13/10/2014 07:46 GMT+7

​Không thể biện minh

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TT - Nếu không có các thông tin trên VTV1 và báo Tuổi Trẻ thì chắc chắn thực trạng lãng phí trong việc xây dựng các công trình văn hóa chưa lộ diện cụ thể như mấy ngày vừa qua.

Tỉnh Đắk Lắk có 570 nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) được trang bị đầy đủ điều kiện để triển khai các hoạt động văn hóa nhưng chỉ có 30% trong số đó hoạt động tốt, còn lại là trung bình và không hoạt động. Tỉnh Đắk Nông có 136 NVHCĐ thì 88 nhà hoạt động kém hiệu quả và 9 nhà hoàn toàn không hoạt động! 

Gần 100% NVHCĐ ở các huyện trong tỉnh này như Đắk G’Long, Đắk R’Lấp, Krông Nô, Tuy Đức đã xuống cấp, hư hại phải sửa chữa trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc bỏ hoang.

Còn công viên văn hóa dân tộc ở Q.9, TP.HCM thì sau 13 năm khởi động, với 320 ha/400 ha đất đã thu hồi, vẫn chỉ thực hiện được 10% nhiệm vụ được giao - đặc biệt là có tới 66 ha đã quy hoạch chức năng nhưng vẫn chưa xác định được nội dung phương án hoạt động!

Thực trạng ở Làng du lịch văn hóa các dân tộc tại Đồng Mô (Hà Nội) cũng rất đáng ngại: nhiều công trình hoành tráng đã xây dựng xong, đường giao thông nội bộ đã tương đối tốt nhưng tình trạng xuống cấp, “bỏ hoang” vẫn chiếm nhiều và kéo dài, trừ những lần lễ hội hiếm hoi trong năm.

Số tiền chi phí cho quản lý, duy tu, bảo dưỡng làng văn hóa này trong bốn năm qua, theo phóng sự của VTV thì không dưới hàng trăm tỉ đồng, trong khi doanh thu gần như chẳng có gì!

Sự lãng phí ghê gớm ở các công trình văn hóa như kể trên là một sự thật không thể né tránh. Đáng tiếc là đến nay, việc mổ xẻ nguyên nhân của sự lãng phí này để ngăn chặn vẫn chưa được ngành chức năng và địa phương đặt ra một cách nghiêm túc và rốt ráo.

Chính căn bệnh thành tích cùng với thói quen áp đặt, không cần tham khảo cộng đồng và cũng không cần quan tâm tới hiệu quả của các nhà đầu tư (vì là tiền từ ngân sách) đã đẩy các công trình văn hóa tiền tỉ vào tình trạng bị cộng đồng thờ ơ, ngoảnh mặt và dẫn tới hoang phí.

Còn một điều đáng tiếc nữa là trong nhận thức của những cán bộ quản lý trực tiếp, như vị phó ban quản lý Làng du lịch văn hóa các dân tộc Đồng Mô, vẫn tồn tại một kiểu suy nghĩ rất đáng lo, đại ý: dự án văn hóa (như Đồng Mô) là cần thiết vì mục đích bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa; các chi phí cho quản lý, bảo dưỡng vì thế không thể xem là lãng phí dù nó chưa/không có được đồng doanh thu nào.

Giá mà các nhà quản lý văn hóa chịu công nhận rằng một mặt, văn hóa là thứ vô giá; mặt khác, văn hóa lại là thứ đẻ ra các giá trị thương mại nếu chúng ta luôn biết quan tâm tới hiệu quả mỗi khi dự tính làm một công việc gì, dù nhỏ, chứ đừng nói tới các dự án to lớn.

Tài liệu của Liên Hiệp Quốc về kinh tế sáng tạo cho biết: năm 2008, giá trị thương mại của ngành kinh tế sáng tạo đạt tới mức 592 tỉ USD.

Còn ở nước Anh, 13 phân ngành của kinh tế sáng tạo (quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, điện ảnh, băng từ, thiết kế...) đã chiếm vị trí thứ hai trong đóng góp GDP (sau lĩnh vực tài chính), tạo ra 2 triệu việc làm, chiếm 10,6% giá trị xuất khẩu.

Khi đạt được nguồn thu rất đáng kể như trên, ai dám bảo rằng mục đích văn hóa của nước Anh không xuất phát từ những điều tốt đẹp? Vậy nên, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng với nhau: lãng phí là lãng phí, không thể lấy mục đích để biện minh!

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên