05/11/2014 09:55 GMT+7

Không thay đổi thì vẫn cứ “thừa thầy thiếu thợ”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nếu những quan niệm, quy định về tuyển dụng lao động và mục tiêu giáo dục nghề nghiệp vẫn như cũ  thì tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" vẫn tiếp diễn.

Học sinh tham quan phòng thực hành khoa cơ khí chế tạo ở Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM sáng 9-3-2014 - Ảnh: Quang Phương

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) khẳng định như vậy tại phiên Quốc hội thảo luận về Luật giáo dục nghề nghiệp sáng nay 5-11.

Luật giáo dục nghề nghiệp là một tên mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thay cho tên Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Thi giỏi nhưng làm dở

“Tại các cuộc thi tay nghề trong khối ASEAN, đoàn Việt Nam thường đạt thành tích rất cao. Ví dụ trong năm vừa qua đoàn Việt Nam đoạt giải nhất với 15 huy chương vàng. Từ đó có thể thấy rằng khả năng dạy nghề và tiềm năng học nghề của người Việt là rất lớn, không thua kém các nước trong khu vực” - bà Hải nêu vấn đề.

Thi thố giỏi như vậy nhưng theo bà Hải, có một nghịch lý là năng suất lao động của người Việt Nam thấp vào loại nhất trong khu vực, chẳng hạn như kém người Singapore tới 15 lần. Việc dạy nghề chưa phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Trong khi đó thì xã hội lại “thừa thầy thiếu thợ”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo bà Hải một phần do quan niệm xã hội, một phần do cơ chế, quy định về tuyển dụng.

“Ví dụ, có những vị trí trong cơ quan, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước chỉ cần trình độ trung cấp nhưng quy định tuyển dụng lại đòi hỏi phải có bằng đại học” - bà Hải nói. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có những chính sách đủ mạnh, đủ hấp dẫn để người dân say xưa học nghề.

Bà Hải đề nghị quy định rõ mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp trong luật này và nghiên cứu đưa ra các quy định về nguyên tắc tuyển dụng, vị trí làm việc phải tương xứng với trình độ, bằng cấp. Từ đó mới dẫn đến thay đổi quan niệm trong xã hội.

Thống nhất đầu mối quản lý

Theo GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - giáo dục nghề nghiệp hiện đang bị phân tách thành hai bộ phận do hai Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ LĐTB-XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp và cao đẳng nghề, Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

“Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo; trùng lặp về ngành nghề đào tạo; khác biệt trong xây dựng chương trình đào tạo dẫn tới khó khăn trong liên thông, công nhận kết quả học tập giữa các trình độ; vướng mắc trong việc chuẩn hóa các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân để phù hợp với thông lệ quốc tế…)” - GS Thi nói.

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

“Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho Bộ LĐTB-XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên