Muốn đạt được những bước chuyển mình đó, bước quan trọng đầu tiên là bộ máy công quyền cần "xoay chuyển", bỏ tư duy bình bình, tầm thường.
Phát biểu của Thủ tướng nhấn mạnh đây là giai đoạn tập trung vào những công trình hạ tầng có tính chiến lược giúp xoay chuyển tình thế để đạt mức tăng trưởng gấp nhiều lần "mức bình bình" 6-7% như hiện nay.
Trong các giải pháp quan trọng, theo ông, có cải thiện thể chế để loại bỏ vướng mắc trong việc huy động các nguồn lực khác nhau, từ trong nước lẫn bên ngoài để đầu tư các dự án mang tính bứt phá.
Trông chờ những dự án hạ tầng lớn, những dự án trọng điểm quốc gia "xoay chuyển tình hình", trước hết là trông chờ vào sự xoay chuyển, đổi mới tư duy và hành động của bộ máy công quyền.
Bởi muốn có dự án lớn và để làm được thành công, hiệu quả dự án lớn, bộ máy vẫn là yếu tố quyết định.
Kể cả khi có dự án rồi nhưng đầy rẫy những vấn đề hạn chế, bất cập, yếu kém trong thực hiện sẽ khó để dự án mang lại hiệu quả chuyển mình và tạo bứt phá về tăng trưởng.
Vừa qua, thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhiều đại biểu Quốc hội dù tán thành việc làm một dự án lớn như vậy để phát triển, nhưng không khỏi băn khoăn, ám ảnh khi thực tế hàng loạt dự án lớn đã và đang làm nhưng vướng mắc từ giải ngân chậm, đội vốn, sau mỗi dự án là tiêu cực, hàng loạt cán bộ dính án…
Hậu quả là lãng phí rất lớn nguồn lực, như tựa một bài báo Tuổi Trẻ ngày 6-11 đặt ra là "Chống lãng phí là diệt mối họa lớn cho đất nước".
Cũng dễ thấy nhiều địa phương không có dự án lớn cũng do lãnh đạo không dám nghĩ lớn, không dám đột phá để kêu gọi, huy động các nguồn lực đến đầu tư.
Không loại trừ có "tư duy nhiệm kỳ", làm dự án nhỏ để gói gọn, nhanh chóng trong nhiệm kỳ đó, không đặt móng dự án lớn cho nhiệm kỳ khác.
Ở cấp độ thực hiện, tư duy xin - cho của bộ máy thực thi, cùng với bộ máy cồng kềnh thủ tục nhiêu khê, rối rắm cũng làm nản lòng nhà đầu tư khi tìm đến với mong muốn đóng góp cho sự phát triển địa phương…
Điều đáng mừng là tất cả những bất cập thâm niên của hệ thống từ cồng kềnh bộ máy, hạn chế của thể chế và đội ngũ đã được các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước vạch rõ, chỉ thẳng.
Quan sát, theo dõi những bài viết, phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hơn 3 tháng trở lại đây, giới chuyên gia, doanh nghiệp và cả người dân cảm nhận có sự thay đổi trong nhận rõ, chỉ ra những tồn tại và đặt mục tiêu thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những bài viết, phát ngôn trực diện nêu những bất cập, hạn chế về thể chế, tổ chức và vận hành bộ máy cản trở sự phát triển, đồng thời thúc giục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Ông kêu gọi cải cách bộ máy nhà nước "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" để nâng cao hiệu quả và giảm lãng phí tài nguyên.
Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và địa phương cũng có hàng loạt phát biểu chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy và ứng dụng công nghệ số để đẩy nhanh sự chuyển mình của đất nước.
Sự chuyển mình được như vậy ai cũng trông chờ, trước hết là sự thay đổi, xoay đổi tư duy của bộ máy, nơi được tinh gọn và từng cán bộ, công chức, viên chức bỏ tư duy bình bình, tầm thường để hướng đến sự tăng trưởng đột phá, vì một vị thế mới, vị thế tương xứng của đất nước trên trường quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận