21/01/2022 10:07 GMT+7

Không thấy truy vết, có cần quét mã QR?

HOÀNG LỘC - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN

TTO - Cận Tết, nhu cầu đi lại tăng mạnh, nhiều người ở TP.HCM nhận thấy có lơ là khi quét mã QR để khai báo y tế. Dù vậy cũng ít thấy nhắc đến truy vết để xác định F1, F2... từ thông tin khai báo.

Không thấy truy vết, có cần quét mã QR? - Ảnh 1.

Người dân quét mã QR khai báo y tế tại một khu vui chơi Tết trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 20-1) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngược lại, nhiều khách sạn và resort vẫn yêu cầu xét nghiệm mới cho vào lưu trú.

Cho đến nay, khai báo y tế vẫn là yêu cầu bắt buộc khi người dân đến các địa điểm công cộng, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại…, còn các chuyên gia y tế cho rằng vẫn cần khai báo y tế do biến chủng Omicron đang đe dọa.

Khai báo y tế "cho có lệ"?

Tại một quán karaoke trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM), ngay cửa ra vào sảnh quán luôn có sẵn một bảng chào mừng khách kèm hình ảnh mã QR khá lớn với thông báo: "Quý khách vui lòng khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt". Tuy nhiên, hầu hết các khách đến đều bỏ qua khai báo, trừ khi có nhân viên trực tiếp nhắc nhở.

Trong khi đó, tại hầu hết các quán nhậu dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, việc khai báo y tế gần như đã bị cả chủ lẫn khách bỏ qua, mặc dù trước mỗi điểm bán đều có dán hình ảnh mã QR để khách khai báo y tế cũng như nước sát khuẩn phục vụ khách có nhu cầu. Việc quét mã QR gần như tùy vào ý thức của khách hàng, nhân viên quán gần như không nhắc nhở hoặc chẳng buồn quan tâm.

Ghi nhận trên nhiều tuyến đường như Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), Phạm Văn Đồng, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh)... cho thấy nhiều cơ sở dịch vụ vẫn duy trì việc khai báo y tế qua quét mã QR. Những hàng quán chủ yếu vẫn duy trì khai báo y tế như: cửa hàng quần áo, nhà sách, quán cà phê... nhưng thực hiện lại không nghiêm ngặt, mỗi nơi mỗi kiểu.

Không thấy truy vết, có cần quét mã QR? - Ảnh 2.

Tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (phường Linh Chiểu), người dân ra vô vẫn bắt buộc phải khai báo y tế. Bảo vệ tại đây yêu cầu người dân khai báo y tế bằng cách mở ứng dụng Zalo, quét mã QR dán trên cổng ra vào rồi khai báo y tế trên Cổng thông tin khai báo y tế điện tử của Bộ Y tế. Đơn vị này còn bố trí một bàn giấy để đề nghị người nộp thuế điền thông tin tên tuổi, nội dung làm việc, chỗ ở hiện tại... vào tờ giấy.

Để vào trung tâm thương mại Gigamail Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), chúng tôi được nhân viên yêu cầu khai báo y tế. Việc khai báo y tế là bắt buộc, có thể khai báo y tế qua ứng dụng PC COVID-19 hoặc mở Zalo quét mã QR. Những tối trước đó, số lượng người ra vào tấp nập, nơi này chỉ yêu cầu người dân có "thẻ xanh" COVID-19 để vào.

Tại một ngân hàng nằm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), mặc dù mã QR được dán ngay cổng ra vào và khu vực khách chờ nhưng khi vào lại không cần phải khai báo y tế. Chúng tôi thắc mắc tại sao không khai báo y tế hoặc có "thẻ xanh" COVID-19, một bảo vệ trực không giải thích gì nhiều mà chỉ yêu cầu cứ vào làm việc.

Không thấy truy vết, có cần quét mã QR? - Ảnh 3.

Nhiều người vào trung tâm thương mại tại quận 1 (TP.HCM) nhưng hầu hết không khai báo y tế (ảnh chụp chiều 20-1) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Có còn cần thiết?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng việc khai báo y tế khi đến các địa điểm công cộng ở TP.HCM hiện nay không còn cần thiết. Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, với tình hình phủ vắc xin gần như đầy đủ ở TP.HCM hiện nay thì việc phải khai báo y tế hầu như là vô nghĩa khi "chúng ta đã xác định sống chung với dịch".

Trong khi đó, ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập nền tảng chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng việc quét khai báo y tế hiện nay chủ yếu là khai báo hình thức cho có. Một số địa điểm có bảo vệ nhắc thì người dân mới quét, nhưng quét xong có nhập thông tin thật không cũng không ai biết. Nhiều chỗ lại hướng dẫn quét qua Zalo, PC-COVID hoặc Sức khỏe Việt Nam... người dân cũng không biết cách nào đúng.

"Đặc biệt, các dữ liệu này đang được xử lý thế nào, nếu khai báo chưa chính xác thì sẽ thế nào và các thông tin này lưu trữ, bảo mật ra sao cũng không ai biết. Tôi cho rằng việc khai báo y tế kiểu này đã không còn cần thiết trong nhiều tình huống, nhất là với các địa phương đã phủ vắc xin đạt yêu cầu như TP.HCM. Chúng ta nên có cách thức, phương thức khác để quản lý dịch tốt hơn", ông Quân đề xuất.

Tương tự, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cũng cho rằng việc khai báo y tế hiện nay chỉ mang tính chất hình thức ở cả hai phía, làm cho việc thu thập dữ liệu không có ý nghĩa. Phía người khai báo khai nhanh, khai cho hoàn thành theo mẫu. Phía người giám sát khai báo chỉ kiểm tra lại qua loa đại khái cho đúng quy định.

Hệ thống thu thập dữ liệu cộng đồng cần nhập thông tin đầu vào chính xác nhưng hiện nay không làm được. Bên cạnh đó, việc truy vết F0 tại TP.HCM và các tỉnh không còn được làm mạnh như trước. "Để trả lời câu hỏi có cần thiết thu thập dữ liệu y tế hay không thì chỉ có cơ quan y tế trả lời được", ông Vũ nói.

Không thấy truy vết, có cần quét mã QR? - Ảnh 4.

Người dân quét mã để khai báo y tế khi vào bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Với tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Omicron, chúng ta rất khó kiểm soát, có thể gây ra hiện tượng quá tải cho ngành y tế. Việc truy vết sẽ giảm được tốc độ lây lan của dịch. Truy vết còn đóng vai trò quan trọng với một số người như người già, có bệnh nền để bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng

Các chuyên gia nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết khai báo y tế vẫn rất cần thiết, khai báo sẽ ràng buộc được người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19. Khi khai báo, những người không có ý thức tốt như sốt, ho sẽ không thể đến được khu vực đông người. Nếu khai báo sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì làm lây lan dịch COVID-19 nếu dương tính.

Tuy nhiên, cần phải thống nhất cách khai báo duy nhất nhằm thuận lợi cho người khai báo y tế, tránh rườm rà mỗi nơi mỗi kiểu. "Tại các khu vực đông người, nơi công cộng, mặc dù có nhiều người đã được tiêm chủng nhưng chưa đủ miễn dịch. Đặc biệt, trong tình hình biến chủng mới Omicron lây lan nhanh thì phải duy trì được khai báo y tế. Chúng ta sẽ bỏ việc khai báo y tế nhưng không phải thời điểm hiện tại", TS Dũng nói.

Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết khai báo y tế tại bệnh viện hiện vẫn có vai trò rất quan trọng vì giúp quản lý được trong 1 ngày có bao nhiêu người ra vô, triệu chứng gì để thực hiện biện pháp kiểm soát.

"Việc khai báo vẫn có vai trò rất quan trọng trong các cơ sở y tế để truy vết những đối tượng có yếu tố nguy cơ, từ đó kịp thời có biện pháp xử lý", bác sĩ Khanh nói.

Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng khai báo y tế tại các khu vực công cộng không còn có giá trị và không cần thiết bởi độ phủ chích ngừa vắc xin COVID-19 trong toàn dân ở mức cao, hơn nữa không còn truy vết F0, F1 ở nơi công cộng. Theo bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, "khai báo y tế vẫn còn giá trị trong giai đoạn hiện nay, vừa để giữ thành quả chống dịch vừa ngăn ngừa tốc độ lan rộng của Omicron. Việc khai báo y tế tại nhà hàng, siêu thị, nơi đông người nên được duy trì. Thực tế ở bệnh viện cho thấy việc khai báo đã giúp nhiều người nâng cao nhận thức về dịch bệnh", bác sĩ Sóng nói.

Chỉ 50% tài khoản PC-COVID hoạt động

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người dân cho rằng việc khai báo y tế khi đi, đến các điểm trong nội thành TP.HCM hiện nay là không cần thiết vì "hầu hết người dân đều đã được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, đồng thời TP.HCM cũng đang là vùng xanh".

Anh Hữu Thành (TP Thủ Đức) cho rằng: "Trước đây, việc khai báo y tế là để phục vụ truy vết những người tiếp xúc (F1, F2, F3, F4) nếu chẳng may phát hiện một người bị nhiễm COVID-19 (F0), nhưng giờ tôi thấy việc này không còn cần thiết. Các F0, F1 đều chủ động thông báo và tìm cách chữa trị phù hợp một cách dễ dàng, không cần phải nhờ đến cơ quan chức năng đi truy vết để xử lý như trước kia". Tương tự, anh Hùng Dũng (quận Bình Thạnh) cũng cho biết: "Tôi nghĩ việc bắt buộc khai báo y tế khi đi đến các địa điểm công cộng trong nội thành là không cần thiết. Việc xếp hàng quét QR khai báo y tế nhiều nơi đang vô tình làm chậm các quy trình làm việc cũng như gây tụ tập đông người không cần thiết". Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, dẫn nguồn từ Bộ TT&TT, tính đến ngày 19-1-2022, Việt Nam có 66,7 triệu người đã cài đặt ứng dụng PC-COVID. Đây là ứng dụng chống dịch duy nhất phục vụ phòng chống dịch COVID-19 theo "lệnh" của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, chỉ có 33,7 triệu tài khoản đang hoạt động, tức chỉ khoảng 50% so với lượng người dùng đã cài đặt. Riêng tại TP.HCM, lượng tài khoản (số điện thoại) đang cài đặt ứng dụng PC-COVID là 5,15 triệu, trong khi tổng dân số gần 9 triệu người, tức chỉ khoảng 57% người dân đang sử dụng PC-COVID.

ĐỨC THIỆN

Quét mã QR chỉ gây tốn kém, phiền toái

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quý Tường, nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho rằng trước đây việc quét mã QR, gửi tờ khai y tế nhằm mục tiêu để CDC (trung tâm kiểm soát dịch bệnh) truy vết COVID-19. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó cũng ít CDC sử dụng thông tin từ tờ khai y tế điện tử, tờ khai y tế giấy để truy vết mà chủ yếu truy vết thủ công.

Ví dụ phát hiện 1 F0, đội truy vết sẽ hỏi lịch sử 3 ngày gần nhất, nếu mở rộng sẽ hỏi 7 ngày, ít CDC mở tờ khai truy vết. Và từ tháng 7-2021 đến nay, khi số ca mắc mới tăng cao, số F0 mỗi ngày hàng chục ngàn ca, trong đó có nhiều ngàn ca trong cộng đồng, việc truy vết trở nên không khả thi và cũng không cần thiết bởi chiến lược chống dịch đã thay đổi, chuyển hướng.

"Truy vết là cách thức chống dịch khi chúng ta áp dụng chiến lược zero COVID, còn hiện nay đã thay đổi, việc quét mã QR để truy vết vì thế giảm hiệu quả rất nhiều, đặc biệt nếu chỉ quét mã mà không gửi tờ khai thì càng không hiệu quả" - ông Tường nêu ý kiến.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia cho rằng có 3 vấn đề liên quan đến quét mã QR. Thứ nhất, nếu quét mà không có hiệu quả gì thì sẽ tốn kém nguồn lực xã hội. Một người đến nơi công cộng phải mất ít phút để quét mã QR, số lượng người tham gia nhiều sẽ mất hàng triệu phút.

Thứ hai, việc quét mã để truy vết nhưng hiện không sử dụng sẽ dẫn đến phiền toái cho người dân, nhất là người không sử dụng/không có điện thoại thông minh. Có một điểm cộng khi quét mã QR là người dân hiểu rằng đang có dịch bệnh và phải áp dụng các biện pháp chống dịch (như 5K). Tuy nhiên, người dân đã coi 5K là một trong số nguyên tắc sống, như mọi người dân đều đeo khẩu trang, cũng không cần thiết phải quét mã nếu hiệu quả không cao.

LAN ANH

Muốn ở khách sạn, phải xét nghiệm

khach dulich 4(read-only)

Du khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắc xin” đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo hình thức khép kín, an toàn - Ảnh: C.C.

Việc triển khai test cho du khách trước khi vào cơ sở lưu trú đang được thực hiện mỗi nơi một kiểu. Có khách sạn bắt buộc khách phải test trước, hoặc bán bộ xét nghiệm cho khách tự thực hiện, nhưng cũng có nơi hỗ trợ miễn phí.

Trong kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua, chị Thùy Trang cùng gia đình đi du lịch đến Đà Lạt đã được nhân viên lễ tân của khách sạn yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ. Nếu không có giấy chứng nhận, khách sạn sẽ hỗ trợ bộ xét nghiệm với giá 65.000 đồng/bộ.

Do gia đình chị Trang có 4 người lớn và hai trẻ em, nên để tiết kiệm chi phí, khách sạn cho xét nghiệm gộp 2 người/lần test. "Tôi thực sự bất ngờ trước yêu cầu của khách sạn vì khi đặt phòng online chúng tôi không được thông báo", chị Trang kể.

Để chuẩn bị cho chuyến du lịch trước Tết Nguyên đán ở Quy Nhơn, chị Thúy (ngụ TP Thủ Đức) đã phải đưa con đến phòng khám gần nhà xét nghiệm lấy giấy chứng nhận. Resort nơi gia đình chị Thúy nghỉ dưỡng yêu cầu trẻ dưới 12 tuổi phải có giấy xét nghiệm nhanh trong vòng 72 giờ, trong khi người lớn chỉ cần trình "thẻ xanh" là được.

"Việc du lịch mùa còn dịch giã thì đành chịu thôi", chị Thúy chia sẻ. Trong khi đó, dù có xác nhận của cơ sở y tế đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus COVID-19 nhưng chị Nga (quận Bình Thạnh) vẫn bị khách sạn ở Vũng Tàu yêu cầu phải test nhanh lại lần nữa.

Để được vào khách sạn, cả gia đình chị tự test trước mặt nhân viên lễ tân và trả phí cho bộ xét nghiệm. "Dù cả gia đình từng là F0, nhưng để an toàn, trước khi xuất phát cả gia đình tôi đã tự xét nghiệm ở nhà, vậy mà khách sạn không đồng ý", chị Nga kể.

N.BÌNH

Theo yêu cầu của các khách sạn tại TP.HCM, khách lưu trú từ 18 tuổi trở lên phải bảo đảm tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa COVID-19 và qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus có xác nhận của cơ sở y tế.

Với khách dưới 12 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính COVID-19, một số khách sạn còn yêu cầu xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ. "Khách đến TP lưu trú trong khách sạn 4-5 sao chủ yếu là khách ngoại tỉnh nên yêu cầu này cũng không quá làm khó khách", đại diện một khách sạn 5 sao ở TP.HCM cho biết.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Thần tốc khoanh vùng, truy vết các ca nhiễm Omicron cộng đồng Bí thư Nguyễn Văn Nên: Thần tốc khoanh vùng, truy vết các ca nhiễm Omicron cộng đồng

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hiện các lực lượng chức năng của TP.HCM đang khoanh vùng, truy vết thần tốc liên quan đến chùm ca nhiễm COVID-19 thuộc biến chủng Omicron để ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng.

HOÀNG LỘC - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: quét mã truy vết QR