biệt điều kiện sống theo vùng miền. Trong cách tiếp cận xây dựng chính sách tiền lương, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng (4 vùng), song mức giảm trừ gia cảnh theo Luật thuế thu nhập cá nhân lại không tiếp cận như vậy, dẫn đến cào bằng mức sống của người thành thị với nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH gần đây, thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn, song rõ ràng điều kiện vật giá ở thành thị cũng cao hơn nông thôn. Hơn nữa, với đặc tính lũy tiến của thuế thu nhập cá nhân, nếu thu nhập trung bình của người dân thành thị cao hơn nông thôn thì thuế sẽ điều tiết phần thu nhập cao hơn đó ở thành thị với một tỉ lệ thuế suất biên cao hơn so với ở nông thôn.
Do đó, mức giảm trừ gia cảnh cần phải phân biệt giữa các vùng khác nhau thay vì cào bằng. Theo đó, một cách tiếp cận có thể là: giả dụ với cơ cấu tỉ lệ mức lương tối thiểu giữa các vùng theo quy định hiện nay và với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở vùng IV (thấp nhất) là 11 triệu đồng thì vùng III phải là 12,5 triệu, vùng II là 14 triệu và vùng I là 16 triệu đồng/tháng.
Trong điều kiện lạm phát các năm tương đối cao, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% dẫn đến mức giảm trừ gia cảnh sớm trở nên lạc hậu, đồng thời người lao động phải chịu thiệt thòi do độ trễ của sự điều chỉnh luôn theo sau lạm phát. Hơn nữa, việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo CPI mà không điều chỉnh các mức thu nhập trong các bậc thuế là một sự bỏ qua nghiêm trọng.
Trong lần điều chỉnh năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc tăng lần lượt từ 9 và 3,6 lên tương ứng 11 và 4,4 triệu đồng/tháng, tức tăng khoảng 20%. Trong khi đó, ngưỡng thu nhập tính thuế trong các bậc thuế lại không hề được đả động.
Đáng lý ở bậc thuế thấp nhất, ngưỡng thu nhập tính thuế cũng phải điều chỉnh tăng ít nhất từ 5 lên 6 triệu đồng, ngưỡng tiếp theo từ 6 đến 12 triệu đồng... và ngưỡng cao nhất từ 80 lên 96 triệu đồng/tháng mới có thể đảm bảo mức thuế suất trung bình không đổi khi thu nhập danh nghĩa tăng do lạm phát (khác với do tăng năng suất).
Ngoài ra, việc điều chỉnh nên được tiến hành tự động hằng năm theo một công thức kỹ thuật gắn với chỉ số giá - thu nhập do Chính phủ công bố thay vì đợi CPI tích lũy đủ 20% đi kèm với một quy trình hành chính mất thời gian không cần thiết, trừ những điều chỉnh lớn và có tính hệ thống mới cần trình Quốc hội xem xét quyết định.
Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý
Luật thuế thu nhập cá nhân không cho phép khấu trừ chi phí đầu vào dẫn đến Chính phủ mất đi một công cụ điều tiết phân bổ thu nhập của người nộp thuế. Thay cho cách tiếp cận "khấu trừ trọn gói" với những bất cập như nêu trên, cách tiếp cận "khấu trừ chi phí hợp lý" sẽ giảm nhẹ những bất cập này, đồng thời có thể khuyến khích hành vi tiêu dùng tốt, chẳng hạn như chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu và hàng khuyến dụng.
Ví dụ, các khoản thanh toán học phí, chi phí học tập, sách vở... cần được cho phép khấu trừ đến một tỉ lệ nhất định trên tổng thu nhập (ví dụ tối đa 20% trên tổng thu nhập). Chính sách này cũng đồng thời khuyến khích việc sử dụng hóa đơn để tránh gian lận thuế, minh bạch hóa các hành vi giao dịch, giảm quy mô kinh tế ngầm.
Nếu xem mức giảm trừ gia cảnh là ngưỡng thu nhập tối thiểu để đảm bảo mức sống cơ bản của người dân, những người có thu nhập dưới ngưỡng phải được Nhà nước trợ cấp. Nếu những người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng phải chịu thuế phần thu nhập vượt trên, những người có thu nhập dưới 11 triệu đồng phải được trợ cấp một tỉ lệ nhất định trên phần thu nhập thiếu hụt.
Ví dụ, một người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tức thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng, có thể nhận được mức trợ cấp 5 - 10% tính trên chênh lệch 6 triệu đồng, tức 300.000 - 600.000 đồng/tháng. Chính sách này rất nhân văn, giúp cải thiện hơn nữa tính công bằng dọc giữa nhóm có thu nhập đạt ngưỡng và nhóm chưa đạt ngưỡng chịu thuế.
Trên phương diện phân cấp ngân sách, theo quy định, thuế thu nhập cá nhân là thuế phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương. Tỉ lệ phân chia thuế thu nhập cá nhân được áp dụng chung như các khoản thu phân chia khác (như thuế TNDN, thuế GTGT...) là rất không hợp lý. Đặc điểm và tính chất của thuế thu nhập cá nhân không giống thuế GTGT hay thuế TNDN.
Như chúng ta biết, trình độ phát triển kinh tế của các địa phương rất khác nhau, song các địa phương, ngay cả với các siêu đô thị như TP.HCM hay Hà Nội, lại không hề có công cụ thuế để chủ động thực thi chính sách tài khóa cũng như điều tiết và quản lý kinh tế địa phương. Cải cách hệ thống thuế gắn với phân cấp ngân sách, Luật thuế thu nhập cá nhân nên tiếp cận trao quyền thiết kế thuế cho các địa phương.
Sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, thuế suất trung bình của thuế thu nhập cá nhân toàn quốc sẽ giảm xuống và được thay thế bằng thuế thu nhập cá nhân của địa phương gắn với khuôn khổ đánh thuế trong một phạm vi được phép.
Trước mắt, có thể cho phép các địa phương được xác định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với điều kiện của địa phương dựa trên khuôn khổ do Chính phủ quy định, sau đó là quyền quyết định phạm vi đánh thuế và thuế suất.
Những lo ngại về việc các địa phương tìm cách tăng thuế sẽ giảm đi nếu người dân có quyền "bỏ phiếu bằng chân" - tức sẽ rời đi khi bị đánh thuế cao, khiến cơ sở thuế bị xói mòn, làm giảm nguồn thu tiềm năng. Hệ thống đăng ký thuế cạnh tranh sẽ giúp thiết lập nên một hệ thống thuế tối ưu theo nghĩa là công bằng, hiệu quả và khả thi nhất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận